Bộ Công thương vừa công bố gần 30 dự án, nhà máy nhiệt điện, hóa chất, thủy điện khai thác khoáng sản nằm trong danh sách có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nằm trong diện giám sát đặc biệt.
Gần 30 dự án trong diện giám sát đặc biệt
Bộ Công thương vừa công bố gần 30 dự án, nhà máy nhiệt điện, hóa chất, thủy điện khai thác khoáng sản nằm trong danh sách có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nằm trong diện giám sát đặc biệt.
Danh mục các Dự án, nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng; Công ty CP nhiệt điện Quảng Ninh; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Nhà máy điện Vũng Áng 1 - Công ty điện lực dầu khí Hà Tĩnh, Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, Liên hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: Dự án Alumin Nhân Cơ - Đắc Nông, Công ty Nhôm Lâm Đồng, Dự án mỏ sắt Thạch Khê và Dự án khai thác và chế biến đồng Sin Quyền; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: Công ty DAP số 1, Công ty DAP số 2, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, các nhà máy sản xuất Photpho và hóa chất thuộc Khu công nghiệp Tằng Loỏng Lào Cai và Công ty Phân đạm Ninh Bình; Tổng công ty Thép Việt Nam: Công ty CP gang thép Thái Nguyên - TISCO; Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Khu công nghiệp dệt may Phố Nối Vinatex, Tổng công ty may Việt Thắng; Tổng công ty Giấy Việt Nam: Nhà máy giấy Bãi Bằng.
Ô nhiễm môi trường biển cục bộ ngày càng nhiều
Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 đã cho thấy, chất lượng nước biển ven bờ ở Việt Nam còn khá tốt với hầu hết giá trị các thông số đặc trưng cho chất lượng nước biển nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam 10-MT: 2005/BTMT. Tuy vậy, do ảnh hưởng của khu vực cửa sông và sự tiếp nhận chất thải của hoạt động phát triển kinh tế ven biển, một số vùng biển có hàm lượng chất tổng hợp chất rắn vô cơ và hữu cơ lơ lửng (TSS) cao. Bên cạnh đó, sự gia tăng hàm lượng chất hữu cơ và dầu mỡ cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc bảo vệ chất lượng nước biển ven bờ trong những năm gần đây. Sự gia tăng hàm lượng TSS trong nước biển ven bờ chủ yếu bị ảnh hưởng bởi phù sa các cửa sông, trong đó, các vùng biển ven bờ ở phía Bắc thường có giá trị cao vượt ngưỡng quy chuẩn Việt Nam. Dải ven biển miền Trung có hàm lượng TSS thấp, trong khi đó, khu vực biển ven bờ phía Nam có hàm lượng TSS giảm dần trong những năm gần đây. Vấn đề ô nhiễm bởi chất hữu cơ trong nước biển ven bờ đã và đang diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh thành ven biển Việt Nam. Hàm lượng các thông số quan trắc như COD, NH+4 trong giai đoạn 2011-2015 tại hầu hết các khu vực đã ở mức cao vượt ngưỡng quy chuẩn Việt Nam, đặc biệt ở phía Bắc và phía Nam.
Âu thuyền Thọ Quang thuộc Đà Nẵng là 1 trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước biển trong những năm gần đây. Nguyên nhân là do ở khu vực xung quanh có 23 cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản, 11 cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền và 8 cống thải ra biển. Trong khi hệ thống xử lí nước thải và thu gom rác thải chưa đáp ứng được yêu cầu. Khảo sát của Bộ TN&MT cũng chỉ ra rằng, mức độ ô nhiễm hữu cơ ở các khu vực biển ven bờ phía Bắc cao hơn ở khu vực miền Trung và miền Nam. Tại các vùng biển Nam Trung Bộ thuộc các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, hiện tượng thủy triều đỏ đã xuất hiện và gây nhiều hậu quả khá nghiêm trọng đến tài nguyên sinh vật và môi trường. Nguyên nhân của hiện tượng này được cho là do quá trình phát triển du lịch, đô thị hóa, nông nghiệp, công nghiệp… đem đến lượng chất thải hữu cơ và dinh dưỡng quá nhiều trong nước. Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng hàm lượng dầu mỡ khoáng trong nước biển tại các khu vực cảng biển đang diễn ra khá phổ biến. Một số khu vực cảng biển có hàm lượng dầu mỡ khoáng vượt ngưỡng QCVN. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động của các tàu thuyền làm rò rỉ nhiên liệu dầu mỡ. Tại một số khu vực như: Vịnh Hạ Long, biển Cần Giờ, bãi Trước, bãi Sau (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã phát hiện hàm lượng dầu mỡ khoáng.
“Tiếp tay” cho doanh nghiệp đầu độc môi trường?
Cảng Việt Trì được giao 154.961m2 đất sử dụng để hoạt động sản xuất kinh doanh như xây văn phòng làm việc, kho bãi, trạm cân, làm đường…, ngoài ra còn có 19 DN hiện đang thuê tài sản gắn liền với đất và thuê lại quyền sử dụng đất, trong đó có 1 DN thuê bãi, thuê đường ống nước và nghiền tuyển quặng là Cty Vương Anh và 2 đơn vị thuê mặt bằng là Cty Hoàng Linh và Cty Thương mại Quốc tế Thăng Long, còn lại thuê kho, bãi. Qua thanh tra khẳng định, Cảng Việt Trì đã không sử dụng hết diện tích đất được giao cho thuê để thực hiện dự án và các ngành nghề kinh doanh theo.
Không chỉ để xảy ra sai phạm trong việc cho thuê đất, Cảng Việt Trì còn để các DN xả nước thải vượt tiêu chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 2 đến dưới 5 lần trong trường hợp thải lượng nước thải dưới 5m3/ngày; công tác vệ sinh môi trường chưa tốt, trong khuôn viên Cảng còn phát tán nhiều bụi; không thực hiện đầy đủ các chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định….
Mặc dù đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp gia hạn giấy phép xả nước thải vào nguồn nước nhưng đến thời điểm thanh tra giấy phép xả thải đã hết hạn nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấp phép. Kết luận của Thanh tra Sở TN&MT cũng yêu cầu tháo dỡ hoặc có biện pháp xử lý đối với đường cống xả nước thải của Cảng cho Cty CP Vương Anh thuê, xong trước 10-12-2015 và khẩn trương làm việc với Ban quản lý các dự án đường thủy phía Bắc- Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để được bàn giao đưa hệ thống xử lí nước thải vào vận hành và chấp hành đúng các quy định pháp luật về môi trường hiện hành.
Thực tế, hiện nay, đường ống dẫn nước thải từ hoạt động chế biến quặng của Công ty Vương Anh ra thẳng sông Lô, cách bờ khoảng 2m và cạnh điểm xả ở giữa của Cảng Việt Trì vẫn hoạt động bình thường. Ngoài ra, trong Cảng còn xuất hiện thêm điểm xả thải từ việc chế biến quặng của Công ty Đại Phát. Lãnh đạo Thanh tra Sở TN&MT Phú Thọ khẳng định, Sở đã nắm bắt phản ánh về việc các doanh nghiệp này tiếp tục hoạt động trong Cảng Việt Trì, đồng thời đã cử cán bộ đi lấy mẫu nước thải để kiểm tra. Theo nguyên tắc, khi đã có kết luận thanh tra yêu cầu chấm dứt hoạt động cho thuê nhưng không chấp hành là trách nhiệm của Cảng Việt Trì.
Vì sao cá sông Lô bị chết?
Những ngày gần đây, một số hộ gia đình nuôi cá lồng trên sông Lô, thuộc địa phận xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang phản ánh tới các cơ quan chức năng về tình trạng cá bị chết. Theo đó, ban đầu cá chết còn rải rác nhưng cao điểm là khoảng ngày 16 và 17/10 cá chết hàng loạt. Thống kê sơ bộ của các cơ quan chức năng thành phố Tuyên Quang, khu vực địa phận xã Tràng Đà có 17 hộ dân nuôi cá lồng có cá nuôi bị chết. Theo người dân phản ánh, từ đầu tháng 10, người dân phát hiện trên sông Lô có xuất hiện váng dầu và sau đó xuất hiện tình trạng cá chết rải rác mỗi ngày một vài con. Đến khoảng ngày 15-10 thì váng dầu xuất hiện dày đặc và lượng cá cũng bị chết nhiều hơn. Khi đó, các hộ dân nuôi cá lồng trên sông Lô đi tìm hiểu thì thấy lượng dầu tràn ra từ cống thoát nước của Cty CP xi măng Tân Quang, nằm ngay đầu nguồn khu vực các hộ dân nuôi cá. Hầu hết các hộ nuôi cá lồng ven sông Lô ở xóm 11 đều có cá bị chết từ khi xuất hiện váng dầu trên sông Lô.
Theo kết quả điều tra ban đầu của ngành chức năng địa phương, nguyên nhân cá chết có thể do hệ thống làm mát két dầu của trạm dầu nguyên liệu của Cty CP Xi măng Tân Quang bị thủng, nên dầu chảy theo nước làm mát chảy về bể tuần hoàn, rồi chảy qua bể lắng sau đó chảy xuống rãnh thoát nước của nhà máy và chảy ra sông Lô.
Green Farm Asia cố tình xả thải ?
Sáng 18/10, một số người dân ở xã Cư Knia (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) phát hiện dòng nước tại suối Ea Dier, khu vực gần trại heo của Cty Green Farm Asia có nhiều bất thường nên đã báo lên chính quyền địa phương. Qua kiểm tra, UBND xã Cư Knia phát hiện nguồn nước ở gần 10km suối Ea Dier chảy qua địa bàn xã có màu đen và có mùi hôi thối, khó chịu. Chính quyền xác định nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước tại suối là do trại heo của Cty Green Farm Asia đã xả thải trực tiếp ra môi trường. Theo ông Ngô Bá Gôn- Phó Chủ tịch UBND xã Cư Knia, sau khi trại heo này xả thải ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm dòng suối Ea Dier vào tháng 8 vừa qua, người dân và chính quyền địa phương đã tích cực theo dõi hoạt động của trại heo này.
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước không chỉ xảy ra ở xã Cư Knia mà còn kéo dài sang xã Đắk Đrông (huyện Cư Jút). UBND xã Đắk Đrông cũng thành lập đoàn công tác xuống kiểm tra thực tế tại suối Ea Dier đoạn chảy qua địa bàn.
Theo ông Trần Văn Thành- Chủ tịch UBND xã Đắk Đrông, qua kiểm tra thực tế, suối Ea Dier không chỉ bị ô nhiễm nguồn nước mà còn xuất hiện tình trạng cá chết. Ông Thành cũng khẳng định nguồn nước tại suối bị ô nhiễm là do trại heo của Cty Green Farm Asia đã xả nước thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường.
Vào giữa tháng 8 vừa qua, trại heo của Cty Green Farm Asia đã xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm suối Đắk Gan và suối Ea Dier, ảnh hưởng đến 3 xã: Nam Dong, Đắk Đrông và Cư Knia (huyện Cư Jút). Sau khi các ngành chức năng kiểm tra, UBND tỉnh Đắk Nông đã xử phạt Cty này tổng số tiền 427,5 triệu đồng vì các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường. UBND tỉnh Đắk Nông cũng yêu cầu Cty Green Farm Asia hoàn thành việc khắc phục ô nhiễm môi trường trước ngày 31/10/2016.
Trong thời gian khắc phục, Cty tuyệt đối không được xả nước thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường mà phải lưu giữ, xử lý trong các hồ chứa có lót đáy chống thấm. Trao đổi với báo giới, ông Đàm Quang Trung- Giám đốc Sở TN&MT Đắk Nông cho biết, hiện Cty Green Farm Asia vẫn chưa chấp hành nộp phạt theo Quyết định xử phạt hành chính của UBND tỉnh. Không những vậy, công ty này còn đề nghị UBND tỉnh gia hạn thời gian khắc phục đến tháng 12/2016. Hiện Sở TN&MT đã giao cho Chi cục Môi trường cùng Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường xuống kiểm tra, lấy mẫu nước phân tích.