Các ngân hàng chính của Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT đã gây nhiều khó khăn cho việc chuyển hàng cũng như thanh toán với các đối tác của Nga. Các doanh nghiệp (DN) Việt cần phải tính toán đến phương án khác nhằm vừa duy trì hoạt động xuất khẩu nông sản thị trường này, vừa giảm thiểu rủi ro.
Đơn hàng bị giảm nửa giá trị
Thông tin mới đây từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, các lô hàng xuất khẩu rau quả từ Việt Nam sang Nga đã phải tạm dừng vì không có chuyến bay để vận chuyển. Đặc biệt, việc một số ngân hàng Nga bị cấm tham gia giao dịch quốc tế đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến dòng tiền thanh toán cho DN xuất khẩu rau quả. Đây là điều đáng tiếc khi rau quả Việt xuất sang Nga từ đầu năm đến nay đang có đà tăng trưởng hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng liên quan đến vấn đề thanh toán quốc tế, một số DN xuất khẩu thủy sản tại các tỉnh Tây Nam bộ cho biết sau khi Mỹ và các nước phương Tây đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt tài chính nhắm vào các ngân hàng Nga thì đồng Ruble mất giá mạnh nên nhiều nhà nhập khẩu từ Nga không muốn trả tiền đơn hàng. Điều này khiến cho tình hình thanh toán qua các ngân hàng của các DN gần như tê liệt. Hiện nay, các DN đã tạm ngưng ký các đơn hàng thủy sản xuất khẩu sang Nga cho dù nhiều nhà nhập khẩu vẫn mong muốn tiếp tục hợp tác mà không bị gián đoạn.
Theo ông Trần Văn Lượng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Huy Nguyên (Long An), một đơn vị chuyên xuất khẩu nông sản sang Nga với kim ngạch mỗi năm đạt 30 triệu USD, thời gian gần đây phải liên tục liên lạc với các khách hàng tại Nga để giải quyết tình trạng ùn ứ đơn hàng và chứng từ thanh toán.
Ông Lượng cho biết, việc Nga bị loại khỏi hệ thống Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) khiến đơn hàng sang Nga bị giảm nửa giá trị vì đồng Ruble mất giá, còn thanh toán đình trệ. Ngoài ra, các đối tác ở châu Âu, Nga cũng đang gặp khó khăn ngoài ý muốn do các lệnh trừng phạt, nên các đơn hàng đã giao nhưng bị kẹt thanh toán.
Quan sát tình hình nêu trên, TS. Phạm Nguyễn Anh Huy (Đại học RMIT) cho rằng việc thanh toán của DN Việt Nam cho các đối tác Nga và ngược lại hiện nay sẽ bị ảnh hưởng một cách nhất định bởi lệnh cấm của Liên minh châu Âu, đặc biệt là các DN xuất nhập khẩu có phát sinh giao dịch với các ngân hàng nằm trong lệnh cấm.
Còn theo ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Long, vấn đề nghiêm trọng nhất trong thời gian trước mắt mà các DN phải giải quyết là tạo ra kênh chi trả thanh toán với các đối tác Nga một cách rõ ràng hợp pháp, giảm thiểu nguy cơ bị cáo buộc vi phạm cấm vận của Mỹ và phương Tây.
Cân nhắc sang giải pháp khác
Nga là một đối tác kinh tế - thương mại lớn của Việt Nam. Năm ngoái, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt khoảng 3,2 tỷ USD và giá trị nhập khẩu khoảng 2,3 tỷ USD. Do vậy, theo TS. Phạm Nguyễn Anh Huy, một khi Nga bị loại hoàn toàn khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT sẽ là vấn đề nghiêm trọng. Việt Nam sẽ không thể thanh toán cho bất cứ một đối tác Nga nào, và ngược lại không có đối tác Nga nào có thể thanh toán cho các tổ chức Việt Nam thông qua hệ thống SWIFT.
Vì thế, các DN Việt Nam có thể tìm đến những giải pháp thanh toán khác. Một là, có thể cân nhắc sử dụng hệ thống SPFS của Nga (một hệ thống giống SWIFT được phát triển cho các ngân hàng Nga) thông qua các nước trung gian như Trung Quốc, Cuba, Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus, Uzbekistan hay Kazakhstan. Hai là, Việt Nam và Nga có thể thiết lập một hệ thống thông tin liên lạc song phương cho việc thanh toán. Ba là, Việt Nam có thể trực tiếp tham gia vào hệ thống SPFS của Nga. Bốn là, Việt Nam có thể sử dụng hệ thống thanh toán CIPS của Trung Quốc.
“Tôi cho rằng các DN, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng Việt Nam nên tiếp tục theo sát diễn biến trên thị trường thanh toán quốc tế và các động thái mà các bên có thể đưa ra sắp tới. Các DN và ngân hàng Việt Nam có thể coi đây là một cơ hội để chuẩn bị sẵn các phương án dự phòng rủi ro thanh toán” - ông Huy nói.
Và điều quan trọng là các DN Việt cần đa dạng hóa hệ thống thanh toán quốc tế nhằm chủ động hơn trong ứng phó với các trường hợp tương tự hiện tại, tránh được những gián đoạn và tổn thất trong quá trình thanh toán với các đối tác quốc tế.
Không chỉ là vấn đề về thanh toán quốc tế, trước tác động tiêu cực của cuộc xung đột Nga - Ukraine đến hoạt động xuất nhập khẩu của các DN Việt, PGS-TS Hồ Văn Thắng, Đại học hanyang (Hàn Quốc) nhấn mạnh, các DN phải làm quen vì kinh tế thị trường là vậy. "Bởi vì không có cuộc khủng hoảng này thì có cuộc khủng hoảng khác. Cho nên, các DN cần làm quen và xem đây là nghĩa vụ của mình", ông Thắng giải thích.