Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, thời điểm quý 3, đặc biệt là quý 4, ngân hàng sẽ tập trung rao bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.
Liên tiếp giảm giá
Một chuyên gia trong lĩnh vực mua bán nợ nói với PV Báo Đại Đoàn Kết, có những khoản nợ ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro 100%, đến thời điểm cuối năm, ngân hàng buộc phải rao bán. Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng, trong 6 tháng đầu năm thường gắn với hoạt động lễ tết nên người bán cũng chẳng muốn bán, bên mua cũng chẳng muốn xuất tiền mua.
Hiện nay dịch Covid-19 được khẳng định sẽ tác động đáng kể tới chất lượng tài sản và tỷ lệ nợ xấu nên các ngân hàng đang nhanh chân rao bán tài sản đảm bảo.
Thực tế cho thấy cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang rất khó khăn nên khó có khả năng trả lãi ngân hàng. Ngân hàng buộc phải phát mãi tài sản mà DN từng cầm cố trong quá khứ để vay nợ
Tại Sacombank, Ngân hàng này rao bán nhiều khu đất tại TP HCM với tổng giá trị gần 4.580 tỷ đồng.Trong đó, Ngân hàng thông báo bán 4 quyền sử dụng đất tại Bình Chánh với tổng diện tích 76,2 ha, giá 1.330 tỷ đồng.
Sacombank cũng đấu giá quyền tài sản phát sinh 27 hồ sơ đền bù diện tích hơn 20,8 ha tại quận 8, TP HCM thuộc dự án Khu dân cư Bảo Hưng và 2 quyền sử dụng đất khác cùng vì trị tổng diện tích 12,7 ha với giá trị 928 tỷ đồng.
Mới đây VietinBank chi nhánh Hưng Yên thông báo bán khoản nợ của CTCP Đầu tư Royal Việt Nam với tổng dư nợ gần 98,7 tỷ đồng, gồm 71 tỷ đồng nợ gốc, 20,4 tỷ đồng nợ lãi trong hạn và 7,3 tỷ đồng nợ lãi quá hạn. Khoản nợ này có tài sản đảm bảo là toàn bộ máy móc, thiết bị và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Tổng diện tích đất thuê là 122.434 m2; đất thuê trả tiền hằng năm, thời gian thuê từ ngày 13/5/2010 đến ngày 15/10/2028.
BIDV chi nhánh Long Biên cũng thông báo đấu giá tài sản là tàu Ocean Queen lần 8. Giá khởi điểm mà BIDV đưa ra trong lần đấu giá này là gần 194 tỷ đồng. Đáng chú ý, trước đó, hồi cuối năm 2019, BIDV thông báo bán đấu giá con tàu này với giá khởi điểm lên tới 300,65 tỷ đồng.
Ngày 4/9 vừa qua, Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn đã rao bán loạt căn hộ hạng sang tại chung cư cao cấp Saigon Pearl (TP HCM) như căn hộ số 4.1, diện tích 98,5m2 với giá khởi điểm 5,078 tỷ đồng, thấp hơn 2 tỷ đồng so với thời điểm rao bán lần đầu cách đây 3 tháng.
Ngoài ra, nhiều tài sản đảm bảo khác như vật liệu, tàu cá… cũng được nhiều ngân hàng rao bán. Đơn cử như VPBank mới đây thông báo bán đấu giá tài sản là 10 cuộn thép không gỉ, đơn giá từ 9.500 - 19.000 đồng/kg, với tổng mức giá khởi điểm hơn 400 triệu đồng.
Vietcombank chi nhánh Nghệ An cũng ra thông báo lựa chọn đơn vị đấu giá tài sản là 1 tàu cá vỏ gỗ của Công ty TNHH MTV Đóng tàu thuyền Hải Châu - Khối 2, phường Trung Đô, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi phát mại tàu cá tại Cảng cá Thọ Quang, Đà Nẵng và tàu cá tại Cảng cá Quy Nhơn, Bình Định.
Khó tìm được khách mua
Trên thực tế, thời gian qua đã có hàng trăm tài sản đảm bảo của khách hàng thế chấp vay vốn được các ngân hàng rao bán để thu hồi nợ xấu, từ ô tô đến nhà xưởng, đến bất động sản, nhưng thanh khoản trên thị trường rất thấp. Bởi vậy, để kích cầu thị trường, các nhà băng liên tục giảm giá, tuy nhiên vẫn không nhận được sự quan tâm của khách hàng.
Trong đó, một nguyên nhân chính đến từ việc các tài sản đảm bảo này mặc dù đã giảm giá nhưng vẫn chưa sát với giá trị thực, do ban đầu được định giá quá cao. Khi bán nợ xấu, các ngân hàng thường tính đến cả số tiền gốc lẫn lãi, trong khi những tài sản đảm bảo sau một thời gian dài thường không còn giá trị như ban đầu.
Trong một số trường hợp, mặc dù người mua vẫn có cơ hội mua được tài sản phát mãi với giá tốt, nhưng do tài sản hoặc một phần tài sản lại đang thuộc diện tranh chấp, có thể mang lại nhiều rủi ro cho người mua, nên họ không mặn mà.
Theo phân tích của giới chuyên gia, việc phát mãi các khoản nợ không phải muốn là được.Vì vướng mắc đến các thủ tục pháp lý. Có khoản nợ đã bán thành công, song một thời gian sau, người mua quay lại khiếu kiện ngược ngân hàng bởi sau cả năm vẫn không thể hoàn tất giấy tờ sang tên đổi chủ vì vướng mắc thủ tục pháp lý.
Chưa kể chính Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đơn vị có quyền rất cao trong việc xử lý nợ xấu còn cho rằng, vẫn còn rất nhiều vướng mắc liên quan đến thực hiện quyền thu giữ tài sản đảm bảo, áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ về thuế, phí khi xử lý tài sản bảo đảm, thiếu hướng dẫn từ các bộ, ngành…
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong bối cảnh bùng phát đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến toàn nền kinh tế, các ngân hàng sẽ có động thái đẩy mạnh hoạt động phát mãi các tài sản đảm bảo. Tuy nhiên ngân hàng cũng không thể dễ dàng tìm được khách mua trong bối cảnh hiện nay. Trong trường hợp các tài sản thế chấp đã được rao bán nhiều lần nhưng không thành công ngân hàng sẽ phải giữ tài sản đó trên bảng cân đối kế toán và tính vào tài sản cố định của ngân hàng.