Ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI ) cho rằng trong 30 năm vẫn chưa phát triển ngành công nghiệp ô tô như ý muốn. Vì vậy, tại buổi toạ đàm Chính sách thuế và vai trò Hải quan thúc đẩy công nghiệp ô tô các nút thắt của ngành ô tô nước nhà tiếp tục được nêu ra.
Theo tính toán sơ bộ, tỷ lệ sở hữu ô tô tại Việt Nam khoảng 23 xe/1.000 dân. Xu thế ô tô hóa sẽ được dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người 3.000 USD và số xe trung bình trên 1.000 dân đạt 50 xe.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nói, so sánh với ngành công nghiệp ô tô của một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Phillipines… có thể nhận thấy ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam vẫn còn ở quy mô nhỏ.
Ở thị trường xe dưới 9 chỗ, số liệu thống kê năm 2018 cho thấy nếu Thái Lan tiêu thụ khoảng 1 triệu xe/năm, Indonesia tiêu thụ khoảng 1 triệu xe/năm, Malaysia là 593 nghìn xe/năm thì Việt Nam chỉ tiêu thụ khoảng 254 nghìn xe/năm.
Về quy mô sản lượng sản xuất, Thái Lan sản xuất khoảng hơn 2 triệu xe/năm thì Việt Nam chỉ sản xuất được 184 nghìn xe/năm. Về số lượng nhà cung ứng linh kiện, Thái Lan có hơn 2 nghìn nhà cung ứng trong khi Việt Nam chỉ có 276 nhà cung ứng.
Còn ông Lương Đức Toàn, Phó Trưởng phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết quy mô thị trường ảnh hưởng lớn đến ngành ô tô. Cụ thể để nội địa hóa một linh kiện thì một mẫu xe phải bán được 40-50.000 xe/năm.Như vậy, ở thị trường Việt Nam rất khó nâng tỷ lệ nội địa hoá.
Ông Toàn cũng chỉ ra, nguyên nhân là do sự chênh lệch về chi phí sản xuất và chi phí nhập khẩu linh kiện.
Bên cạnh đó là do nguyên vật liệu sản xuất linh kiện vẫn phải nhập khẩu. Năng lực cung ứng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà sản xuất. Chưa có các doanh nghiệp đầu tàu đứng đầu chuỗi công nghiệp hỗ trợ ô tô để dẫn dắt cả đoàn tàu.
Tuy nhiên, ở góc độ chính sách, giới chuyên gia cho rằng, cơ hội để phát triển ngành công nghiệp ô tô nước nhà đang rất lớn khi các chính sách ưu đãi liên tiếp được đưa ra.
Chẳng hạn, Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16-11-2017 của Chỉnh phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1-9-2016 của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, áp dụng thuế suất ưu đãi 0% với linh kiện ô tô mà trong nước chưa sản xuất được.
Nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô cũng được hưởng thuế 0%. Kèm với đó là các chính sách tín dụng, thuế trước bạ… để kích cầu tiêu dùng trong nước.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban chính sách VAMA cũng góp ý, muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô thì cần khắc phục những điểm yếu về quy mô thị trường nhỏ, thiếu ngành công nghiệp nguyên vật liệu. Đồng thời nâng cao trình độ kĩ thuật sản xuất và học hỏi thêm kinh nghiệm từ các nước.
Để làm được điều này, cần nhiều lực đẩy hơn nữa từ nhà nước để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo kịp các nước, rút ngắn quá trình cạnh tranh chi phí, thông qua việc hỗ trợ về thuế suất để giảm chi phí khấu hao. Số thuế đã được hoàn cho các doanh nghiệp là tương đối lớn, tuy nhiên vẫn chưa thu hẹp được khoảng cách từ 10-20% chênh lệch về chi phí với xe nhập khẩu.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, đến 15/10 cả nước nhập khẩu 73.685 xe ô tô các loại với tổng kim ngạch đạt 1,6 tỷ USD và trị giá nhập khẩu nhóm hàng linh kiện và phụ tùng ô tô đạt 2,86 tỷ USD.