Giáo dục

Ngẫm về "quyền lực" của giáo viên trong lớp học

Đặng Tự Ân 28/11/2023 15:49

Đổi mới giáo dục không nhất thiết phải là những thứ lớn lao, mà hãy bắt đầu từ những hoạt động tưởng nhỏ, nhưng hiệu quả lớn

Đổi mới giáo dục không hẳn chỉ lo tới những vấn đề lớn lao mang tính triết lý hay nguyên lý. Chúng ta hãy thay đổi từ những hoạt động tưởng nhỏ, như tư thế (cách nói năng, đi lại, ăn mặc . . .) của giáo viên trên lớp.

Đó đây ở những trường học và ở không ít giáo viên vẫn còn thể hiện "quyền lực" tuyệt đối của mình, thông qua lời nói hay khi đánh giá học sinh trong giờ học thường thiếu chuẩn mực và chưa mô phạm.

Trước hết là tư thế của giáo viên trong giờ học. Giáo viên liên tục dùng các từ có tính mệnh lệnh, như “ hãy . . .”, “không được . . .” khi giao tiếp với học sinh. Ngoài ra, các mệnh lệnh này được đưa ra bằng âm thanh vật lý được tạo bởi tiếng của thước hay vật gõ lên bàn. Mệnh lệnh “cạch !” được phát ra nhiều lần trong suốt tiết học. Cũng tương tự như dùng từ mệnh lệnh, các câu hỏi có tính chất đánh giá xem học sinh có trả lời đúng theo sự chuẩn bị của giáo viên trong giáo án chưa. Đó là câu hỏi đóng, như : “ . . . có nghĩa là gì?”, “cái này gọi là gì?”. Những câu hỏi như vậy được giao viên đưa ra liên tục, nhất là vào thời điểm từ nửa sau tiết học.

W_co-va-tro-trong-lop-hoc-pham-quang-vinh-.jpg
Cô và trò trong lớp học (ảnh: Quang Vinh)

Trước tư thế này của giáo viên, học sinh phải cố gắng hết mình để đáp ứng các mệnh lệnh của giáo viên. Do là mệnh lệnh, nên học sinh chấp hành ngay, một cách đồng loạt và lâu dần các em thành thói quen. Hễ cứ có yêu cầu từ giáo viên, như “hãy . . ..” hay “ thôi không …” là học sinh nhất nhất làm theo, bằng cách giơ tay trả lời hay dừng lại không thao tác nữa. Tuổi trẻ luôn vốn là hồn nhiên, tự do và thoải mái, giờ phải tự thay đổi và mất đi cái bản năng ấy, chính vì những tư thế khó sửa của giáo viên. Các em sẽ thành như những con búp bê hay robot. Nhìn mắt các em thấy ít lanh lợi, như không hề có sinh khí. Sự hoạt bát bẩm sinh của các em đáng lẽ được phát huy sáng tạo trong giờ học, giờ tinh thần ấy không còn điều kiện để mà thăng hoa cảm xúc.

Tư thế quyền lực của giáo viên qua nhiều năm đã buộc cho học sinh phải tự rèn luyện để có thể phản ứng được ngay, tại chỗ trước lớp, trước các yêu cầu, câu hỏi của giáo viên.

Nguy hiểm hơn, tất cả những câu trả lời của học sinh đều có trong sác giáo khoa mà học sinh không cần động não, không cần phát huy trí lực bản thân. Tội nhất là khi tới giờ giải lao, học sinh nhất loạt lao ra khỏi lớp, vui chơi, la hét ở sân trường. Có thể các em đã bị dồn nén, ức chế trong cả tiết học khô khan, không có vui sướng gì với những mệnh lệnh lặp đi, lặp lại của giáo viên. Thực tế này là phản khoa học về tâm lý học lứa tuổi và về khoa học giáo dục học của chúng ta.

Sự học phải hướng tới học sinh, do học sinh chủ động, còn giáo viên là người truyền cảm hứng, tạo ra kích thích cho sự nẩy mầm sáng tạo của từng em. Tiết học không thể theo cách giáo dục đồng loạt bằng những mệnh lệnh mang ý nghĩa quyền lực tuyêt đối của người dạy. Họ là biểu tượng của quyền lực, nắm cả tri thức và kỹ năng. Cho dù giáo viên có được ý thức về điều này hay không thì thực tế giáo viên tiến hành giao tiếp một chiều bằng mệnh lệnh, bằng câu hỏi đóng có tính đánh giá, họ đã tạo ra một lớp học sinh có ý thức một cách tự nhiên. Đó sẽ chỉ làm cản trở sự phát triển của trẻ và làm lụi tàn năng lực cá nhân của học sinh.

Dưới cách dạy mà lời nói, tư thế có tính mệnh lệnh như vậy sẽ hạn chế nếu không nói là không cho học sinh được biểu đạt ý kiến và ý tưởng cá nhân của mình. Học sinh chỉ có nghe và làm theo những tương tác trong nội dung bài giảng cố định, sẵn có của giáo viên. Điều khôn ngoan duy nhất có thể làm là học sinh hãy làm theo mệnh lệnh và đưa ra câu trả lời mà giáo viên đang chờ đợi. Ở đây học sinh đang bị đè nén từ chính mong ước của mình. Bởi vì không nghe theo và trả lời được câu hỏi của giáo viên (mặc dù rất đơn giản có sẵn trong sách giáo khoa), học sinh sẽ ngay lập tức bị đánh giá là học sinh kém hay có “vấn đề”.

Như vậy ở lớp học, trường học, người dạy và người học hoàn toàn bị đưa vào cơ cấu quan hệ trên dưới của quyền lực. Trái với quan hệ giáo viên và học sinh là cần phải tôn trọng lẫn nhau, giúp đỡ nhau để mỗi em đều có cơ hội tốt nhất để phát huy hoàn toàn tiềm năng sẵn có của mình.

Hiện trường của giáo dục là môi trường, cách dạy, cách học, là diễn biến tiết học trên lớp. Đây là trải nghiệm cực kỳ quan trọng để đảm bảo chất lượng đổi mới giáo dục. Các thày cô hãy đừng bỏ qua những điều tưởng là tiểu tiết này, nó thực sự là vấn đề lớn đấy và nếu không được coi trọng, sẽ làm cản trở sự đổi mới và sáng tạo trong các nhà trường của chúng ta.

Sự học phải hướng tới học sinh, do học sinh chủ động, còn giáo viên là người truyền cảm hứng, tạo ra kích thích cho sự nẩy mầm sáng tạo của từng em

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngẫm về "quyền lực" của giáo viên trong lớp học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO