Cái tốt lan truyền rất nhanh, các biện pháp phòng tránh dịch được lan truyền, rồi đấu tranh với người tích trữ hàng hóa, facebook góp công lớn. Nhưng con người vẫn vậy, tin tức xấu sẽ lan nhanh hơn.
Nhà báo Đinh Đức Hoàng.
PV: Là một KOL của mạng xã hội, lý do gì khiến lâu nay không thấy anh xuất hiện?
Nhà báo Đinh Đức Hoàng: Ở đây cần giải thích kỹ lại khái niệm “mạng xã hội” một chút. Thực chất, “mạng xã hội” (social network) là một khái niệm xã hội học đã được đề xuất hàng trăm năm, và nó mang nghĩa rất chung. “Mạng xã hội” của một con người là tất cả các kết nối xã hội của anh ta. Chúng ta thường quen gọi vắn tắt facebook là mạng xã hội, nhưng thực chất nó chỉ là một “nền tảng mạng xã hội” (social network platform). Có nhiều thứ có thể làm nền tảng cho mạng xã hội của một người lắm: gia đình, cơ quan, quán cà phê, hay facebook. Chị nghĩ mà xem, các đặc tính tăng cường kết nối, rồi đưa chuyện, kiếm danh, tỏ ra thạo tin hay là fake news đều có thể xuất hiện ở một quán nước đầu đình thế kỷ 17, bởi vì quán nước ấy cũng là một nền tảng mạng xã hội.
Tôi rời khỏi nền tảng facebook để tập trung hơn cho những nền tảng mạng xã hội ưa thích và phù hợp với mình hơn: cơ quan, bạn bè ngoài đời, hay là các khóa giảng dạy.
Mặc dù vậy thì tôi vẫn muốn hỏi anh xem trong những tình huống đặc biệt của thế giới như khi gặp một thảm họa, thì đại dịch cỡ Covid-19 so với thời của “Tình yêu thời thổ tả” đã khác nhau như thế nào (ở đây chúng ta không nói về sự tiến bộ của y học hay khoa học mà nói về tâm thế con người trước đại dịch)? Mạng xã hội đã đóng vai trò như thế nào trong sự khác biệt ấy?
- Tôi nghĩ là nói chung thì nhân loại vẫn vậy. Trên thế giới bây giờ đang có 2 đại dịch được WHO công nhận, có thể hầu hết mọi người đều không để ý. Một cái là Covid-19, cái kia là HIV/AIDS, đã được tuyên bố là đại dịch toàn cầu từ ba thập kỷ và đến giờ vẫn giữ nguyên trạng thái. Chị cứ nhớ lại chúng ta đã chung sống với HIV thuở ban đầu thế nào: đầy rẫy hoang mang, tin đồn, tin giả (fake news), đầy rẫy sự thiếu hiểu biết và sự kỳ thị, mà tôi vẫn nhớ là nỗ lực tuyên truyền chống lại chúng kéo dài nhiều năm, ngay tại Việt Nam này. Nói chung con người vẫn sẽ ứng xử như vậy trước những sự sợ hãi. Và rồi chính xã hội chúng ta, ngoài chi phí dập dịch, sẽ lại tốn chi phí đi giải quyết những dạng tâm lý như vậy. Ngày xưa hình như còn có cả phim truyền hình dài tập nhằm chống phân biệt đối xử với người nhiễm H đúng không?
Nhưng cũng so với HIV, thì chúng ta nhận ra rằng các nền tảng mạng xã hội trên Internet góp vào hiệu ứng gì. Cái tốt lan truyền rất nhanh, các biện pháp phòng tránh dịch được lan truyền, rồi đấu tranh với người tích trữ hàng hóa, facebook góp công lớn. Nhưng con người vẫn vậy, tin tức xấu sẽ lan nhanh hơn. Lần này, nhờ facebook, không phải kiểu truyền tai nhau trong xóm là “Hình như đứa kia bị si-đa nữa”, mà lan theo cấp số mũ. Sự hoảng loạn dễ đến hơn, sự kỳ thị nặng nề hơn. Và lần này, chi phí xã hội phải trả để chiến đấu chống lại các tâm lý phụ kiểu này, cũng sẽ tăng lên bội phần.
Theo anh vì sao nhiều người, trong đó có cả những người rất nổi tiếng lại cả tin ở trên mạng? Họ có sẵn tâm lý bi quan về xã hội? họ mang tâm trạng tiểu nông thích tin rỉ tai, tin đồn thổi? Hay một lý do nào khác?
- Tâm lý bi quan về xã hội thì không hẳn, hầu hết “người nổi tiếng” mà chị nói tận dụng tốt các cơ hội tăng trưởng của đất nước. Chị mà nhìn vào danh mục đầu tư của nhiều người, sẽ phát hiện ra họ còn lạc quan hơn tầng lớp lao động khối lần, khi bàn về vấn đề kinh tế. Nhưng khi bàn về vấn đề thông tin, thì có một điều cần xét đến.
Đó là hệ thống truyền thông của nhà nước đã cũ kỹ và rất nhiều phần không phù hợp với thời đại. Tôi giở gương người tốt việc tốt trên nhiều trang tin của địa phương ra, và tôi nghĩ, ông Tố Hữu, ông Chế Lan Viên mà đọc mấy cái này chắc buồn phát khóc.
Sự lạc hậu này là không thể chối bỏ. Nó tạo ra một khoảng trống, và truyền thông xã hội lấp rất nhanh vào khoảng này. Tôi thú thực, bây giờ nếu có đọc facebook thì bởi vì không biết đọc cái gì. Đọc nhiều khéo lại khóc thay ông Chế Lan Viên.
Cho nên hầu hết mọi người yêu facebook một cách sâu sắc, yêu mạng xã hội nói chung, họ yêu từ những giá trị giải trí cho đến giá trị tin tức nó mang lại. Chắc nước ta là nước duy nhất dùng từ “chơi”để nói về facebook. Nó là một phần của cuộc đời người ta rồi. Và đã yêu thích, thì ngày thường tôi chia sẻ tin giải trí, chia sẻ clip hài; đến lúc có biến cố tôi chia sẻ tin tức bạn bè tôi cung cấp. Nói ra thì dài, nhưng cuộc chơi nó như thế.
Lý giải một cách thông thường rất dễ, nhưng ở góc nhìn khá đặc biệt của anh (ý tôi là anh vẫn kiến giải nhiều vấn đề đặc biệt hơn người khác) thì vì sao tin giả lại dễ dàng có đất sống ở trên mạng xã hội? Ý kiến của anh thế nào về việc một trong những lý do khiến tin giả dễ xuất hiện và dễ lan truyền là bởi có tình trạng ở trên mạng xã hội người ta rất thích mình trở thành “giới thạo tin”?
- Chúng ta phải quay lại một thực tế phũ phàng: cái mạng xã hội mà chị đang mô tả như là một khách thể, thực ra là chủ thể. Trong nắng đẹp San Francisco, nó được thiết kế bởi những kỹ sư công nghệ, khoa học gia hàng đầu thế giới, nhận lương cả triệu USD một năm với mục tiêu cụ thể và duy nhất: gây nghiện. Như tôi đã nói ở trên, con người thích tỏ ra thạo tin từ thời họ ngồi quán nước đầu đình cơ. Nhưng tập đoàn Facebook tạo ra những thuật toán nâng tầm cái tâm lý ấy lên: cơ chế tính điểm (likes); cơ chế tương tác (shares); các công cụ để ngay cả việc anh chị đơm đặt nó cũng có tính thẩm mỹ cao,… nhiều lắm, tôi không đủ khả năng kể hết, vì có những thuật toán mà người ngoài không thể nào biết được, toàn các bộ não hàng đầu Thung lũng Sillicon họ nghĩ.
Chơi facebook bây giờ là vui chơi có thưởng. Một số người được thưởng cả tiền, nếu họ dùng được danh tiếng ra làm quảng cáo, bán hàng. Phần lớn khác thì sẽ được hưởng hormone gây hưng phấn. Nó được thiết kế như thế. Tôi nghỉ facebook một phần cũng vì tôi thấy mình ngồi đếm likes khiếp quá, cứ viết xong dòng trạng thái là ngồi nhìn từng cái likes nhích lên, như nghiện. Não nó tiết hormone gây hưng phấn thật.
Tôi thấy nhiều người đã bày tỏ dấu hiệu mệt mỏi khi tiếp nhận nhiều tin giả, tin sai. Trong những đêm mạng xã hội sục sôi lan truyền một thông tin nào đó giữa những ngày đại dịch vừa qua, chúng ta cũng đã thấy nhiều người nỗ lực bác bỏ tin đồn. Có lẽ cũng như ở cuộc đời thực, mong muốn được sống trong một môi trường lành mạnh là một nhu cầu chính đáng. Nhưng làm thế nào để “không cho tin giả đất sống” tôi nghĩ là không đơn giản chút nào. Những biện pháp xử lý của các cơ quan chức năng như vừa qua liệu đã đủ chưa?
- Cơ quan chức năng có thể làm tốt hơn. Việc xây dựng khung pháp lý, và cả thực thi nó trên môi trường mạng ở Việt Nam vẫn rất sơ khai. Người ta vẫn thóa mạ, hạ nhục và đơm đặt đủ điều, kể cả các chính khách của đất nước, mà vẫn không sao. Nhưng ngay cả hành pháp cũng chỉ là một trong số các giải pháp. Các cơ quan chức năng không thể cả ngày đi ngồi rình tin giả, trong mấy tỷ dòng tương tác trên facebook tiếng Việt được. Cơ bản là chị không thể đặt mục tiêu diệt trừ tuyệt đối bất kỳ một hiện tượng xã hội nào, cho dù nó có là ma túy, ăn cắp vặt, xả rác bữa bãi hay là tin giả.
Nếu coi tin giả là virus thì cách tốt nhất là tăng sức đề kháng của cộng đồng. Cơ thể của chúng ta thiếu dinh dưỡng, nếu nhìn vào cái cách mà nền giáo dục cung cấp kiến thức xã hội cho học sinh. Đơn cử như tư duy phản biện cần được dạy trong nhà trường, sau này lớn lên các em mới trở thành người biết phản biện khi đọc tin, phân biệt tốt xấu. Cái này trong chương trình giáo dục nước ta đang rất thiếu.
Theo anh thì giữa đại dịch như này, ở trên mạng xã hội thực ra là người ta nên làm gì là tốt nhất?
- Tôi rời khỏi facebook chính là để tránh áp lực phải khuyên người ta cái gì đó. Chứ cứ ngồi đấy là lại mang cảm giác là mình nên phát biểu gì đó đi, dù không biết phát biểu gì, đáng sợ lắm. Nhưng nếu buộc phải trả lời câu này, tôi sẽ nói ra niềm tin cá nhân của mình: Chính phủ Việt Nam đang làm hết sức trong công tác chống dịch, và chúng ta cũng không có lựa chọn khác ngoài việc tin và hy vọng vào hành động của Chính phủ. Ở trên mạng xã hội những ngày này, tôi mong không ai cố làm thay việc của Chính phủ - khi bạn không có cơ sở làm việc đó. Hỗ trợ Chính phủ, ví dụ phát hiện cơ sở kinh doanh bất lương hoặc hiện tượng tiêu cực, cùng tuyên truyền biện pháp nâng cao sức khỏe và đề phòng virus là một chuyện, nhưng cố làm thay là một chuyện khác.
Xin cảm ơn nhà báo Đức Hoàng!