Xã hội

Nghề làm kiểng thú Tết vào mùa

Đoàn Xá 29/10/2024 10:01

Là một trong những nghề độc đáo nhất của làng hoa cây kiểng Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), nông dân làm nghề uốn cây kiểng để tạo thành hình các loài linh vật, hình trang trí… (gọi là kiểng thú) đang tất bật vào mùa. Điều khác lạ so với vài năm trước mà một số vựa kiểng thú cho biết là hình linh vật con giáp của năm lại không phải thứ được khách hàng chọn lựa nhiều nhất.

anhbaiduoi(2).jpg
Ông Trần Văn Thoại lựa cây để uốn linh thú. Ảnh: Đ.Xá.

Nghề làm kiểng thú ở huyện Chợ Lách nằm rải rác ở các xã như Vĩnh Thành, Vĩnh Hòa, Tân Thiềng hay Hưng Khánh Trung A, Hưng Khánh Trung B… với hàng chục vựa cùng rất nhiều công nhân tham gia. Anh Nguyễn Văn Vinh, 46 tuổi, chủ một vựa tạo hình kiểng thú ở xã Vĩnh Thành cho biết, anh làm nghề nay chừng 15 năm trở lại đây.

“Tôi bắt đầu nghề làm kiểng thú cũng do cơ duyên. Trước kia tôi chỉ trồng hoa cây kiểng để bán. Nhưng vì có niềm đam mê cắt tỉa, uốn ép tạo hình nên làm như thú vui. Ai dè nhiều khách hàng tới thấy đẹp, rồi đặt mua. Dần dần tôi chuyển qua hẳn nghề này, không trồng hoa kiểng nữa. Những hình dáng chủ yếu mà vựa tôi uốn là theo nhu cầu của khách hàng, trong đó có hình con thú quen thuộc như trâu, bò, ngựa hay thậm chí cả khủng long, rồng... cũng như hình lộc bình, quả cầu, hình tách trà, bông sen... Cũng như nghề trồng hoa cây kiểng, mấy tháng cuối năm vựa tôi cũng nhận được nhiều đơn hàng của khách nhất” - anh Vinh kể.

Theo anh Vinh, điều khác biệt vài năm trở lại đây mà bản thân anh nhận thấy là khách hàng không quá chuộng tạo hình con vật theo năm. Nếu như các năm trước là năm Ngọ (con ngựa), năm Thìn (con gà), năm Tý (con chuột), năm Sửu (con trâu)… thường được đặt nhiều thì giờ nhu cầu khách hàng đã khác.

“Ngoài chuyện hình thú kiểng ở các địa phương thường bị cộng đồng mạng chê tơi tả vào dịp Tết như con rồng, con mèo… khiến cho những khu công viên, khu vui chơi giải trí, đường hoa kiểng… không quá mặn mà với thú kiểng linh vật của năm đó. Hơn nữa, nhiều nơi họ thích tạo hình các con vật hay hình dáng vui nhộn, theo sở thích riêng chứ không bó buộc năm Thìn thì phải tạo hình rồng, năm Tỵ thì phải tạo hình rắn. Như vựa của tôi năm nay có hơn 30 đơn hàng thì mới có 5 đơn là tạo hình cặp rắn cho Tết Ất Tỵ, còn lại là tạo hình lộc bình, hình quả cầu và cặp khủng long” - anh Vinh kể thêm.

Ngoài ra, anh Vinh cũng tỏ ra ngần ngại khi chụp hình linh vật năm Ất Tỵ (tức hình con rắn) vì chưa hoàn chỉnh và cũng sợ bị cộng đồng bình luận trái chiều. Bởi dù có tay nghề cao, làm chăm chút tới đâu nhưng hình dáng những con vật từ các cây lá chỉ ở mức độ giống vừa phải, dễ tạo ra các bình luận không hay.

Được biết, do có nhiều đơn hàng với những hình dáng và kích cỡ phức tạp, yêu cầu tính thẩm mỹ cao nên thời gian này anh Vinh phải thuê thêm 3 người nữa để phụ việc, chủ yếu là uốn khung thép, cắt tỉa cây lá. Bởi việc tạo hình thú kiểng, ngoài làm sao cho giống với yêu cầu của khách thì phải duy trì sự sống, sự phát triển của cây sau khi tạo hình.

Trong khi đó, đang lúi húi sắp xếp lại hàng chục cây gừa (còn gọi là cây xanh) có chiều dài chừng 5 - 6m, anh Trần Văn Thoại, 50 tuổi, một công nhân ở đây cho biết, các cây để tạo hình linh thú này có đặc điểm thân gỗ mềm dễ uốn, lá nhiều, dễ phát triển.

“Đang có khách ở huyện Bình Chánh đặt 5 chậu kiểng hình hoa sen cao 1 mét rưỡi nên chúng tôi đang tạo hình. Vì cây kiểng có thể sống và phát triển trong nhiều năm nên đặt các hình như hoa sen, ấm trà, ngôi nhà… sẽ không bị “cũ” như hình linh vật con rồng, con rắn. Mấy năm gần đây, dù là Tết nhưng khách cũng đặt các hình theo nhu cầu riêng chứ không bó buộc linh thú của năm nữa. Uốn khung thép này xong thì ghép cây gừa vào khung, lấy dây mỏng buộc lại. Sau đó đưa vào vườn sau để chăm sóc, cho cây sống khoẻ thì mới giao cho khách được” - anh Thoại vừa kể, vừa chỉ tay ra phía sau vườn.

Theo đó, tại khu đất trống phía sau, chúng tôi thấy có vài chục hình cây kiểng đã tạo xong, đủ các hình dáng và khá giống với mẫu thật. Nhưng theo anh Thoại, một số loại linh thú hiện nay còn được trang trí thêm để chúng sinh động, chứ không đơn thuần chỉ là uốn ghép bằng khung thép. Như mấy cặp rắn hổ mây thì tạo hình cây xanh xong, lúc gần Tết giao cho khách sẽ được gắn thêm những tấm nhựa tạo hình mắt, miệng hay đuôi… để chúng sinh động và chân thật hơn.

Dọc theo quốc lộ 57 những ngày này, chúng tôi bắt gặp hàng chục vựa tạo hình kiểng thú của nông dân với rất nhiều các hình dáng đẹp, lạ và độc đáo nhưng cũng không kém phần tinh xảo. Theo một số chủ vựa tạo kiểng thú khác ở xã Sơn Định (huyện Chợ Lách), từ trước Tết vài tháng là đã phải tạo hình cho cây. Bởi sau khi uốn, cắt thì cây sẽ mất một thời gian để thích nghi với hình dáng mới trước khi phát triển và hình thành dáng hình tự nhiên.

Khi cây đã phát triển trong hình dáng mới, các vựa sẽ bắt đầu cắt tỉa để không bị mất đi hình dáng đã kỳ công tạo lên. Việc cắt tỉa này là thường kỳ, tuỳ theo sự phát triển tự nhiên của cây, nhưng thường cứ 2 - 3 tuần phải tỉa một lần để duy trì hình dáng đã tạo được. Lúc này, các cây kiểng sẽ duy trì hình dạng tự nhiên mới sau khi tạo hình và có thể giao cho khách hàng. Sau đó, cây có thể đem tới vùng đất mới trồng mà vẫn giữ được hình dáng đã tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghề làm kiểng thú Tết vào mùa