Mặc dù có nhiều thành tựu trong năm 2018, song ngành chế biến gỗ xuất khẩu vẫn đang ẩn chứa nhiều rủi ro. Giới chuyên gia trong ngành cho rằng, ngành gỗ cần có những chính sách định hướng đúng đắn để có hướng đi phù hợp, đặc biệt trong mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu thay vì việc chạy theo số liệu xuất khẩu.
Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam năm 2018 đạt 8,5 tỷ USD, tăng 14,5% (tương đương 1,07 tỷ USD) so với kim ngạch năm 2017. Năm 2018, giá trị xuất khẩu viên nén tăng gấp 2 lần, dăm gỗ tăng 1,2 lần, gỗ dán/gỗ ghép tăng 1,7 lần so với năm 2017. Các thị trường xuất khẩu đến vẫn là những thị trường tiềm năng: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu.
Nhận định về diện mạo chung của bức tranh ngành gỗ năm 2018, ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch VIFORES cho rằng, Chính phủ Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện (FLEGT VPA) với Liên minh châu Âu (EU) tạo ra cơ hội lớn cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới. Tuy nhiên, xuất khẩu sẽ chỉ bền vững khi các rủi ro hiện tại về nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào trong chuỗi cung ứng được loại bỏ hoàn toàn.
Nhiều ý kiến cùng chung nhận định rằng, mặc dù đang có sự tăng trưởng mạnh, song ngành gỗ vẫn còn những rào cản nhất định cần phải tháo gỡ. Theo VIFORES , các yếu tố tạo nên sự thiếu bền vững của ngành gỗ thể hiện trên khía cạnh về chủng loại xuất khẩu và nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào trong sản phẩm xuất khẩu. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm gỗ nguyên liệu, đặc biệt là dăm gỗ, gỗ tròn, gỗ xẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Giới chuyên gia cho rằng, nhà quản lý cần thận trọng hơn trong việc ban hành chính sách, quy hoạch vùng nguyên liệu và quan trọng hơn là cần nhìn nhận rõ những điểm mạnh, hạn chế để biến cơ hội thành thành quả và có bước tiến kinh tế vững chắc hơn trong tương lai. Một điểm yếu của Việt Nam đó là, chúng ta mới khai thác được phần cứng là giá trị từ gỗ mà chưa khai thác được các giá trị vô hình như hàm lượng tri thức, thương hiệu, mẫu mã vào sản phẩm. “Nếu chúng ta khai thác được các yếu tố này sẽ tạo điều kiện cho ngành gỗ Việt Nam thăng hoa” – ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Chế biến gỗ TPHCM nhận định.
Có thể khẳng định, với những bước đi khá vững chắc thời gian qua, ngành gỗ cũng đã có những thành tựu đáng kể, song, hiện nay, nguồn gỗ nội địa là điều chúng ta cần quan tâm. Nếu chúng ta có xuất khẩu lớn, nhưng không giữ lại được nguồn nguyên liệu thì cũng chắc chắn việc xuất khẩu sẽ thiếu bền vững, điều này đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến câu chuyện giữ thị trường, nhưng quan trọng hơn việc nâng sức cạnh tranh, thúc đẩy nội lực. Bởi vậy, giới chuyên gia cho rằng, ngoài việc quy hoạch về vị trí, diện tích những vùng nguyên liệu, Việt Nam cần có quy hoạch cả về mặt giống đủ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của ngành chế biến gỗ.