Xung đột giữa Nga và Ukraine khiến các mặt hàng nông sản của Nga hiện đang bị nhiều nước châu Âu cấm nhập khẩu. Đây chính là thời điểm để các doanh nghiệp Việt gia tăng xuất khẩu các loại nông sản sang thị trường EU.
TS. Trần Quốc Hùng, chuyên gia kinh tế tại Mỹ nhấn mạnh, thời điểm này là cơ hội rất tốt để Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu gạo vào thị trường EU. Ông Hùng cho rằng, trước mắt là sử dụng hết hạn ngạch xuất lúa gạo 80.000 tấn/năm với suất thuế quan 0% theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đặc biệt, nên phát triển các loại gạo thơm cấp cao, nhiều giá trị đang được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng.
Xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang EU trong quý 1/2022 được đánh giá là khả quan. Chỉ tính riêng chưa đầy 2 tháng đầu năm năm 2022 đã mang về hơn 314 triệu USD, tăng hơn 36% về khối lượng và 19,6% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trong số các nguồn cung cấp gạo vào EU, giá gạo của Việt Nam tăng mạnh nhất, với mức tăng hơn 20%. Gạo thơm được miễn thuế 30.000 tấn, giảm được 175 euro một tấn, tạo điều kiện cạnh tranh tốt hơn cho gạo Việt Nam.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết gạo thơm Việt Nam khi xuất sang EU được miễn thuế 30.000 tấn, giảm được 175 euro/tấn đã tạo ra điều kiện cạnh tranh tốt hơn. Năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu trên 60% của 30.000 tấn mà phía EU cấp hạn ngạch, do vậy, vẫn còn tiềm năng rất lớn cho việc xuất khẩu gạo thơm vào EU.
Thị trường EU rộng mở nhưng do ảnh hưởng cuộc xung đột Nga - Ukraine, đại dịch Covid-19 cùng nhiều yếu tố khác đã tác động dây chuyền làm cho xăng dầu, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng giá đến 30% dẫn đến giá thành sản xuất tăng cao, khiến cho lợi nhuận của người nông dân giảm đi.
Năm ngoái, chi phí sản xuất lúa gạo đã tăng 20 - 30% và năm nay cũng khó tránh được áp lực này. Theo ông Cường, ngoài ứng phó với những bất ổn thì giải pháp về mặt canh tác, làm sao điều tiết giảm được đầu vào để tăng giá trị, tăng sức cạnh tranh cho lúa gạo Việt Nam là rất quan trọng.
Còn theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), bên cạnh lợi thế của EVFTA thì chúng ta cũng phải tự nâng cao chất lượng gạo và thay đổi cách tiếp cận thị trường nhằm, mở rộng thị phần nhiều hơn nữa.
Hiện nay các nhà xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam cũng đang theo dõi sát tình hình diễn biến xung đột Nga - Ukraine liệu có tác động như thế nào đến nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản. Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine thì tình hình xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này đang tạm thời bị gián đoạn và gặp rất nhiều khó khăn.
Một số DN lớn xuất khẩu cá tra đi Nga cho biết, sau khi các nước phương Tây đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt tài chính nhắm vào các ngân hàng Nga thì đồng Ruble mất giá mạnh nên nhiều nhà nhập khẩu từ Nga không muốn trả tiền đơn hàng. Tình hình thanh toán qua các ngân hàng của các DN gần như tê liệt.
Hiện nay, các DN tạm ngưng ký các đơn hàng cá tra xuất khẩu đi Nga cho dù nhiều nhà nhập khẩu vẫn mong muốn tiếp tục hợp tác mà không bị gián đoạn. Các hãng tàu biển cũng đã thông báo không nhận vận chuyển container hàng đi Nga vì rủi ro rất cao khi các lô hàng có thể bị giữ lại tại cảng Rotterdam (Hà Lan) trước khi tới được hai cảng biển lớn của Nga là Saint Petersburg và Vladivostok.
Trước khó khăn với thị trường Nga và biến động thị trường ở EU thì đây cũng chính là thời điểm để các DN xuất khẩu cá tra biến “nguy” thành “cơ”, chủ động kết nối với các nhà nhập khẩu lớn nhằm quay lại “đường băng” tăng trưởng ở thị trường EU sau quãng thời gian chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam (bao gồm cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè) sang thị trường EU trong 11 tháng năm 2021 đạt khoảng 2,2 tỷ USD và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, EU là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất nước ta, chiếm 13,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính.