Mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời đã gần 8 năm (Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2011), song thực tế cho thấy, những vụ việc gian lận thương mại ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng vẫn diễn ra. Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), một phần nguyên nhân là do tâm lý e dè, ngại phiền phức của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng cần mạnh dạn lên tiếng khi quyền lợi của mình bị xâm phạm. Ảnh: Quang Vinh.
Chị Trần Thu Hà (phố Quan Nhân, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, đã nhiều lần mua phải hàng kém chất lượng, không chỉ là khi mua hàng online. Chị Hà kể, theo những sản phẩm được quảng cáo trên một cửa hàng thời trang online, chị đặt mua 2 bộ quần áo mặc ở nhà, do thấy hình ảnh sản phẩm rất đẹp mà giá cả thì cực rẻ.
Tuy nhiên, chị Hà cho biết, khi nhận được sản phẩm do “shipper” chuyển đến, hai bộ quần áo hoàn toàn khác xa so với hình ảnh mà chị đặt trên mạng từ màu sắc cho đến chất vải, kiểu cách. Ngay lập tức chị Hà gọi điện cho số điện thoại của cửa hàng thời trang online này thì không được nhận thông tin trả lời ở đầu dây bên kia: “Số điện thoại này không có”. Mở trang web của cửa hàng này, chị gõ một dòng “comment” thì cũng nhận được phản hồi “Trang này không tồn tại”. Mặc dù rất bức bối lúc ấy, nhưng theo chia sẻ của chị Hà, do giá trị sản phẩm không lớn, nên tôi cũng không muốn khiếu nại vì sẽ rất mất thời gian, chỉ coi đó là bài học khi mua hàng online.
Tương tự trường hợp của chị Hà, anh Nguyễn Tuấn Anh (ở phố Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đặt mua một đôi giày trên mạng, và cũng nhận được sản phẩm khác xa so với hình ảnh quảng cáo. “Cũng biết là đã có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) nhưng để tìm xem sẽ đến đâu khiếu nại, nơi nào tiếp nhận hồ sơ thì sẽ rất mất thời gian, nên thôi coi như mình đánh rơi tiền”- anh Tuấn Anh cho hay.
Thương mại điện tử ngày càng phát triển, việc mua hàng trực tuyến cũng dần trở nên phổ biến. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mà thương mại điện tử mang lại, không ít NTD đã phải “ngậm đắng” bởi gặp phải những trang web bán hàng làm ăn chộp giật, chuyên bán hàng kém chất lượng lừa đảo NTD.
Tuy rằng ngày càng nhiều sự vụ xảy ra ở các giao dịch thương mại điện tử và kể cả mua phải hàng kém chất lượng trong siêu thị, nhưng NTD hiện vẫn còn tâm lý ngại va chạm, nên phần lớn các vụ việc đều tặc lưỡi bỏ qua, rất ít nạn nhân lên tiếng bảo vệ quyền lợi của chính mình. Cũng có trường hợp, NTD đã khiếu nại song việc giải quyết không thành công, do không còn đủ chứng cứ quyền lợi bị xâm phạm.
Người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua hàng hóa. Ảnh: Quang Vinh.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD, trong năm 2017 và 2018, đơn vị đã tiếp nhận và xử lý hàng nghìn khiếu nại, yêu cầu của NTD liên quan đến các hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm quyền lợi NTD. Trong đó, riêng tổng đài tư vấn hỗ trợ NTD đã ghi nhận có hơn 6.000 cuộc gọi đến. Theo thống kê, trong số các cuộc gọi có nhân viên trả lời, thì có đến khoảng 30% cuộc gọi liên quan đến yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi NTD.
Tuy nhiên, không ít các trường hợp, khi các chuyên viên của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tiếp xúc thì NTD không cung cấp được các bằng chứng xác thực việc mình bị vi phạm quyền lợi như: Hàng hóa không còn nguyên vẹn, hóa đơn chứng từ mua hàng không còn, hoặc các trang mạng bán hàng không rõ ràng, không còn tồn tại… Điều này khiến các điều tra viên rất khó trong việc phát hiện kiểm tra và xử lý vụ việc.
Giới luật gia khuyến cáo, tốt nhất, NTD nên tìm đến những địa chỉ tin cậy để mua sắm hàng hóa hay các trung tâm thương mại lớn… vì tại các địa chỉ này, các sản phẩm đều có tem bảo hành, xuất xứ rõ ràng. Sản phẩm nếu có bị lỗi, NTD cũng có thể dễ dàng khiếu nại để bảo vệ quyền lợi cho chính mình. Đặc biệt, NTD không nên e dè, ngần ngại trong việc tìm đến các cơ quan bảo vệ quyền lợi của chính mình, bởi như vậy, sẽ dung túng thêm cho các đối tượng tiếp tục thực hiện các hành vi gian lận thương mại.
Thương mại điện tử ngày càng phát triển, việc mua hàng trực tuyến cũng dần trở nên phổ biến. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mà thương mại điện tử mang lại, không ít người tiêu dùng đã phải “ngậm đắng” bởi gặp phải những trang web bán hàng làm ăn chộp giật, chuyên bán hàng kém chất lượng lừa đảo người tiêu dùng. |
Hàng năm, Bộ Công thương đều có kế hoạch triển khai Ngày Quyền người tiêu dùng nhằm tuyên truyền, phổ biến, thực thi văn bản pháp luật về quyền của người tiêu dùng để tạo cho người tiêu dùng chủ động và ý thức tự bảo vệ bản thân. Theo Bộ Công thương, năm 2019 này, chủ đề tổ chức các hoạt động hưởng ứng là: “Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững”. |