AI có thể xử lý ảnh rất nhanh và đưa ra nhiều phương án. Có điều khác nhau là trong ý tưởng của con người tạo ra một hiệu quả nghệ thuật theo ý mình mong muốn và trong quá trình mình làm con người có thể thay đổi, còn AI thì chỉ cho phương án lựa chọn. Không khác gì việc lên mạng có rất nhiều nguồn thông tin, đặt ra cho người đọc vấn đề phải chắt lọc nguồn thông tin như thế nào.
PV: Thưa thạc sĩ Đồng Hiếu, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo hiện nay đã có nhiều ảnh hưởng đến ngành nhiếp ảnh. Có những bức ảnh được AI tạo ra rất giống với ảnh do con người chụp, điều đó đã đánh lừa thị giác của nhiều người. Quan điểm của anh như thế nào về vấn đề này?
Thạc sĩ Đồng Hiếu: Nếu chúng ta theo dõi quá trình hình thành nhiếp ảnh theo giai đoạn từ phim nhựa, ảnh film, xử lý hậu kỳ trong buồng tối rồi đến giai đoạn nhiếp ảnh số kế thừa sự phát triển của công nghệ số, xuất hiện Photoshop (giống như hậu kỳ trong buồng tối) thì có thể thấy nhiếp ảnh vẫn luôn tồn tại và không thể thay thế. Về mặt khái niệm thì nhiếp ảnh là việc người nghệ sĩ sẽ chụp, họ có một cách ghi chép đời sống và sao chép mang tính tư liệu thật. Một khoảnh khắc, một thời điểm, một sự việc, một nhân vật cụ thể đều có thật, nhiếp ảnh có nhiệm vụ ghi chép lại những điều đó. AI thì không có khả năng làm được. Trí tuệ nhân tạo khi có cơ sở dữ liệu về mặt hình ảnh lớn, với một số câu lệnh thì nó sẽ tạo ra cho chúng ta hình ảnh trên cơ sở dữ liệu đó. Tức là trong cơ sở dữ liệu có thì AI mới nhào nặn ra được một sản phẩm giống ảnh. Về mặt bản chất tôi thấy nhiều người vẫn đang nhầm lẫn khái niệm giữa chụp ảnh và sản phẩm ảnh tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo.
Công nghệ AI ra đời có mặt tích cực và tiêu cực. Giống như khi Photoshop ra đời với tính năng xử lý hình ảnh quá hoàn hảo thì đặt ra vấn đề cần sử dụng nó như thế nào. Trí tuệ nhân tạo phát triển thì nó có thể hỗ trợ rất nhiều cho con người trong thể loại ảnh thương mại, quảng cáo bằng cách gợi mở, tạo ra nhiều phương án để con người lựa chọn. Với trí tuệ nhân tạo, người nào đưa cho nó câu lệnh tốt, miêu tả cụ thể thì ảnh tạo ra sẽ càng chi tiết.
Với tôi trí tuệ nhân tạo không phải nhiếp ảnh mà chỉ đi bên cạnh nhiếp ảnh giống như công cụ. Máy ảnh kỹ thuật số khi ra đời, rất nhiều người cực đoan không dùng máy số chỉ chụp film. Nhưng vấn đề ở đây dần dần chúng ta vẫn sử dụng máy ảnh kỹ thuật số, mạng xã hội, Photoshop một cách chừng mực để giữ được hiện thực của bức ảnh, vẫn khách quan, chân thực, không giả tạo. Chúng ta chỉ nên dùng trí tuệ nhân tạo ở mức độ tham khảo thì nó không thể thay thế được con người.
Nhiều nhiếp ảnh gia nói rằng trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi nhiếp ảnh nhưng tôi lại không cho là vậy. Vì trong một số thể loại ảnh nhất định những ảnh báo chí, tư liệu, những ảnh lấy tiêu chí cốt lõi là tôn trọng sự thật thì nó không bao giờ chấp nhận sản phẩm của AI. Thậm chí nếu cố tình sử dụng còn có thể vi phạm đạo đức, luật pháp. Trong các thể loại ảnh cần ứng dụng AI ở một chừng mực nào đó, chứ không thể can thiệp vào sự thật.
Trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo ảnh hưởng đến những người làm nghề nhiếp ảnh, vậy việc đào tạo nhiếp ảnh trong nhà trường cần có những thay đổi và định hướng như thế nào?
- Trong đào tạo, bất cứ một công nghệ gì mới cũng đều phải cập nhật. Nhưng vấn đề ở đây là cần phải định hướng sử dụng như thế nào, đó là điều quan trọng. Trong lĩnh vực ảnh quảng cáo, ý tưởng thì người ta hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ AI để làm sự gợi ý. Tuy nhiên cần nhìn nhận sáng tạo là thể hiện cái nhìn, cá tính cá nhân của mỗi người, thông qua đó diễn tả thông điệp. Nhưng AI nó thực hiện bằng thuật toán của lập trình viên, cho ra một kết quả. Đó không phải là sáng tạo cá nhân, không là duy nhất.
Chúng ta có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giới hạn của nó. AI có thể xử lý ảnh rất nhanh và đưa ra nhiều phương án. Có điều khác nhau là trong ý tưởng của con người tạo ra một hiệu quả nghệ thuật theo ý mình mong muốn và trong quá trình mình làm con người có thể thay đổi, còn AI thì chỉ cho phương án lựa chọn. Không khác gì việc lên mạng có rất nhiều nguồn thông tin, đặt ra cho người đọc vấn đề phải chắt lọc nguồn thông tin như thế nào.
Việc đào tạo nhiếp ảnh trong nhà trường vẫn đang xây dựng nền tảng nhiếp ảnh cốt lõi kể cả khi xuất hiện một công nghệ mới, một phương tiện mới thì sinh viên vẫn có thể sử dụng đúng hướng nhất. Ví dụ cái đẹp, thẩm mỹ rõ ràng không nằm trong AI, mà nằm trong cá thể xác định. Nên chúng ta không lăn tăn, ngại ngần việc bị thay thế. Tôi cho rằng AI chỉ là một phương tiện mà bất cứ một giai đoạn nào, nhất là hiện nay khi trí tuệ nhân tạo phát triển thì mìnhòa nhập để sử dụng nó hữu ích hơn.