Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương khiến người dân có xu hướng tự mua thuốc hoặc sử dụng các phương pháp bổ sung dinh dưỡng đối với một vài triệu chứng bệnh nhẹ. Theo các bác sĩ, điều này có khả năng dẫn tới nguy cơ gây hại cho sức khỏe người bệnh.
Nhiều trường hợp ngộ độc paracetamol
Một trong những ví dụ điển hình là việc lạm dụng paracetamol - loại thuốc hạ sốt quen thuộc.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho biết, paracetamol là thuốc thuộc diện không phải kê theo đơn, có nghĩa là người dân có thể tự mua ở các hiệu thuốc về để chữa các biểu hiện đau, sốt do các nguyên nhân thông thường hoặc xử trí ban đầu trước khi tới bệnh viện. Trên thị trường mỗi nước có thể có tới hàng trăm biệt dược có tên gọi khác nhau có chứa thành phần chính là paracetamol, trong đó với dạng viên có hàm lượng paracetamol mỗi viên phổ biến là 500 mg. Mặc dù Paracetamol được xem là một loại thuốc khá an toàn khi dùng đúng liều lượng, nhưng nếu dùng quá liều hoặc dùng liên tục trong nhiều ngày sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, có thể gây ra ngộ độc, thậm chí tử vong.
Tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai đã ghi nhận khá nhiều trường hợp người bệnh phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì ngộ độc paracetamol. “Có bệnh nhân viêm gan vì đang dùng thuốc điều trị động kinh thì dùng thêm paracetamol liều 2 gam/ngày. Một trường hợp thương tâm khác, bệnh nhân tự dùng paracetamol quá liều để hạ sốt dẫn tới ngộ độc, viêm gan, hôn mê gan, sau đó tử vong” - BS Nguyên thông tin
Vì vậy, người bệnh cần biết rõ tên và thành phần các thuốc đang dùng và dùng đúng hướng dẫn. Luôn luôn chú ý đến các loại thuốc khác đang dùng (đặc biệt một số thuốc chữa bệnh lao hoặc động kinh làm tăng độc tính của paracetamol) và thể trạng của người bệnh dễ bị ngộ độc paracetamol (lạm dụng rượu, gầy yếu, suy nhược, ăn kém, nhiễm trùng nặng hoặc các bệnh gây suy mòn). Luôn kết hợp các biện pháp khác an toàn hơn để hạ sốt, giảm đau như nới rộng quần áo, chườm, tắm nước ấm, uống đủ nước... Khi bệnh không đỡ hoặc có biểu hiện bất thường thì cần tới cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Nguy cơ tử vong vì tin tưởng “bác sĩ online”
Với sự phát triển của xã hội hiện đại, mạng xã hội như một kho tin tức khổng lồ, nhưng không phải thông tin nào cũng là bổ ích. Không ít các trường hợp đã bị ảnh hưởng sức khỏe nặng nề, thậm chí là tử vong vì tin theo các bài thuốc, các phương thức điều trị trên mạng, hay các “bác sĩ online”
Trường hợp bé gái 30 tháng tuổi ở Thái Nguyên là một ví dụ. Cháu bé nhập viện khi có các dấu hiệu xuất huyết dưới da, BV Trung ương Thái Nguyên chẩn đoán là ung thư máu dạng cấp và đề nghị chuyển tới Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để điều trị tiếp. Tuy nhiên, mẹ của bé không đưa con tới viện, mà tìm đến một người bán hàng thực dưỡng trên mạng để điều trị. Người bán quả quyết, ung thư máu ở trẻ em là thách thức đối với tây y, nhưng thực dưỡng có thể chữa khỏi. Tin lời quảng cáo, người mẹ cho con nhai gạo sống, ăn cơm lứt với tương tekka, nhai trà thất vị (một loại trà gồm nhiều loại gạo và đậu rang lên, nấu nước, do chính người bán tự pha chế), ăn tương sắn dây. Người mẹ cũng phải ăn theo “số 7” (chế độ ăn chỉ bao gồm cơm lứt, muối vừng) trong khi cho con bú. Người bán nói, đến khi các vết bầm biến mất hoàn toàn nghĩa là cháu đã khỏi bệnh, bởi những chỗ bầm tím là dấu hiệu của máu độc, hết bầm là máu sạch. Kết quả, cháu bé sau đó đã tử vong.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, thông tin tuyên truyền tế bào ung thư sẽ bị tiêu diệt nếu áp dụng chế độ ăn chay với gạo lứt, muối vừng là không có cơ sở.
Theo PGS Lâm, gạo lứt là loại gạo chỉ xát vỏ trấu ngoài, còn nguyên lớp vỏ cám bên trong, nên được cho rằng chứa nhiều chất dinh dưỡng. Tuy vậy, đây chỉ là một chất tinh bột cung cấp một phần chất dinh dưỡng, chúng ta vẫn rất cần ăn bổ sung các nhóm thực phẩm khác, như các nhóm thức ăn giàu đạm, rau, củ, quả để cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
“Ngay cả với những người khỏe mạnh, chứ chưa nói bệnh nhân ung thư, lạm dụng gạo lứt hàng ngày mà không có thêm dinh dưỡng khác lâu ngày có thể gây nguy hại, làm cho cơ thể suy nhược trầm trọng” - PGS Lâm cảnh báo.
Bên cạnh đó, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều tổ chức, cá nhân đã tinh vi lách luật, quảng cáo sản phẩm, bài thuốc lừa dối người tiêu dùng dưới “mác” thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19, hoặc có tác dụng phòng ngừa mắc Covid-19. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, chính do lợi nhuận của việc kinh doanh thực phẩm chức năng với quảng cáo có tác dụng điều trị Covid-19 quá lớn, nên nhiều đối tượng chấp nhận bị phạt để thực hiện hành vi vi phạm.