Nền kinh tế vượt bão: Bài 3 - Nông sản Việt chiếm lĩnh thị trường thế giới

Hải Nhi 28/01/2021 08:00

Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO): Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã biết tận dụng và hoàn toàn có thể chiếm lĩnh, mở rộng xuất khẩu nông - lâm - thủy sản ra thị trường thế giới. Trong khi thế giới bị khủng hoảng, chuỗi cung ứng bị vỡ vụn thì Việt Nam vẫn duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản thiết yếu.

Vải thiều Việt Nam trong siêu thị Nhật Bản.

Kết quả ấn tượng

“Vượt bão” Covid-19, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống và đạt được những thành quả ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt ở lĩnh vực xuất khẩu.

Theo đó, năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019. Tiếp tục duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12 tỷ USD; tôm ước đạt 3,66 tỷ USD; rau quả đạt gần 3,35 tỷ USD; hạt điều đạt 3,24 tỷ USD; gạo đạt 3,07 tỷ USD). Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực xuất khẩu, mặt hàng gạo trở thành điểm sáng khi duy trì được mức tăng trưởng đáng kể về giá trị trong năm 2020, và gạo Việt xuất khẩu được giá nhờ chất lượng gạo được nâng cao.

Cũng trong năm 2020, những tín hiệu mới từ thị trường châu Âu lại chính là điểm nhấn trong xuất khẩu gạo của nước ta kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8. Trong đó, nhiều thị trường có lượng gạo xuất khẩu tăng mạnh như Pháp, Tây Ban Nha. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu vào EU cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I/2021 vẫn tốt khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam. Thị trường gạo châu Á bắt đầu nóng trở lại khi hàng loạt khách hàng có tiềm năng lớn đang ráo riết mua vào, trong đó phải kể đến Trung Quốc, Bangladesh, Philippines…

Cụ thể, Trung Quốc đang tích cực chào mua gạo từ các thị trường cung cấp lớn như Việt Nam, Pakistan, Thái Lan. Ngoài ra, Malaysia và Indonesia cũng đang xúc tiến mua gạo Ấn Độ và các nước xuất khẩu khác như Việt Nam, Thái Lan.

Có thể nói, với những thuận lợi về thị trường, đặc biệt là nhu cầu gạo thế giới tăng cao từ khi Covid-19 bùng phát, gạo Việt đang có cơ hội tô đậm thương hiệu trên bản đồ cung cấp lúa gạo của thế giới. Cơ hội đang rộng mở cho gạo Việt Nam đã thấy rõ, vấn đề còn lại là chúng ta cần khuyến cáo bà con nông dân kiểm soát tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để hạt gạo của Việt Nam tiếp tục thắng lớn.

Chủ động hội nhập

Hiện nông sản Việt đã có mặt tại hơn 160 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, có được chỗ đứng tại một số thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu.., Và năm 2020, với thành quả của xuất khẩu, không thể không nhắc tới lộ trình hội nhập kinh tế toàn cầu có một điểm tích cực là Việt Nam đã rất chủ động.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Các FTA, đặc biệt các FTA thế hệ mới mở ra triển vọng cục diện nhìn chung rất tích cực trong đó có khu vực nông nghiệp. Thị trường được mở rộng, thuế quan được ưu đãi, do đó, ngành nông nghiệp có cơ hội rất tốt trong việc mở rộng thị trường, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, những dòng chảy đầu tư, tiếp thu công nghệ, trao đổi hợp tác, phát triển nguồn nhân lực cũng được nâng lên. Đây là những yếu tố rất tích cực.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý, cái gì cũng có hai mặt. Ở mặt cạnh tranh, phải chấp nhận cuộc chơi rất quyết liệt mà xuất phát điểm chúng ta chưa có nhiều lợi thế. Nếu các hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ, các hàng rào phi thuế quan, hàng rào kỹ thuật lại tăng lên, thậm chí trên thế giới hiện nay có một số khu vực đang tiến tới con đường bảo hộ mậu dịch. Mặt khác, trình độ phát triển logistics, hoàn thiện các mặt quản trị khác của chúng ta cũng chưa được như những nền kinh tế phát triển. Đây là những thách thức rất lớn mà chúng ta phải đối mặt.

Hướng đến hội nhập, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần chăm lo chất lượng sản phẩm. Cụ thể, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đặc sản cần phải chú ý hơn nhiều. Tập trung nỗ lực các nhóm giải pháp để mời gọi được nhiều doanh nghiệp vào và trở thành nòng cốt, hạt nhân trong chuỗi liên kết.

Thành lập nhiều hợp tác xã kiểu mới, cùng với các hộ nông dân để hình thành các chuỗi liên kết. Làm sao để người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp thành trục liên kết nhuần nhuyễn, hoàn thiện trong tất cả các quy mô sản xuất, cấp độ, ngành hàng. Như vậy, mới đạt được mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, hội nhập và chủ động, hiệu quả.

Ở một góc nhìn khác, ông Hoàng Văn Tú - đại diện FAO tại Việt Nam đánh giá: Việc gia nhập, ký kết các hiệp định thương mại tự do đã mang lại rất nhiều cơ hội cho nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cơ hội, thì cũng có những vướng mắc, rào cản về kỹ thuật, môi trường và xã hội. Trong cơ hội bao giờ cũng có những thách thức.

“Để gỡ được những rào cản đó, ngành nông nghiệp Việt Nam cần có các phương tiện, công cụ về tài chính để thúc đẩy đầu tư có trách nhiệm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp. Giải được hai bài toán này, cơ hội mở ra đối với xuất khẩu nông sản sẽ rất đồ sộ” - ông Tú nói.

Năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định tập trung 2 nhóm chương trình lớn. Một là, tiếp tục tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, tập trung, khép kín chuỗi giá trị, trên cơ sở đồng bộ 3 nhóm sản phẩm chủ lực (sản phẩm chủ lực quốc gia, nông sản thế mạnh của các tỉnh và các sản phẩm đặc sản quy mô địa phương). Hai là, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới công tác quản trị trên nền tảng số, hướng đến nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nền kinh tế vượt bão: Bài 3 - Nông sản Việt chiếm lĩnh thị trường thế giới