Tôi trở về vùng quê ấy, ngắm nhìn khung cảnh làng quê đang vào mùa, nhắm mắt lại hít một hơi thật sâu, cảm nhận được cái mùi hương quen thuộc lan tỏa xung quanh.
Nó giống như một dòng năng lượng chạy trong cơ thể đem lại cho con người ta cảm giác gần gũi, một mùi hương man mác quen thuộc mà chỉ những người con sinh ra từ làng mới có thể cảm nhận được. Mùi hương ấy mang tên “hương lúa”. Trong khoảnh khắc đắm chìm trước khung cảnh ấy, tâm hồn lâng lâng trước làn gió mang theo mùi thơm của lúa chín, tôi nhớ về những ngày thơ ấu, cùng cha ra đồng thu hoạch vụ mùa.
Tờ mờ sáng, tiếng gà gáy báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Ở phía đằng đông chân trời mang một màu ửng hồng thật đẹp. Mẹ tôi đang vội gói những củ khoai vừa chín tới vẫn còn nghi ngút khói. Từ góc bếp, bố lấy ra một chiếc xe đạp thồ, tôi hớt hải chạy theo, leo lên xe để bố chở ra đồng. Khắp mọi nẻo đường đã tấp nập người qua lại, người người nhà nhà nườm nượp kéo nhau đi gặt. Tiếng bước chân lạo xạo trên đất cát, tiếng xe bò chạy rầm rập, tiếng người ta bàn tán, nói chuyện với nhau về vụ mùa năm nay...
Mặt trời bắt đầu lên cao, cái nắng cũng dần gay gắt hơn, người nào, người nấy mồ hôi nhễ nhại, ai cũng hối hả, nhanh tay gặt cho xong còn mang thóc về phơi. Tôi phụ mẹ gặt lúa, tiếng liềm của mẹ “xoẹt xoẹt” mỗi lúc một nhanh. Những bông lúa được xếp đều tăm tắp, thẳng hàng đặt trên những gốc rạ lởm chởm vừa mới cắt. Từ trên bờ, bố chạy xuống xếp lúa thành từng bó rồi mang lúa lên xe chở về nhà.
Cứ như vậy, từng chuyến từng chuyến nối tiếp nhau. Lúa được chở về, xếp đầy trước ngõ để đợi máy tuốt đến. Trong lúc chờ đợi, tôi chạy vào nhà cầm nào thúng, mẹt, lúc thì cái sàng, cái nia,... để chuẩn bị cho công đoạn tuốt thóc. Trời mùa hạ nắng như thiêu đốt, dù đã thấm mệt nhưng ai cũng cố gắng làm cho xong để tranh thủ phơi chút nắng trưa.
Từ ngoài ngõ vọng vào tiếng “phành phạch” của máy tuốt xen lẫn tiếng cười, tiếng gọi của mọi người. Vội chạy ra ngoài tôi đã thấy bố bê từng đon lúa cho vào máy tuốt, lúa cho đến đâu, ở dưới thóc ra đến đó, bên kia đường, máy đã nhả đầy rơm, chất thành một đống cao gần bằng mái nhà.
Mẹ đứng ngay cạnh đống lúa vừa tuốt, cào những cọng lúa còn sót lại, ở bên này, tôi xúc và chuyển những thúng thóc cho nội để nội mang đổ phơi trước sân nhà. Cứ như vậy, mỗi người một việc luôn tay luôn chân không lúc nào nghỉ. Dường như khi nhìn thấy thành quả lao động được gặt hái, mọi người lại càng hăng say làm việc hơn và quên đi cái mệt mỏi, nóng nực.
Ngày mùa, từ làng trên đến xóm dưới nhà nào cũng thóc vàng đầy sân. Ngoài đường, rơm rạ phơi ngổn ngang khắp mọi nẻo đường, phủ kín các triền đê. Tôi cùng lũ trẻ trong xóm thi nhau nô đùa nhộn nhịp, chúng tôi chơi trốn tìm, leo trèo, nấp sau những đụn rơm đến nỗi rơm, rạ dính hết lên quần áo, đầu tóc. Chiều chiều lại rủ nhau chạy ra đồng, cánh đồng trải dài, như được dát vàng giờ đây chỉ còn sót lại những gốc rạ, đụn rơm đang cháy...
Hoàng hôn dần buông xuống, nơi góc bếp nhà nào nhà nấy tỏa ra những ống khói trắng vẫn còn thơm mùi rạ. Từ đầu làng, mùi cơm mới đã đưa lại thơm phưng phức mà xao xuyến...
Những hạt gạo trắng ngần, tỏa ra mùi thơm dịu mà ít ai biết ẩn sau những hạt cơm hạt gạo ấy là những giọt mồ hôi, sự vất vả của những người nông dân ngày đêm bán mặt cho đất bán lưng cho trời...
Trở lại nơi phố thị phồn hoa, tôi không quên đem theo chuỗi ký ức của một thời thơ ấu. Giữa những bộn bề của cuộc sống, nhắm mắt lại cho những ký ức nơi chốn thanh bình ấy ùa về, hình ảnh cánh đồng vàng nặng trĩu những bông lúa, thoảng trong gió chút hương của đồng nội...