Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Ngăn chặn trục lợi di sản

Miên Thảo 02/03/2024 08:11

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mới công nhận thêm 26 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tính tới nay cả nước có hơn 400 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; 15 di sản văn hóa phi vật thể thế giới (do UNESCO công nhận). Vấn đề đặt ra là làm gì để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trước những hiện tượng thương mại hóa, làm méo mó di sản; kể cả việc trục lợi di sản qua các hành vi mê tín dị đoan.

Luật Di sản văn hóa 2001, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Di sản văn hóa sửa đổi 2009, quy định: Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.

Việt Nam được coi là một trong những cường quốc di sản. Khắp nơi trên đất nước, làng quê nào cũng có di sản. Di sản văn hóa phi vật thể được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, “hóa thân” vào nếp nghĩ, nếp sống hàng ngày của mỗi người dân. Theo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đến nay cả nước đã có gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, phân bố ở hầu khắp các tỉnh, thành phố. 1.881 cá nhân được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân", "Nghệ nhân Ưu tú", trong đó có 131 Nghệ nhân Nhân dân và 1.750 Nghệ nhân Ưu tú - những người được tôn vinh là “báu vật nhân văn sống”.

Nhưng, trong dòng chảy ào ạt của thời gian, có lúc có nơi di sản văn hóa phi vật thể bị biến dạng, kể cả biến mất. Đội ngũ “báu vật nhân văn sống” cũng dần hao hụt. Trong số đó nhiều cụ tuổi cao sức yếu, cuộc sống khó khăn, đau đáu một niềm truyền nghề lại cho con cháu nhưng tâm nguyện bất thành.

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể được khai thác phục vụ cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được thì việc khai thác, phát huy giá trị cổ truyền không đúng đã làm sai lệch di sản. Nhất là với di sản gắn với hoạt động tâm linh, có khi còn bị trục lợi, nhuốm màu mê tín dị đoan.

Có thể nêu một ví dụ, đó là việc thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ, đã từng “chiếm sóng” ở nhiều hội thảo, tọa đàm. Nhiều nhà nghiên cứu, các thanh đồng (người thực hành di sản) đã “đồng thanh” bày tỏ lo ngại việc sân khấu hóa làm sai lệch di sản, nhất là việc đưa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ra khỏi các đền, phủ.

Đó là cách quảng bá rất thiếu thận trọng khi sử dụng các thành tố của di sản để trình diễn không đúng với bản chất và tính chất truyền thống; vi phạm nguyên tắc về sự tôn trọng, bảo vệ tính thiêng, tập tục, kiêng kỵ của di sản.

Từ góc độ niềm tin của cộng đồng, có thể phân ra 2 loại hình: Di sản văn hóa phi vật thể gắn với tâm linh, tín ngưỡng (có tính thiêng) và di sản thế tục. Một số di sản có sự đan xen giữa 2 loại hình này. Về mặt nguyên tắc, bất kỳ di sản văn hóa phi vật thể nào cũng cần được "sống" trong chính môi trường của nó.

Khai thác giá trị truyền thống phục vụ du lịch, trong đó có di sản văn hóa phi vật thể là điều dễ hiểu. Nhưng để di sản không bị méo mó, xô lệch thì rất cần có sự vào cuộc, hướng dẫn của cơ quan văn hóa. Chỉ có như vậy, các địa phương, những nghệ nhân, nghệ sĩ mới yên tâm khai thác phát huy giá trị di sản mà không bị phê phán làm sai lạc.

Việt Nam đã chính thức tham gia Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (Công ước 2003) từ năm 2005. Quan điểm của UNESCO là "di sản văn hóa phi vật thể được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi (...), từ đó làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người". Điều đó cũng có nghĩa bảo tồn di sản không phải là “đóng kín cửa” mà di sản có thể "tái tạo", làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa nếu được sự đồng thuận của cộng đồng cư dân sở hữu di sản.

Việc ngày có thêm nhiều di sản văn hóa phi vật thể được công nhận ở cấp quốc gia càng cho thấy hoạt động thực hành càng phải thận trọng. Sáng tạo, bổ sung giá trị mới nhưng không thể làm mất hồn cốt của di sản. Nói cách khác, không thể nhân danh sáng tạo văn hóa nhưng lại thiếu cái tâm và thiếu hiểu biết văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn trục lợi di sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO