Thúc đẩy 3 trụ cột của nền kinh tế

H.Vũ 11/09/2023 08:30

3 động lực tăng trưởng: đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung thúc đẩy tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8. Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu, cần phát triển mạnh thị trường trong nước, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tổ chức nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, từ đó mới kích thích sản xuất.

Ông Nguyễn Trí Hiếu.

Ông Nguyễn Trí Hiếu chỉ rõ: Đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng là 3 “trụ cột” của nền kinh tế. Để mục tiêu tăng trưởng GDP đạt được 6,5% trong năm 2023 thì phải có giải pháp để thúc đẩy 3 “trụ cột” trên.

Đối với giải pháp để thúc đẩy tiêu dùng, ông Hiếu cho rằng có thể nghiên cứu tiếp tục giảm thuế VAT từ 8% xuống mức 5% để kích thích mua sắm, tiêu dùng. Thậm chí có thể giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên vì ngân sách khó khăn, nếu giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến ngân sách, bội chi. Cho nên có thể giảm một số nguồn thuế này và tăng một số nguồn thuế khác để bù trừ lẫn nhau.

Theo ông Hiếu, Việt Nam có 100 triệu dân. Do đó cần chú trọng đến thị trường trong nước. Cần đẩy mạnh chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đẩy mạnh marketing để tăng cường sự hấp dẫn của hàng Việt. Song hành với đó cần tập trung nâng cao chất lượng của hàng Việt. Bởi vừa qua người dân có tâm lý “sính ngoại” cũng là do chất lượng chưa bằng được so với hàng nước ngoài. “Phải tập trung vào cầu nội địa để thay thế cho nguồn cầu từ nước ngoài” - ông Hiếu nói, và chỉ rõ tăng cầu nội địa sẽ kích thích sản xuất, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.

Thúc đẩy tiêu dùng mới kích thích được sản xuất. Ảnh: Quang Vinh.

Về đầu tư công, theo ông Hiếu đây là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Cho đến nay mới giải ngân được hơn 42%. Do đó cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công trong những tháng cuối năm 2023. “Nếu giải ngân được thì sẽ kích thích được sản xuất. Đẩy mạnh quá trình đầu tư công, có nghĩa đẩy mạnh các thành phần của kinh tế được tham dự vào đầu tư công, từ đó thúc đẩy tăng tốc cả nền kinh tế. Giải ngân đầu tư công là cái kích cầu rất mạnh đối với nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào, kể cả Mỹ cũng vậy. Những năm bị ảnh hưởng của Covid-19 là những năm Mỹ đẩy mạnh đầu tư công nhiều nhất để kích cầu” - ông Hiếu phân tích.

Liên quan đến vấn đề xuất khẩu, ông Hiếu cho biết, để tăng xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay là rất khó khăn. Vì thị trường thế giới đang bị suy giảm, đặt biệt tại những nước nhập khẩu hàng của Việt Nam.

Do đó bên cạnh các thị trường lớn như: Mỹ, châu Âu, cần tìm kiếm các thị trường khác. Bởi hiện nhu cầu tại các thị trường lớn đang xuống thấp do chính sách thắt chặt tiền tệ của họ làm giảm tổng cầu, từ đó giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò của các đại sứ quán, các cơ quan tham tán thương mại tại nước ngoài, đẩy mạnh quảng cáo, marketing cho mọi người biết đến, hiểu về hàng Việt Nam. Từ đó hỗ trợ cho quá trình xuất khẩu hàng Việt Nam.

“Hiện xuất khẩu đang gặp khó khăn tại các thị trường lớn. Vì vậy việc mở rộng các thị trường trường mới tại các khu vực: Nam Mỹ, châu Phi sẽ tăng cường cho xuất khẩu. Nhưng điều đầu tiên là cần tìm hiểu nhu cầu của thị trường đó. Ví dụ chúng ta có điều kiện để xuất khẩu thuỷ hải sản. Cho nên cần tăng cường chú trọng tới sản phẩm hải sản chế biến. Người nước ngoài thích sử dụng những sản phẩm đã được qua chế biến chứ không thích “tôm cả vỏ”, “cá cả xương”- ông Hiếu cho biết đồng thời nhấn mạnh, trong xuất khẩu cần chú ý đến các sản phẩm nông nghiệp vì đây là thế mạnh của Việt Nam. Nhất là các thị trường tiềm năng, có sức tiêu thụ mạnh như Mỹ với hơn 300 triệu dân, rất cần chú trọng đến những thị trường này. Đặc biệt các doanh nghiệp cần tham dự nhiều hơn nữa các cuộc triển lãm nông, lâm sản. “Doanh nghiệp phải tìm đến khách hàng, chứ đừng ngồi chờ để khách hàng tìm đến mình”- ông Hiếu nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, là điểm sáng và là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 8 tháng đạt 33,21 tỷ USD, xuất siêu 6,72 tỷ USD. Khu vực công nghiệp tiếp tục đà phục hồi; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 2,9% so với tháng 7 và tăng 2,6% so cùng kỳ (tháng 7 tăng 2,3%), trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 3,5%. Khu vực thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8 tăng 0,9% so tháng 7 và tăng 7,6% so cùng kỳ; tính chung 8 tháng tăng 10%. Khách quốc tế tháng 8 đạt 1,2 triệu lượt, tăng 17,2% so tháng 7 và gấp gần 2,5 lần so cùng kỳ; tính chung 8 tháng đạt 7,8 triệu lượt, gấp 5,4 lần so cùng kỳ. Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đạt gần 297,7 nghìn tỷ đồng, đạt 42,1% kế hoạch, tăng 2,95% về tỷ lệ và tăng 85 nghìn tỷ đồng về số tuyệt đối...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thúc đẩy 3 trụ cột của nền kinh tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO