Quốc tế

Nắng nóng nới rộng khoảng cách học tập

Hà Anh 03/05/2024 12:07

Nhiệt độ tăng cao có thể làm gia tăng khoảng cách học tập giữa các quốc gia đang phát triển với các nước phát triển, thậm chí giữa các khu vực giàu và nghèo ở các nước giàu.

anhbaitren(6).jpg
Trẻ em ở Dhaka, Bangladesh phải đối mặt với những đợt đóng cửa trường học từ 3 đến 4 tuần trong mùa hè. Nguồn: Reuters.

Quyết định khó khăn

Em Hena Khan - một nữ sinh lớp 9 ở Dhaka (Bangladesh) đã phải vật lộn để tập trung vào việc học trong tuần này khi nhiệt độ ở thủ đô vượt quá 40 độ C. “Không có sự giáo dục thực sự nào ở trường học trong cái nóng khắc nghiệt này. Giáo viên không thể dạy, học sinh không thể tập trung. Đúng hơn là mạng sống của chúng tôi đang gặp nguy hiểm" - Hena nói.

Khan là một trong hơn 40 triệu học sinh phải nghỉ học trong những tuần gần đây vì nắng nóng, buộc các trường học ở một số khu vực châu Á và Bắc Phi phải đóng cửa. Khi khí hậu ấm lên do đốt nhiên liệu hóa thạch, các đợt nắng nóng sẽ kéo dài hơn và đạt đến đỉnh điểm lớn hơn khi nhiệt độ trung bình tăng lên.

Ngược lại, các cơ quan chính phủ và chuyên gia y tế công cộng trên khắp thế giới đang phải vật lộn với việc nên cho học sinh tiếp tục học tập trong lớp học nóng bức hay khuyến khích họ ở nhà và giữ bình tĩnh. Và quyết định nào cũng có hậu quả.

Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, khoảng 17% trẻ em trong độ tuổi đi học trên thế giới đã thất học, nhưng tỷ lệ này lớn hơn nhiều ở các nước đang phát triển, với khoảng 30% trẻ em khu vực châu Phi cận Sahara thất học so với chỉ 3% ở Bắc Mỹ.

Điểm kiểm tra của trẻ em ở các nước đang phát triển cũng tụt hậu rất xa so với các nước phát triển. Các chuyên gia cho biết, nhiệt độ có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, làm gia tăng khoảng cách học tập giữa các quốc gia vùng nhiệt đới đang phát triển với các nước phát triển, thậm chí giữa các khu vực giàu và nghèo ở các nước giàu.

Việc gửi trẻ đến những trường học quá nóng nực có thể khiến chúng bị bệnh. Nam Sudan trong năm nay đã đóng cửa trường học đối với khoảng 2,2 triệu học sinh vào cuối tháng 3 khi nhiệt độ tăng vọt lên 45 độ C. Hàng nghìn trường học ở Philippines và Ấn Độ cũng làm theo vào cuối tháng 4.

Trong khi đó, Bangladesh tiếp tục phân vân giữa việc mở và đóng cửa trường học cho khoảng 33 triệu học sinh trong bối cảnh áp lực chuẩn bị cho học sinh bước vào kỳ thi ngay cả khi nhiệt độ lên đến mức nguy hiểm.

Ông Shumon Sengupta - Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Save the Children của Bangladesh cho biết, nhiều trường học ở nước này không có quạt, hệ thống thông gió không tốt và không có khả năng cách nhiệt tốt.

Đầu tuần này, một ngày sau khi mở lại các trường học bị đóng cửa vào tuần trước do nắng nóng, chính quyền Bangladesh lại đóng cửa tất cả các trường tiểu học và cơ sở giáo dục ở gần một nửa số quận khi nhiệt độ lên tới 43 độ C. Theo Bộ trưởng Giáo dục Bangladesh Mohibul Hasan Chowdhury, các quyết định về việc đóng cửa trường học sẽ không còn mang tính chỉ thị quốc gia nữa, mà sẽ được đưa ra ở cấp huyện.

Nhận thức kém

Ngay cả khi học sinh tiếp tục đến lớp trong thời gian nắng nóng, việc học tập của các em có thể vẫn bị ảnh hưởng. Nhiệt độ cao làm chậm chức năng nhận thức của não, làm giảm khả năng ghi nhớ và xử lý thông tin của học sinh.

Một nghiên cứu vào tháng 5/2020 cho thấy, học sinh trung học ở Mỹ thực hiện kém hơn trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn nếu họ tiếp xúc với nhiệt độ cao hơn trong năm trước kỳ thi. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Kinh tế Mỹ chứng minh rằng, năm học ấm hơn 0,55 độ C đã làm giảm 1% kết quả học tập trong năm đó. Đồng tác giả nghiên cứu Josh Goodman - nhà kinh tế tại Đại học Boston cho biết, phần lớn tác động đó biến mất ở những trường học có sử dụng điều hòa.

Theo một nghiên cứu năm 2019 của Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia, ở Mỹ, thành tích trung bình của những sinh viên có thu nhập thấp nhất chậm hơn sinh viên có thu nhập cao nhất khoảng 4 năm.

Ông Goodman và các đồng nghiệp đã tìm ra mô hình học tập tương tự khi họ xem xét dữ liệu bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa ở các quốc gia khác. “Khi học sinh ở những nơi trải qua một năm nóng nực hơn, họ dường như học được ít hơn” - ông Goodman nói và cho rằng, biến đổi khí hậu sẽ làm tăng khoảng cách học tập giữa các nước nóng và mát.

Một số nghiên cứu khác cho thấy, nhiệt độ quá cao ở vùng nhiệt đới có thể ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ ngay cả trước khi sinh. Một nghiên cứu năm 2019 trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia cho thấy, trẻ em ở Đông Nam Á tiếp xúc với nhiệt độ cao hơn mức trung bình trong tử cung và khi còn nhỏ sẽ có ít năm đi học hơn khi lớn lên.

Tác giả nghiên cứu, bà Heather Randell - nhà xã hội học tại Đại học Minnesota - cho rằng, với nhiều người trong khu vực phụ thuộc vào nông nghiệp, nhiệt độ cao còn có thể ảnh hưởng đến sản xuất lương thực và thu nhập của hộ gia đình.

“Nếu mùa màng bị hư hại do nắng nóng, trẻ nhỏ sẽ không đủ ăn, điều này có thể cản trở sự phát triển, khiến gia đình không đủ khả năng chi trả học phí và buộc phải cho trẻ nghỉ học để phụ giúp việc đồng áng” - bà Goodman nói.

Giám đốc Sengupta của tổ chức Save the Children cho biết, tại Bangladesh, năm ngoái, các trường học chỉ đóng cửa từ 6 đến 7 ngày. Nhưng năm nay, họ có thể đóng cửa từ 3 đến 4 tuần. Tháng 5 nói chung là tháng ấm nhất trong năm ở Nam Á. Theo báo cáo của Save the Children, khi trẻ em không được đến trường, chúng dễ bị tổn thương hơn trước tình trạng lao động trẻ em và tảo hôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nắng nóng nới rộng khoảng cách học tập