Kinh tế

Nền kinh tế “vượt bão”

Bắc Phong 30/12/2023 09:31

Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới, 2023 cũng là năm khó khăn của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, “gian nan tỏ mặt anh hùng”, nền kinh tế đất nước không chỉ chứng tỏ sức chống chịu mà còn “vượt bão”, tạo tiền đề tích cực cho năm 2024.

anhthay.jpg
Năm 2023 nền kinh tế chứng kiến sự phục hồi rõ rệt của cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: Quang Vinh.

Để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5%/năm trong giai đoạn 5 năm 2021-2025 như đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, thì tăng trưởng bình quân 3 năm 2023-2025 phải đạt khoảng 7,3%/năm. Đây là mức rất cao, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, do Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức (ngày 12/12/2023), các ý kiến thống nhất cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế nước ta vẫn đạt được những kết quả tích cực. Việt Nam là một điểm sáng trong “bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu.

Cụ thể, năm 2021, tăng trưởng GDP đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm. Năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021. Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 25 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại. Ước tính năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng 5%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra từ 6 - 6,5%, nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Nhìn lại năm 2023, nền kinh tế đất nước phải đương đầu với nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp (DN) thiếu đơn hàng, nhiều DN phải rời khỏi thị trường; số người mất việc, giãn việc tăng cao; thị trường bất động sản “đóng băng”; trái phiếu DN cùng thị trường chứng khoán “nóng lạnh”... Tuy nhiên, càng về cuối năm, nền kinh tế càng có thêm những điểm sáng.

Ngày 9/12, tại sự kiện giới thiệu báo cáo “Toàn cảnh kinh tế vĩ mô của thế giới và Việt Nam năm 2023, một số nhận định và dự báo xu hướng năm 2024” của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS), PGS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học (Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đồng thời là Kinh tế trưởng của VESS) cho rằng, sự chậm lại các dòng thương mại và đầu tư quốc tế khiến cho cỗ xe kinh tế Việt Nam phải khựng lại ít nhiều. Tuy nhiên, năm 2023, tăng trưởng của Việt Nam đã cao dần qua các quý.

Đáng chú ý, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn thì Việt Nam vẫn thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Sau 11 tháng, FDI đăng kí đạt 28,85 tỷ USD (tăng 14,8%); FDI thực hiện đạt 20,25 tỉ USD (tăng 2,8%). Các địa phương dẫn đầu thu hút FDI (trên 1 tỷ USD) có xu hướng chuyển dịch ra phía Bắc gồm: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Nghệ An, Bắc Ninh.

Về xuất khẩu hàng hóa, PGS Phạm Thế Anh cho rằng, điểm sáng là xuất siêu hàng hóa đạt mức kỉ lục 25,8 tỷ USD sau 11 tháng, xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng trưởng ấn tượng.

Trong khi đó, theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, kinh tế Việt Nam 2023 có nhiều điểm sáng nổi bật. Ngày 1/12, phát biểu tại tại hội thảo “Nền kinh tế Việt Nam năm 2023: Có bao nhiêu điểm sáng?”, ông Lực lưu ý, Việt Nam không thể tránh được những tác động từ tình hình khó khăn của kinh tế thế giới, nhưng những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế thể hiện khá rõ nét. Nền kinh tế có nhiều động lực cho tăng trưởng cả năm 2023 và 2024. Dự báo năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trên 5-5,2%, dù thấp hơn so với chỉ tiêu 6 - 6,5% nhưng vẫn ở mức tăng trưởng gần như cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình dương.

Ông Lực chỉ ra những điểm sáng cụ thể, như xuất khẩu tháng đầu năm giảm tới 26% nhưng đến cuối năm mức giảm chỉ còn dưới 6%. Tương tự, chỉ số sản xuất công nghiệp, thời điểm đầu năm có lúc tăng trưởng âm đến 15% nhưng rồi cũng đã đạt mức tăng trưởng dương 1%.

“Rõ ràng chúng ta đã phục hồi và đang lấy lại đà tăng trưởng tích cực” - ông Lực khẳng định.

Đặc biệt, một điểm sáng quan trọng, theo ông Lực, đó là việc thúc đẩy hoàn thiện thể chế. Nhiều quy định, luật quan trọng, như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng… được sửa đổi, dù không thông qua cùng thời điểm. Bên cạnh đó, toàn bộ các chính sách (bao gồm giãn, hoãn, giảm thuế, phí…) mà Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ cho các thị trường, như thị trường vốn, đất đai, bất động sản, du lịch… có thể nói là chưa từng có.

Còn theo TS Phạm Đỗ Chí - chuyên gia tài chính từng có nhiều năm làm việc tại Quỹ Tiền tệ quốc tế, thì trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn hiện nay, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng đầu năm vẫn đạt hơn 322 tỷ USD (chỉ giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2022) là một trong những điểm sáng quan trọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Cùng với đó, kiều hối chuyển về nước năm 2023 ước đạt 14 tỷ USD và số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam 11 tháng đạt gần 29 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước cũng là những điểm sáng ấn tượng.

“Trong bối cảnh địa chính trị thế giới phức tạp, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài lớn trong lĩnh vực công nghệ. Như Tập đoàn Samsung đầu tư 19 tỷ USD, gồm 6 nhà máy và 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Apple và nhiều nhà sản xuất hàng đầu thế giới khác như Google, Dell, Amazon cũng đang thiết lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Đây sẽ là những cơ sở để Việt Nam phát triển ngành công nghệ bán dẫn trong nước” - ông Chí nói.

Ở khía cạnh khác, PGS Nguyễn Chí Hải - nguyên Trưởng khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM) cho rằng, tăng trưởng của ngành nông nghiệp là rất ấn tượng. Đánh giá cao vai trò của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế, nhất là trong một năm nhiều khó khăn, ông Hải cho rằng việc giữ được tăng trưởng ổn định cho thấy nông nghiệp tiếp tục là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò “bệ đỡ” và là “trụ chính” của nền kinh tế.

Vậy, triển vọng nào trong năm 2024? Theo TS Cấn Văn Lực, năm 2024 kinh tế thế giới có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ, nhưng Việt Nam dự kiến phục hồi ở mức 6 - 6,5%. Như vậy, nền kinh tế có thể nói là đã “vượt bão” thành công.

Một trong lĩnh vực đặc biệt quan trọng của nền kinh tế là bất động sản. Giới chuyên gia cho rằng, năm 2023 là một năm cực kỳ khó khăn đối với DN bất động sản. Tuy nhiên, với việc ngân hàng hạ lãi suất cho vay đồng thời thông thoáng hơn về thủ tục, dòng vốn sẽ chảy mạnh vào bất động sản. Bằng chứng là từ tháng 12/2023, chứng khoán bất động sản có những chỉ số tích cực, đã “thoát đáy”. Dự báo, từ đầu quý II/2024, thị trường bất động sản sẽ có sự chuyển động rõ nét và tới khoảng tháng 6/2024 sẽ có sự vượt lên.

Về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhiều ý kiến cho rằng thời gian qua đã đủ để nhận diện những nút thắt, vì thế, năm 2024 sẽ là năm loại hình nhà ở này phát triển mạnh. Cụ thể là các nút thắt về quỹ đất, lãi suất vốn vay, tỷ lệ lợi nhuận của các DN xây dựng tham gia chương trình 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội... đã được nhận diện và từng bước tháo gỡ, đem tới “sinh khí mới” cho hành động hết sức nhân văn này.

Về xuất khẩu, năm 2024 được cho là các ngành dệt may, da giày, gỗ... sẽ hồi phục khi có nhiều đơn hàng hơn. Đáng chú ý, năm 2024 vẫn được coi là “năm của nông nghiệp” khi ở thời điểm này đã có nhiều thị trường quốc tế đặt hàng. Không chỉ gạo, cà phê mà thủy sản, trái cây xuất khẩu cũng sẽ đem về nhiều “trái ngọt” hơn. Kinh tế khu vực nông thôn sẽ cải thiện rõ rệt trong năm 2024 khi mà giá trị hàng hóa nông sản tăng.

Một vấn đề khác cũng được cho là tích cực trong năm 2024, đó là việc tăng tốc phát triển hệ thống cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là khu vực vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản của cả nước, vì thế khi cao tốc cũng như hệ thống giao thông vùng hình thành sẽ đem tới sức bật rất mạnh mẽ.

Tuy nhiên, cũng rất cần một thái độ thận trọng để lường trước những khó khăn có thể đến trong năm 2024, nhất là kinh tế nước ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Lường trước để sớm có giải pháp, không thụ động mà chủ động “lao vào tâm bão”.

Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 13/12/2023, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam sẽ đạt ở mức 6%. ADB cũng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 là 5,2%. Các chuyên gia của ADB cũng dự báo kinh tế khu vực Đông Nam Á sẽ ở mức 4,8% trong năm 2024 (so với sự báo 4,3% cho năm 2023).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nền kinh tế “vượt bão”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO