Gần đây, các ngân hàng liên tục thông tin về việc tăng vốn điều lệ. Việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng cũng giúp họ tăng thêm dự trữ, dự phòng rủi ro khi nợ xấu gia tăng.
Nhiều phương án tăng vốn
Mới đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) và Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên CIMB Việt Nam (CIMBVN).
Cụ thể, NHNN chấp thuận việc HDBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 3.984 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông HDBank thông qua tại Nghị quyết số 06/2021/NQ-ĐHĐCĐ ngày 23/4/2021 và Hội đồng quản trị HDBank thông qua tại Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐQT ngày 15/6/2021.
NHNN chấp thuận việc NCB tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.500 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông NCB thông qua tại Nghị quyết số 29/NQ.ĐHĐCĐ ngày 22/2/2021.
NHNN yêu cầu NCB thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật; thông báo bằng văn bản và có cách thức phù hợp để đảm bảo các tổ chức, cá nhân khi mua cổ phần của NCB cam kết hiểu và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của cổ đông theo đúng quy định tại Điều 54 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
NHNN cũng chấp thuận việc CIMBVN tăng vốn điều lệ từ 3.467 tỷ đồng lên 3.698 tỷ đồng. CIMBVN có trách nhiệm thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật hiện hành; trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc tăng mức vốn điều lệ, CIMBVN có văn bản đề nghị sửa đổi mức vốn điều lệ tại giấy phép thành lập và hoạt động gửi NHNN Việt Nam.
Với mức tăng đó, các ngân hàng phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Do đó, nhiều ngân hàng phải sử dụng cả 4 phương thức huy động vốn, bao gồm: Kêu gọi hoặc bán vốn cho cổ đông chiến lược, bán cho nhà đầu tư tài chính nước ngoài. Thứ hai là giữ lại một phần cổ tức. Thứ ba là tiếp tục phát hành trái phiếu dài hạn, để tăng vốn cấp 2. Cuối cùng là đề xuất cho phép phát hành cổ phiếu cho nhân viên (ESOP).
TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, các ngân hàng khi đưa ra phương án tăng vốn là họ có cái nhìn lạc quan về sự phát triển kinh tế trong thời gian tới và đáp ứng mục đích tăng trưởng hoạt động kinh doanh.
Ngân hàng tăng bộ đệm
Giới chuyên gia khẳng định việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng cũng giúp họ tăng thêm dự trữ, dự phòng rủi ro khi nợ xấu gia tăng.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nói, ngân hàng cần tăng sức đề kháng. Đặc biệt trong năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nợ xấu ở các ngân hàng tăng mạnh, do đó nhà băng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Điều này sẽ bào mòn lợi nhuận, ảnh hưởng đến năng lực tài chính. Tăng vốn là điều kiện cần để đảm bảo khả năng cung tín dụng của các ngân hàng.
“Rủi ro gia tăng thì hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng càng phải dày hơn để ứng phó tốt, hay nói cách khác giảm thiểu thiệt hại khi thị trường biến động”, ông Thành khẳng định.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực: “Tăng vốn là thách thức lớn đối với các ngân hàng năm 2021. Nhiều yếu tố tạo áp lực tăng vốn cho ngân hàng đó là các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu. Điều này sẽ bào mòn lợi nhuận, ảnh hưởng đến năng lực tài chính. Tăng vốn cũng là điều kiện cần để đảm bảo khả năng cung tín dụng của các ngân hàng. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2021 ở mức 12 - 13%, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng tăng ít nhất khoảng 7 - 8%”, TS Cấn Văn Lực cho biết.