Văn hóa

Sân khấu kịch nói “chạy trốn” những vấn đề nóng bỏng?

Minh Quân 28/06/2024 08:05

Sau 14 ngày diễn ra đầy cảm xúc, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 vừa chính thức khép lại. Rất nhiều vấn đề sau đó đã được đưa ra “mổ xẻ”. Không chỉ câu chuyện kịch bản, vấn đề đạo diễn cũng đang trong tình trạng báo động...

anhbaitren(1).jpg
Vở “Vòng tròn bội bạc” (Nhà hát Kịch Hà Nội) giành Huy chương Vàng Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2024. Ảnh: NHCC.

Ước gì có thể trao huy chương cho khán giả

Diễn ra từ ngày 11-26/6 tại TP Thái Nguyên, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 quy tụ gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên của 19 đơn vị nghệ thuật Kịch nói chuyên nghiệp trong và ngoài công lập. Với 23 vở diễn, Liên hoan thực sự đã trở thành ngày hội của những người yêu kịch nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, sân khấu kịch nói đang có nhiều thay đổi, đã có nhiều nét mới về nội dung và hình thức. Đề tài được phản ánh phong phú. Đặc biệt, với nhiều mảng đề tài, từ lịch sử đến hiện đại, từ thời chiến đến thời bình, từ nông thôn đến thành thị đã được các đơn vị nghệ thuật thể hiện làm sáng rõ về chủ đề tư tưởng, hấp dẫn về hình thức, có tính thời sự cao, hữu ích cho xã hội. Các nghệ sĩ, diễn viên thỏa sức sáng tạo, mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, truyền đi những thông điệp đậm tính nhân văn.

Còn Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật, NSND Trần Ngọc Giàu nhìn nhận, thành công lớn nhất của Liên hoan chính là khán giả. “Không còn chỗ” được nhà hát viết thông báo đưa ra ở trước mỗi xuất diễn là một thành công lớn của Liên hoan. Thương lắm khán giả xem kịch qua màn hình trước rạp. Chính những tràng pháo tay, sự hưởng ứng của khán giả đã giúp cho chúng tôi nhận xét, đánh giá chuyên môn chính xác hơn.

NSND Trần Ngọc Giàu cũng nhìn nhận, một trong những điểm nhấn của Liên hoan chính là góp mặt của các gương mặt nghệ sĩ lớn tuổi, được nghỉ ngơi nhưng vẫn đắm đuối với nghề diễn. Họ đã góp tiền, góp sức xây dựng vở diễn một cách nghiêm túc, chỉn chu, chuyên nghiệp đem đến Liên hoan sân khấu những tấm gương nghề cho các diễn viên trẻ.

Đạo diễn, NSND Trần Lực - Giám đốc Sân khấu LucTeam chia sẻ: Nghệ sĩ chúng tôi coi Liên hoan là cuộc thi quốc gia lớn nhất của sân khấu kịch nói. Giải thưởng này cũng giống như Bông sen Vàng của Liên hoan phim Việt Nam. Chúng tôi đã có sự sàng lọc kỹ để mang tới Liên hoan những vở kịch xuất sắc nhất, và điều quan trọng là vở diễn phải có những sáng tạo mang tính học thuật.

Trong khi đó, Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội, đại tá, NSƯT Lê Thị Mai Phương bày tỏ, nghệ sĩ quân đội rất mong chờ được tham gia Liên hoan lần này. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của Nhà hát, vì vậy, 2 tác phẩm tham dự Liên hoan đều được sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao. Đó là vở “Vầng trăng trinh liệt” (tác giả Hà Đình Cẩn; đạo diễn, NSND Lê Hùng) kể về sự hy sinh anh dũng của các cô gái Ngã ba Đồng Lộc và “Lời nói dối cuối cùng” (cố tác giả Lưu Quang Vũ; đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng). Theo NSƯT Mai Phương, về mảng đề tài chiến tranh cách mạng thì Nhà hát Kịch nói Quân đội đã quá quen thuộc với khán giả, nhưng lần này các nghệ sĩ cũng đầy háo hức khi được trải nghiệm dựng và diễn một vở đề tài dân gian.

Còn đó những ưu tư

Tuy nhiên, bên cạnh thành công mà Liên hoan mang lại vẫn còn đó những băn khoăn cho sân khấu kịch nói. Với 23 vở diễn được dàn dựng từ 22 kịch bản của 16 tác giả hầu hết đều đã viết khá lâu, không có kịch bản xuất xứ trại sáng tác. Đặc biệt, kịch bản của tác giả trẻ rất hiếm.

NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng, điều đó phần nào cho thấy sân khấu đang “chạy trốn” khỏi hiện thực đời sống, những vấn đề nóng bỏng của xã hội. Thực trạng này phải chăng do đội ngũ sáng tác thiếu hụt, đội ngũ sáng tạo né tránh những vấn đề đương đại… Sân khấu đang mất dần chức năng phản ánh hiện thực và dự báo.

Không chỉ câu chuyện kịch bản, vấn đề đạo diễn của sân khấu kịch cũng đang trong tình trạng báo động. NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, với quy mô một Liên hoan toàn quốc nhưng chỉ có 2 đạo diễn ở tuổi 30, phần còn lại đều đã đứng tuổi. Ở một số vở không có hình thức mới cho nội dung cũ. Với vở diễn dân gian, lịch sử các đạo diễn đã thiếu tính phát hiện. “Về hình thức sân khấu, rất dễ tìm thấy những xử lý mang tính hình thức không tương xứng với nội dung” - NSND Trần Ngọc Giàu nói.

Trước đánh giá của chính những người trong cuộc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đề nghị, trong thời gian tới các cơ quan, đơn vị chức năng phụ trách các đơn vị nghệ thuật, các nhà hát có nghệ sĩ, diễn viên cần tiếp tục quan tâm, đầu tư kỹ lưỡng về con người, cơ sở vật chất cho các phần thi. Đặc biệt, các đơn vị cần có chính sách đãi ngộ đặc thù thu hút, bồi dưỡng, đào tạo các lớp nghệ sĩ, diễn viên trẻ, tài năng làm lực lượng kế cận cho mai sau. Đối với các vở diễn, cần phải dàn dựng công phu, có kịch bản hay, có cốt truyện, có điểm nhấn thu hút… để phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả.

“Một trong những điểm nhấn của Liên hoan chính là sự góp mặt của các gương mặt nghệ sĩ lớn tuổi, được nghỉ ngơi nhưng vẫn đắm đuối với nghề diễn. Họ đã góp tiền, góp sức xây dựng vở diễn một cách nghiêm túc, chỉn chu, chuyên nghiệp, đem đến Liên hoan sân khấu những tấm gương nghề cho các diễn viên trẻ” - NSND Trần Ngọc Giàu cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sân khấu kịch nói “chạy trốn” những vấn đề nóng bỏng?