Từng tham gia nhiệt thành vào các hoạt động nghệ thuật sôi nổi tại Hà Nội với một số tác phẩm “Cổng vạn tuế”, “Cháo hành”, “Nhân duyên”, “Bình đẳng”, “Sự xâm lấn”…, đột nhiên, nghệ sĩ Karma Hương rời khỏi nơi ồn ào đô hội với sự bản năng dẫn dắt để vào sống trong một ngôi chùa. Hành trình rèn luyện tinh thần, xa dần bản ngã để đạt được sự vô ưu bắt đầu, - một thử thách lớn trong đời mà Karma Hương phải vượt qua.
Từ khi học cấp hai, Karma Hương (tên thật là Nguyễn Hường, quê Thái Bình) luôn suy nghĩ về việc sau này mình sẽ làm gì. Vốn yêu thích nghệ thuật nên Karma Hương đi học về sư phạm mỹ thuật, nhưng con đường ấy không đủ thỏa mãn cá tính bản thân, vì vậy chị lại đi học về thiết kế thời trang. Nhưng tốt nghiệp ra trường, chị vẫn cảm thấy đây không phải là con đường mình cần phải đi.
Trong một lần đi cùng bạn xem nghệ thuật đương đại, Karma Hương đã cảm thấy được đang cần gì: “Nghệ thuật đương đại cho tôi sự tự do biểu đạt, cảm giác như không có giới hạn, tư tưởng, triết lý, giá trị sâu sắc… Những lớp triết học được ẩn đằng sau ngôn ngữ, màu sắc, âm thanh, hình thể khiến tôi mang cảm giác hạnh phúc”.
Giai đoạn ấy với Karma Hương, chị giống một đứa trẻ lần đầu được thả vào khu vui chơi, nhìn gì cũng háo hức, muốn làm nhiều thứ, muốn thử nghiệm các loại hình nghệ thuật: “Tôi thích thách thức những giá trị xưa cũ, những giới hạn mà trước đó mình không thể làm”.
Khi tham gia triển lãm nhóm tại Viện Goethe Hà Nội, Karma Hương nhận ra tác phẩm của chị chưa được trọn vẹn như mong muốn. Nhưng đó vẫn là một dấu mốc thành công cho sự khởi đầu để chị đi tiếp để học hỏi: “Theo đuổi con đường nghệ thuật đương đại tôi cần trang bị cho mình tri thức và các kĩ năng cần thiết để có thể đi một con đường dài. Quyết định được đưa ra là phải ném mình vào một môi trường mới và thế là tôi đi TP Hồ Chí Minh cùng cô bạn trên một cái xe máy”.
Nhiều người bạn ngạc nhiên, nhất là gia đình không hiểu vì sao Hương lại vào chùa sống. Chị vào làm việc tại TP Hồ Chí Minh trong 3 năm đầu, và thấy mình không có nhiều thay đổi khi bản thân cần những giá trị sâu sắc hơn. Một lần, gặp sư bà tại chùa, sư bà nói, nếu mệt con có thể vào chùa sống. Sau đó, có một chị trong chùa rủ Hương vào. Khi xin sư bà vào chùa để bắt đầu nhịp sống mới, Karma Hương đã nghĩ, chùa sẽ là nơi thay đổi nhận thức, chị sẽ tìm thấy giá trị cuộc đời mình ở đây.
Những ngày đầu ở chùa, Hương học cách dậy sớm, thay nước cúng, quét sân, các nghi thức tụng kinh, tụng chú, chuẩn bị các công việc khi chùa có lễ, học cách cư xử các mối quan hệ, học trật tự nguyên tắc:
“Giai đoạn đầu khá khó khăn cho tôi, vì tính cách yêu tự do, từ nhỏ gia đình cũng chiều nên tôi hay thích làm gì thì làm đó. Tính tôi cũng ít khi quan sát người khác, không quan tâm nhiều đến xung quanh. Vào chùa tôi học bài đầu tiên là luật lệ. Tôi như bị nhốt trong cái lồng của những quy tắc. Rất nhiều lần tôi định bỏ cuộc, hay thôi mình lại ra khỏi chùa và sống bình thường tự do, nhưng tôi biết, nếu tôi không học bài học này tôi sẽ không thể thay đổi gì cả. Dần dần tôi cũng chấp nhận và hòa hợp được cuộc sống ở đó”.
Vào chùa sống, là bước ngoặt lớn nhất của cuộc đời Hương. Chị nhớ câu sư bà dặn: “Người tu giống như đi trong sương, đi lâu sẽ ướt áo”. Thời gian trôi đi, tôi thay đổi dần như viên đá cuội bên bờ suối được gột rửa dần lớp đất đá bụi bặm. Tính tôi sau này điềm đạm hơn, bớt chiến đấu, bớt cãi nhau, bớt lộn xộn. Tôi biết quan tâm đến người khác, hiểu ra quy luật của các mối quan hệ. Tôi hiểu sâu hơn về kiếp con người, về những giá trị về tâm thức”.
Với Hương, chùa là nơi để sửa đổi chính mình. Chị mong cầu trí tuệ từ những lời dạy của Đức Phật nên không có suy nghĩ vào chùa để “lánh đời “. Tu tập với Hương khó nhất là sửa tính cách nóng nảy: “Vốn dĩ tôi là người hay dễ giận, dễ cãi nhau và giận lâu, nhiều lúc rất khó để tha thứ những ai làm mình buồn. Sau này khi đọc nhiều hơn sử dụng các cách thức thiền, học hỏi các phương pháp về chữa lành, tôi cân bằng hơn. Cái khó lớn nhất với tôi là sự yêu tự do và ngại nguyên tắc nhưng trong quá trình tu tập tôi dần hiểu ra mọi thứ đều có quy luật mình tuân thủ theo quy luật thì mình sẽ có được sự tự do thực sự. Tự do bên trong mới là quan trọng”.
Sau thời gian dài sống trong chùa, Hương từng suy nghĩ sẽ xuống tóc đi tu. Chị nói, cần có những chuẩn bị, nếu không có gì thay đổi sau 55 tuổi, Hương sẽ chọn con đường tu tập hoàn toàn .
Thời gian này, ngoài thời gian sống trong chùa, Hương làm công việc chữa lành tinh thần con người bằng tiếng chuông. Đồng thời, chị vẫn làm các tác phẩm nghệ thuật đương đại: “Đó là một con đường dài, nên tôi vẫn làm và chờ đợi khi nào đủ chín, đủ duyên sẽ cho ra mắt”.