Tinh hoa Việt

Nét mới nào cho những ‘vườn trong phố’

DƯƠNG XUÂN 20/03/2024 05:56

Những vùng xanh là các công viên, khuôn viên, vùng cây cối… phải được gìn giữ, chăm nom, tái tạo và sáng tạo, làm nền thiên nhiên và văn hóa bền vững cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của con người. Thậm chí là phần chính trong đời sống, mức sống, ý nghĩa sống, cần được chăm chút, như những phần nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí khác.

tinh.jpg
Vườn hoa Vạn Xuân (tên gọi cũ là vườn hoa Hàng Đậu) sau khi tiến hành cải tạo vấp phải ý kiến trái chiều của dư luận. Ảnh: Lê Khánh.

Đi qua vườn hoa Hàng Đậu (quận Ba Đình, Hà Nội), tôi thất vọng về những “ụ bê tông” bao kín lấy khuôn viên, thay cho lớp rào cũ vừa thấp vừa thanh đã ở đó suốt nhiều năm. Lớp rào ngày trước xen những bụi cây thấp ấy, mà như ta có thể bước qua được, tạo một cảm giác không khoảng cách giữa khu nội vườn hoa với hè và đường phố, làm nên tính kết nối của “đảo cây” với “dòng sông phố” xe cộ quay trong xung quanh.

Vậy mà, không ngờ, bây giờ lại nặng nề những khối góc cạnh đồ sộ, thô cứng và một cảm giác ngăn cách, khô khan. Sau khi dư luận lên tiếng về việc cải tạo vườn hoa Hàng Đậu, những đơn vị có trách nhiệm đã lắng nghe, sửa chữa, tuy vậy cảm giác khô cứng vẫn còn hiện hữu…

Chúng ta hăm hở phát triển đô thị, đắp bồi đời sống cư dân sao cho vươn đến văn minh, giữ bền văn hóa, tỏa lan các giá trị thanh nhã, lịch thiệp, hướng tới đô thị xanh, và đề ra rất nhiều công việc cho sự chỉnh trang, chăm chút. Nhưng lại không ít hành động không đúng lắm, có khi đi ngược lại mục tiêu đẹp đó. Câu chuyện làm cho xanh hơn, tươi thắm hơn, đẹp đẽ và gần gũi, gắn bó hơn giữa các khuôn viên tự nhiên với cư dân đô thị là cả một vấn đề khoa học, nghệ thuật, sinh thái… mà tham góp, chung tay vào đó phải có trí tuệ, cảm hứng, có sáng tạo của các chuyên gia về cây xanh, kiến trúc, các nhà nghệ sĩ về tạo hình, cả các nhà am hiểu về văn hóa, lịch sử đô thị, vùng đất.

Có như vậy thì việc tạo ra và chăm nuôi những “tài sản xanh” là của chung cộng đồng, vì sức khỏe, vì tâm hồn con người đó mới mong đạt đến những giá trị của văn hóa, văn minh, tươi tốt, phát triển. Rất lạ khi có những khuôn viên, công viên cỏ cây đã rất tươi tốt, xen giữa những khu đất hoa lá mọc lên khỏe mạnh là những lối đi trải nhựa hoặc bê tông vừa phải, chắc chắn để người ta đi dạo, đi bộ, chạy tập thể dục không bị lấm bùn đất, thì liền đấy lại là những bồn nước, hồ nước nhỏ tù đọng.

Rồi thì chình ình ra bên những lối đi là chuỗi thùng rác hoen rỉ, ướt nhèm nước mưa và lá rụng, trông thật nhếch nhác. Xuống công viên đằng sau nghĩa trang Mai Dịch thuộc quận Cầu Giấy (Hà Nội), sẽ gặp ngay một ví dụ “tiêu biểu” cho trường hợp này. Đây cũng là một công viên mở từ những năm hoàn thành xây dựng, nhưng theo thời gian, những gì lôi thôi, bề bộn ở trong lại như một sự “khép” với những ai yêu mến thiên nhiên, muốn tìm không gian trong lành, thanh sạch giữa bốn bề đường sá ồn ã, bụi bặm.

Tạo ra không gian xanh tốt là điều hay, nhân văn, nhưng phải chăm giữ bền bỉ nữa thì công năng, tác dụng của những “khu vườn trong phố” ấy mới thực sự được phát huy. Chưa nói đến chuyện còn phải biết sáng tạo cho các không gian xanh để đạt đến những giá trị về hình thức, thẩm mĩ, chứ cũng không nên dừng lại ở màu xanh và sự sạch sẽ, ngăn nắp, dù như thế đã là tốt lắm rồi!

Dạo qua nhiều công viên giữa các địa phương, địa bàn, cũng thật lấy làm hơi tiếc về sự giống nhau có phần đơn điệu trong việc bố trí, tổ chức hệ thống cây cối, bãi cỏ, lối đi, ghế nghỉ chân…

Còn quá hiếm những công viên có trưng bày tác phẩm điêu khắc như vườn Bách Thảo (quận Ba Đình), thậm chí số ít ỏi các tác phẩm ở đây đã đến độ xuống cấp tệ hại. Cũng hầu như không thấy mấy những công viên có hình khối lớn tạo nét biểu tượng như ở công viên Hòa Bình (quận Bắc Từ Liêm), đã qua nhiều năm, và cũng còn ít công viên có dựng tượng đài danh nhân, nhân vật lịch sử, biểu tượng vùng đất.

Phải chăng là rất khó khăn với các quận, huyện, thị xã trong việc tổ chức nghiên cứu, phác thảo, xây dựng những hình ảnh, biểu tượng, thực hiện việc tạo hình cho các công viên, không gian xanh trên địa bàn; cũng như thúc đẩy sự phối hợp giữa công viên với hệ thống tác phẩm điêu khắc, với các vườn sinh vật cảnh, với các triển lãm, cuộc trưng bày tác phẩm nhiếp ảnh ngoài trời, với các hoạt động, sự kiện lấy không gian xanh làm nơi tổ chức… Có thật nhiều cách để làm mới, làm khác, làm sống động, giá trị hơn các không gian xanh đó. Và chính những khuôn viên, những mặt nước, những vùng xanh, chuỗi xanh tuyệt vời đó là những gợi ý thú vị. Nhưng dường như chúng ta lại đang bỏ qua, bỏ quên.

Tốc độ phát triển đô thị chóng mặt với mật độ xây dựng dày đặc các tòa cao ốc, các khu biệt thự, hệ thống đường mới, đường nội khu với phần lớn diện tích bê tông hóa, “nhựa hóa” càng khiến cho không gian xanh, các khuôn viên, công viên trở nên lọt thỏm, nhỏ bé trong sự o ép, bao bọc của nhà cửa, cầu đường. Việc tái tạo, phát triển mới hệ thống xanh này càng thêm cần thiết, cấp thiết. Nhưng dọc theo những đường cao tốc như đại lộ Thăng Long dẫn về phía Hòa Lạc (huyện Thạch Thất), đường lên sân bay Nội Bài, gồm cả tuyến đường mới, đẹp từ cầu Nhật Tân lên…, những không gian xanh, khuôn viên, công viên quy mô, “xứng tầm” với các con đường lớn, có thể mang những dáng nét, dấu ấn đặc trưng của miền đất sở tại, phải chăng vẫn là những câu hỏi lớn? Không nên đồng nhất những cánh đồng lâu đời, những khu vườn tược sẵn có của người dân các làng xã là các không gian xanh này.

Sự phát triển đô thị Hà Nội với hệ thống các khu đô thị, các tuyến đường mới đòi hỏi sự tạo dựng mới của những công viên, khuôn viên xen kẽ, tiếp nối, bao phủ với các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, các làng mạc… nhằm góp phần tạo nên sự hài hòa, cân đối giữa đời sống vật chất và đời sống tự nhiên, giữa nơi ở, làm việc với nơi thư giãn, tái tạo sức lao động của người dân, và đắp bồi cho người ta đời sống tinh thần lành mạnh.

Cũng như với hệ thống những cánh đồng lúa, đồng màu, các vườn cây ăn quả, những vườn tược trồng hoa đã trở nên nổi tiếng, gắn với các làng nghề trồng hoa, cây ăn quả truyền thống như vùng bưởi Diễn, cam Canh, vùng hoa Tây Tựu, Liên Mạc… thì lại rất cần biết giữ gìn. Từ đó có sự nghiên cứu, sáng tạo để những diện tích đó trở nên các “công viên - trang trại đặc biệt”, tiếp tục là nơi canh tác nhưng cũng là địa chỉ xanh, địa chỉ màu được người dân, du khách, giới trẻ tìm đến để tận hưởng, trải nghiệm. Nếu biết giữ gìn và sáng tạo thì đây chính là chìa khóa tháo gỡ cho nguy cơ nhãn tiền là tình trạng đô thị hóa tràn lan, cao ốc mọc lên thiếu kiểm soát, phá vỡ quy hoạch Thủ đô, làm mất đi những vùng xanh truyền thống mang bản sắc văn hóa của những vùng đất danh tiếng.

Nhìn ngược lại những ước mơ đẹp cho các địa bàn như vậy, thì tồn tại trước mắt chúng ta là không ít những khung cảnh ô nhiễm, xiêu vẹo, bị xâm lấn của các công viên, khuôn viên; tương lai thu hẹp, biến mất của những vùng đất canh tác nổi tiếng; những hoạt động cải tạo, chỉnh trang nhưng lại gây cho không gian xanh sự suy giảm, biến dạng. Giữ lấy những vùng xanh đã có và giành mặt đất cho những không gian xanh mới.

Tất cả đều vì môi trường, vì văn hóa, những giá trị nhân văn hướng về con người sống ở trong, sống liền kề, sống gần những màu xanh đó. Hãy biết nhân lên “phép màu” của những vùng xanh trong việc góp sự trong lành vào chất lượng sống, làm sâu sắc thêm thẩm mĩ cộng đồng, làm đẹp tâm hồn, nuôi dưỡng nhân cách con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nét mới nào cho những ‘vườn trong phố’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO