Chính trị

Ngày 15/1/2024, dự kiến khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội

H.Vũ 19/12/2023 07:39

Chiều 18/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tổng kết kỳ họp thứ 6; kỳ họp bất thường lần thứ 5, bước đầu chuẩn bị kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV.

anh-bai-tren.jpg
Phiên họp ngày 18/12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nguồn: quochoi.vn

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên cả 3 lĩnh vực: lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; tiếp tục đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn. Quốc hội đã thông qua 7 luật, 9 nghị quyết, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 2 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác; lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội và bước đầu chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, theo ông Cường, tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sang kỳ họp gần nhất và giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Căn cứ quy định nêu trên, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị, trên cơ sở xem xét chất lượng chuẩn bị, nếu hồ sơ tài liệu đủ điều kiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng thì đề nghị trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 những nội dung như: xem xét thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nếu đủ điều kiện; xem xét thông qua Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; xem xét, thông qua Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn (nếu có).

Dự kiến kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội họp 3 ngày, khai mạc vào ngày 15/1/2024. Còn kỳ họp thứ 7 khai mạc vào 20/5/2024, dự kiến bế mạc 26/5/2024. Trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung một số dự án Luật Chính phủ đề nghị vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thì thời gian tiến hành kỳ họp sẽ tăng thêm từ 1 đến 2 ngày, dự kiến bế mạc chậm nhất vào ngày 28/6/2024.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, kỳ họp bất thường lần thứ 5 nên tập trung vào 4 nội dung chính như: dự án Luật Đất đai sửa đổi, dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi; nghị quyết về 3 chương trình mục tiêu quốc gia; các vấn đề về tài chính ngân sách. Còn lại thì để sang kỳ họp thứ 7.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần quyết tâm cố gắng tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 cho ý kiến về dự án Luật Đất đai sửa đổi, dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, và Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Bởi đây đều là những vấn đề đồng bào, cử tri rất quan tâm mong đợi.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, nên cố gắng họp kỳ họp bất thường để xem xét thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi, và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Phát biểu bế mạc phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, cần tập trung cao độ cho kỳ họp bất thường lần thứ 5, nhất là dự án Luật Đất đai sửa đổi, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Tại phiên họp, với 100% biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (gồm các dự án: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày 15/1/2024, dự kiến khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội