Tại hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu”, do Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội, sáng 28/11, những bất cập liên quan đến phát triển ngành công nghiệp ô tô một lần nữa lại được giới chuyên gia mổ xẻ khá kỹ lưỡng.
Tỉ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô còn thấp.
Tỷ lệ nội địa hóa không như kỳ vọng
Theo báo cáo từ Bộ Công thương, tỷ lệ nội địa hóa một số dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước khá cao do khả năng cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nội địa được cải thiện trong thời gian qua. Các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, trung bình 50-55%. Tuy nhiên, vẫn cần phải thừa nhận một thực tế là, số nhà cung cấp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam không nhiều. Cụ thể, so với Thái Lan, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô vẫn còn rất ít. Thái Lan có gần 700 nhà cung cấp cấp 1, nhưng Việt Nam chỉ có chưa đến 100. Thái Lan có khoảng 1.700 nhà cung cấp cấp 2,3, trong khi Việt Nam chỉ có chưa đến 150.
Tỷ lệ nội địa hóa với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Theo đó, mục tiêu đến 2010 là 60% nhưng đến nay. Sau gần 1 thập kỷ nỗ lực, Việt Nam mới chỉ đạt bình quân khoảng 7-10%; trong đó, Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% với riêng dòng xe Innova, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia...
Lý giải nguyên nhân vấn đề này, ông Phạm Tuấn Anh, Cục phó Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cho hay, dung lượng thị trường trong nước còn nhỏ do ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam chưa đủ các điều kiện về thị trường cũng như các yếu tố khác để phát triển như các quốc gia trong khu vực, chưa đảm bảo quy mô công suất sản xuất kinh tế đối với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; trong khi đó thị trường xuất khẩu phải chịu sự cạnh tranh gay gắt, đặc biệt từ Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN. Ngoài ra, ông Tuấn Anh cũng thừa nhận, hệ thống chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô còn có những mâu thuẫn, thiếu nhất quán, thiếu tính ổn định; xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô vẫn còn chưa mang lại hiệu quả...
Cần chính sách tạo điều kiện nâng sức cạnh tranh
Theo các chuyên gia trong ngành, khó khăn lớn nhất của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là quy mô thị trường nhỏ bé, sản lượng thấp. Đơn cử, sản lượng của xe Vios sản xuất tại Việt Nam chỉ bằng 1/8 Thái Lan. Điều này khiến chi phí sản xuất tại Việt Nam bị đội lên, cao hơn các nước trong khu vực, đặc biệt là chi phí khấu hao, dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp. Ngoài ra, do sản lượng còn quá nhỏ, nên các nhà sản xuất phần lớn phải nhập khẩu các linh kiện để sản xuất ô tô. Điều này cũng dẫn đến chi phí rất cao cho việc đóng gói, vận chuyển, thuế nhập khẩu…
Đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô VAMA cho hay, sản lượng ngành công nghiệp ô tô là rất quan trọng để phát triển các nhà cung cấp. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020, đặt số lượng ô tô có thể lên mức 500.000 xe. Đây là một thông tin rất tốt cho các nhà sản xuất tại Việt Nam, bởi khi dung lượng lớn hơn, sẽ kéo theo công nghiệp phụ trợ phát triển...
Các ý kiến chuyên gia đều chung quan điểm rằng, để phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với ngành công nghiệp ô tô, yếu tố quan trọng nhất là Việt Nam phải có ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phát triển, như vậy mới có thể mở ra cơ hội thị trường cho các DN công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp cuối cùng.
Trước những yêu cầu đối với sự phát triển ngành công nghiệp ô tô trong thời gian tới, bà Đỗ Thu Hoàng, Phó tổng giám đốc Toyota Việt Nam cho rằng: “Chính phủ cần sớm đưa ra các chính sách thúc đẩy thị trường ô tô tăng trưởng ổn định và dài hạn. Các chính sách về thị trường cần đảm bảo sự công bằng, minh bạch và có thời gian hợp lý để các doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch kinh doanh”.
Theo đại diện lãnh đạo Cục Công nghiệp - Bộ Công thương, Chính phủ có thể xây dựng các chính sách cho vay ưu đãi để người tiêu dùng có thể mua ô tô trong nước nhằm kích cầu tiêu dùng cho ngành sản xuất ô tô nội địa, theo kinh nghiệm của một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia. Ngoài ra, trong bối cảnh hàng rào thuế quan bảo hộ ngành ô tô được gỡ bỏ theo các FTA hiện nay, Bộ Tài chính thời gian tới có thể nghiên cứu, báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung các đạo luật về thuế, phí nhằm tăng khả năng cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách chi phí sản xuất giữa ô tô trong nước và ô tô nhập khẩu.