Văn hóa

Nét mới của sân khấu học đường

Minh Quân 25/07/2024 06:38

Các dự án, vở diễn của học sinh, sinh viên thời gian qua là tín hiệu tích cực của sân khấu học đường. Không chỉ có sự tham gia của những người trẻ, sân khấu học đường còn đang nhận được sự đồng hành của nhiều nghệ sĩ...

anhbaitren(2).jpg
Cảnh trong vở “Lời bà kể”. Ảnh: BTC.

Sân khấu hóa tác phẩm văn học

Mới đây, các học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam biểu diễn vở nhạc kịch “Mưa bóng mây” đưa khán giả đến thế giới có sự kết hợp giữa văn hóa dân gian và hiện đại của Nhật Bản. Đây cũng là dự án nhạc kịch thường niên của Thôn Nghệ thuật Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam để tạo ra những sân khấu nghệ thuật hàng năm. Trải qua 9 năm tổ chức, dự án đã nhận được sự ủng hộ của 1.000 khán giả mỗi năm.

Với hơn 100 học sinh cấp 3 có chung niềm đam mê nghệ thuật trên địa bàn thành phố Hà Nội, dự án không chỉ là nhiệt huyết tuổi trẻ dưới ánh đèn sân khấu, mà còn là món ăn tinh thần không thể bỏ lỡ mỗi mùa hè dành cho những người yêu nghệ thuật.

Trước đó, các học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng đã cho ra mắt vở nhạc kịch với những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống. Đặc biệt, vở nhạc kịch được trình diễn trong 2 giờ đồng hồ, sử dụng hoàn toàn ngôn ngữ tiếng Anh do chính bạn học sinh khối Anh 2 đảm nhiệm, từ khâu lên ý tưởng kịch bản đến đạo cụ và diễn xuất.

Thông qua vở nhạc kịch, các em học sinh đã truyền những thông điệp về sự cân bằng trong cuộc sống, biết phát triển ưu điểm và cải thiện nhược điểm của mình, dám nghĩ, dám làm và dám đối mặt với quá khứ để vượt qua chúng.

Tương tự, 24 học sinh khối 10 Trường Phổ thông Liên cấp Olympia (Hà Nội) đã có 7 tháng cùng nhau đọc, tìm hiểu tác phẩm, lên kịch bản, tập luyện, tự tin đứng trên sân khấu trình diễn vở kịch “Những người khốn khổ” của Victor Hugo để lấy điểm cuối kỳ. Đây không phải lần đầu học sinh tham gia dự án để lấy điểm kiểm tra bởi cách thức này đã được nhà trường áp dụng từ nhiều năm nay.

Có thể nói, câu chuyện học sinh làm sân khấu không chỉ dừng lại ở mức độ phong trào mà đang dần trở nên chuyên nghiệp, được đầu tư bài bản. Ở đó, các em học sinh giống như những diễn viên chuyên nghiệp, mang đến cho khán giả những trải nghiệm mới từ biểu cảm, ngôn ngữ âm nhạc với công nghệ trình chiếu ánh sáng... Tất cả đã tạo nên một sân khấu chỉn chu, bắt mắt, đọng lại nhiều dư âm trong lòng khán giả.

Từng thành công với nhiều dự án sân khấu học đường, người sáng lập và điều hành trung tâm Hanoi Arts for Youth Hoàng Hường chia sẻ, các chương trình do chúng tôi thực hiện, tiêu chí đầu tiên để tuyển chọn diễn viên chính là đam mê, yêu thích nghệ thuật. Bởi điều chúng tôi muốn là cùng các em khai phá những điều ẩn chứa bên trong mình, thông qua không khí của âm nhạc. Dự án là nhạc kịch nhưng không phải kịch là chính, mà đó là một dự án học tập, tiếp cận nghệ thuật.

Tiếp sức cho sân khấu học đường

Không chỉ có sự tham gia của những người trẻ, sân khấu học đường còn đang nhận được sự đồng hành của các nghệ sĩ. Nằm trong đề án “Sân khấu học đường”, thời gian qua, Nhà hát Kịch Hà Nội cũng đã tổ chức chuỗi chương trình nghệ thuật phục vụ đối tượng khán giả là các học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Có thể kể đến như chùm kịch “Lời bà kể” sử dụng 2 bài học trong chương trình môn tiếng Việt tiểu học là “Mồ Côi xử kiện” và “Cây nêu ngày Tết”. Qua vở diễn gửi đến các em thông điệp ca ngợi sự thông minh, tài trí của Mồ Côi và tục lệ trồng cây nêu ngày Tết của người Việt (dành cho cấp tiểu học). Vở “Kiều” chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của thi hào Nguyễn Du kể câu chuyện về cuộc đời truân chuyên của một thiếu nữ tài sắc như Kiều (cho học sinh cấp THCS và THPT)...

Theo NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, khi xây dựng Đề án, các nghệ sỹ Nhà hát Kịch Hà Nội khao khát và trăn trở làm thế nào để các tác phẩm văn học từ cấp tiểu học, THCS, THPT trong sách giáo khoa cùng các sự kiện lịch sử được hình tượng hóa và đưa lên sân khấu một cách sống động, chân thực nhất. Thành phố Hà Nội có gần 2.000 trường phổ thông với khoảng 2 triệu học sinh. Các em cũng chính là chủ nhân của thành phố trong tương lai và là lực lượng khán giả tiềm năng của sân khấu kịch Hà Nội.

Cũng theo Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, tùy theo từng lứa tuổi, Nhà hát Kịch sẽ xây dựng chương trình sân khấu phù hợp, không đặt nặng tính hàn lâm mà chú trọng đẩy mạnh giao lưu để học sinh, sinh viên tiếp cận, được trực tiếp trải nghiệm, thực hành, giao lưu cùng diễn giả, nghệ sĩ...

“Phát triển Đề án sân khấu học đường với chất lượng tốt sẽ mang lại giá trị nhân văn, xây dựng thế hệ học sinh yêu sân khấu, yêu nghệ thuật, yêu cuộc sống và trân trọng hơn giá trị của cuộc sống. Đề án cũng giúp phát huy ý nghĩa thiết thực trong sự nghiệp giáo dục và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc” - NSND Trung Hiếu nhấn mạnh.

NSND Trịnh Thúy Mùi - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, với cách làm mới trong đề án tiếp cận khán giả trẻ, các chương trình “Sân khấu học đường” cần được đầu tư, chăm chút đúng với tiêu chí của từng vùng miền; đồng thời các đơn vị nghệ thuật sẽ dàn dựng tác phẩm đúng chuẩn dành cho khán giả trẻ. Hướng đi này sẽ giúp nghệ thuật sân khấu tăng cường phát triển nguồn lực khán giả trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nét mới của sân khấu học đường