Ngáng chân doanh nghiệp

Đăng Duy 25/04/2016 10:10

Doanh nghiệp là động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Điều đó ai cũng biết. Vì thế, tạo điều kiện để doanh nghiệp hình thành, phát triển một cách thuận lợi luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ. Trong nhiều năm qua, thường xuyên có các hội nghị Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của doanh nghiệp, qua đó tìm cách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển.

Ngáng chân doanh nghiệp

Thúc đẩy sự ra đời của nhiều doanh nghiệp mới,
đang là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ hiện nay.

Thế nhưng tạo cơ chế thuận lợi, tạo sự thuận tiện cho doanh nghiệp hoạt động mới chỉ được thể hiện mạnh mẽ ở cấp Chính phủ. Còn ở cấp bộ, ngành, địa phương, vẫn còn không ít những rào cản vô hình, ngáng chân doanh nghiệp, mà nổi cộm là giấy phép con.

Điều đáng buồn là câu chuyện giấy phép con không hề mới chút nào. Trong 30 năm đổi mới, doanh nghiệp đã thường xuyên phải vượt qua vô số “cửa ải” giấy phép con. Chính phủ luôn đặt mục tiêu chống giấy phép con cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Thế nhưng giấy phép con vẫn cứ trăm hoa đua nở. Kể cả khi Luật Đầu tư 2014 đã có hiệu lực, thì hàng ngàn giấy phép con trái luật vẫn tồn tại hay được ban hành mới, gây khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp. Cuối năm ngoái, Bộ KH-ĐT thống kê kết quả thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2015, phát hiện có 2.833 điều kiện kinh doanh được ban hành trái thẩm quyền.

Còn theo thông tin mới nhất từ ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện vẫn đang có gần 7.000 giấy phép con. Trong đó, khoảng một nửa là trái luật, nó được ẩn mình trong các thông tư. Mà theo quy định mới của pháp luật, thông tư do các bộ, ngành ban hành không được phép cản trở doanh nghiệp hoạt động.

Như vậy, có thể thấy cuộc chiến của Chính phủ chống lại giấy phép con trong nhiều năm qua vẫn chưa thành công, khi mà chính các bộ, ngành đang thường xuyên đẻ ra liên tiếp những giấy phép con, kể cả giấy phép con trái luật.

Các bộ, ngành thì như vậy. Còn ở các địa phương cũng “đẻ” ra không ít những quy định trái luật để trói chân doanh nghiệp và những cách hành xử mang nặng tính thể hiện quyền uy đối với doanh nghiệp khiến cho dư luận phải bức xúc, ngỡ ngàng.

Mà một vụ việc đang làm nóng dư luận cả nước là chủ quán cà phê Xin Chào ở huyện Bình Chánh (TP HCM) bị khởi tố bởi một vi phạm rất nhỏ là chậm đăng ký giấy phép kinh doanh. Đó là một vụ vi phạm nhỏ tới mức chính ông PGĐ Công an TP HCM phải thừa nhận trong một buổi họp báo là “nhỏ như móng tay”.

Lẽ ra với “cái móng tay” ấy, các cơ quan chức năng ở huyện Bình Chánh chỉ cần nhắc nhở, xử phạt hành chính là xong. Đằng này lại tiến hành khởi tố hình sự khiến cho một vụ việc rất nhỏ trở thành một chuyện lớn tới mức Thủ tướng Chính phủ phải có ý kiến yêu cầu các cơ quan chức năng có liên quan ở TP HCM kiểm tra vụ việc.

Và cuối cùng, như mọi người đã biết, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh đã phải đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông chủ quán cà phê Xin Chào. Công an TP HCM cũng tiến hành rút hồ sơ vụ khởi tố ông chủ quán cà phê này.

Ông chủ quán cà phê Xin Chào vậy là đã thoát khỏi một cái án oan. Nhưng từ vụ việc này, vẫn còn những điều đáng để suy ngẫm. Đó là tình trạng lạm quyền của cơ quan chức năng ở nhiều địa phương trong các vụ việc liên quan đến doanh nghiệp, khi sẵn sàng dùng quyền uy để xử ép doanh nghiệp, thậm chí hinh sự hóa những vụ việc rất nhỏ nhặt, hay nhẹ hơn là những hình thức sách nhiễu khác.

Chỉ riêng trong năm 2015, đã có gần 81.000 doanh nghiệp bị giải thể, hay gặp khó khăn nên phải tạm ngừng hoạt động. Đây là một con số rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế của cả nước.

Vì thế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động tốt, đồng thời tạo động lực thúc đẩy sự ra đời của nhiều doanh nghiệp mới, đang là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ hiện nay.

Điều này sẽ được thể hiện rõ trong buổi gặp gỡ doanh nghiệp do tân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào ngày 29/4 tại Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam – động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Những mục đích chính của Hội nghị đều nhằm tới việc thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam như tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp …

Quyết tâm của Chính phủ là vậy, nhưng nếu các bộ, ngành, địa phương không có quyết tâm tương tự, thậm chí vẫn tiếp tục cản trở hoạt động của doanh nghiệp bằng các giấy phép con, bằng những cách hành xử trái luật…, thì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mà xa hơn là nền kinh tế Việt Nam hãy còn lắm gian nan và khó đạt được như kỳ vọng của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngáng chân doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO