Khi các show truyền hình thực tế nở rộ như hiện nay, việc mời nghệ sĩ tham gia sẽ đảm bảo sức hút và sự cạnh tranh trên sóng, đồng thời cũng mang đến cho khán giả những cơ hội gần hơn với người mình hâm mộ. Chỉ có điều, các nghệ sĩ tham gia chương trình truyền hình thực tế nên nhớ đây cũng là một trò chơi. Đừng thực tế quá đến mức khán giả phải thốt lên: “thực tệ”.
Hồn nhiên như đi chợ
Khán giả truyền hình đang cảm thấy khó chịu, thậm chí đặt câu hỏi: “Nghề người mẫu là thế này sao? Ai còn dám cho con làm người mẫu nữa”? khi liên tiếp trong các tập phát sóng gần đây, chương trình Vietnam’s Next Top Model phô diễn những màn “động khẩu”, thậm chí cả “động thủ” của các thí sinh.
Đáp ứng nhu cầu thời thượng và đồng thời cũng để cải tiến cho khác lạ, hai đội Team Sang và Team Ảo được thành lập, tất nhiên với mục đích để các thí sinh trong hai đội cạnh tranh với nhau. Song, cạnh tranh về nghề nghiệp chưa thấy, chỉ thấy những chuyện vụn vặt sinh hoạt, cá nhân được “lên sóng”.
Các thí sinh cãi vã, mắng chửi nhau, đánh nhau gãy cả mũi đến mức không thể đời thường hơn nữa. Và đến đỉnh điểm, khi thí sinh Kikki Lê tạt nước vào thí sinh Nguyễn Hợp thì nhiều người đã không chịu đựng nổi về lối ứng xử hồn nhiên, thiếu văn hóa như ngoài đường, ngoài chợ chứ không phải đang trên sóng truyền hình cho hàng vạn người xem của những cô gái trẻ.
Dù vậy, họ còn đáng được thông cảm hơn những nghệ sĩ đã cứng cỏi, nhiều va đập cuộc sống và nghề nghiệp, được đứng ở vai trò cầm cân nảy mực. Thầy nào trò nấy, đương nhiên rồi, khi mà giám khảo Nam Trung và Võ Hoàng Yến luôn dành cho nhau những lời “có cánh”.
Không chỉ mỉa mai, khích bác nhau với những giọng điệu chua ngoa, nhấn nhá, đanh đá, thái độ của Nam Trung dành cho Hoàng Yến còn vượt xa cả đối địch mà như là hằn học, bực dọc. Thậm chí, anh còn đuổi Võ Hoàng Yến ra ngoài. Hơn nữa, anh còn khuyến khích thí sinh Cao Ngân “bày tỏ cảm xúc cá nhân” khi cô này hỗn hào, quát giám khảo Hoàng Yến của mình rằng: “Chị im đi”.
Sự sắc sảo, hoạt ngôn của những chuyên gia trang điểm, người mẫu, nghệ sĩ nổi tiếng một mặt khiến người ta vui tai, nhộn trò nhưng một mặt cũng trở thành con dao gọt phăng đi nét văn hóa trong người họ. Hay trong chương trình The Face, các huấn luyện viên (HLV) Hoàng Thùy, Lan Khuê, Minh Tú phô diễn nhiều màn “chặt chém” cá nhân thay vì chú tâm vào chất lượng chuyên môn của các thử thách cũng như thí sinh.
“Nhập vai” đến mức Minh Tú sẵn sàng dẫn học trò của mình hùng hổ đến “hỏi chuyện” Lan Khuê khi cô này cả gan loại học trò của mình. Thay vì chất vấn nhau về chuyên môn, tại sao lại loại thí sinh thì họ lại “dọa dẫm” nhau rất chợ búa: “Cứ chờ đã, bôi cái môi thâm đó rồi hãy nói chuyện với chị”.
Ở các tình huống khác, nghệ sĩ cũng làm khán giả khó chịu như Trúc Nhân luống cuống đến mức gọi nghệ sĩ Hoài Linh là “thằng”, Hương Giang Idol khăng khăng đoán Trung Dân “đút đầu vô cầu tiêu”, Tiết Cương bảo nghệ sĩ khác vội đội “cái Lờ” lên đầu, Trang Trần bức xúc là chửi thề liên mồm…
Trước đó, đến cả những người nổi tiếng là khéo léo như Đàm Vĩnh Hưng cũng không kiềm chế được mà phản pháo lại Nguyễn Ánh 9 rằng ông là “kịch sĩ”, “ngụy quân tử” khi nhạc sĩ lớn tuổi nhận xét về giọng hát của mình.
Người ta nể Trấn Thành vì khả năng tấu hài và “bắn như súng máy” của mình. Tuy vậy, “người khôn nói lắm cũng nhàm”, không ít lần Trấn Thành bị lên án khi quá trớn hoặc vô lễ với các nghệ sĩ khác trong khi diễn hoặc dẫn. Kết cuộc là anh đã bị Đài Truyền hình Vĩnh Long “cấm sóng” vì lối diễn “nhảm, tục”.
Tại các gameshow khác như Chết cười, Bí mật đêm chủ nhật, Tuyệt chiêu siêu dẫn, Lớp học vui nhộn các nghệ sĩ như Hồng Đào, Vân Sơn, Long Nhật, các sao tuổi teen… cũng khiến khán giả bực mình vì dùng các ngôn từ nhí nhố, thậm chí động tác gợi dục, ôm hôn để tạo tiếng cười gượng gạo, nhạt nhẽo. Hay tại “Tình bolero hoan ca” lại lôi kéo sự chú ý của khán giả bằng những bí mật hậu trường chẳng mấy vui vẻ, hay ho gì của các ca sĩ Hà My, Yến Xuân, Lệ Thi…
Mọi cuộc chơi đều có điểm dừng
Vẫn biết, trong thời buổi gameshow nhan nhản, mở tivi ra là gặp truyền hình thực tế như hiện nay thì các nhà sản xuất buộc phải nghĩ ra các chiêu trò để hút khách. Nhưng việc “phối hợp diễn xuất” của các nghệ sĩ tham gia đến đâu lại phụ thuộc vào trình độ văn hóa, khả năng chịu chơi và quan niệm của mỗi người. Dù vậy, cuộc chơi nào cũng là cuộc chơi và nên có điểm dừng.
Nghệ sĩ muốn sau chương trình đó mình nổi tiếng một cách bền vững hay vẫn giữ được vị thế, tên tuổi của mình thì đừng thể hiện nguyên bản con người của mình một cách thiếu văn hóa mà cần phải biết điều chỉnh, tiết chế, đúng theo ý đồ của nhà sản xuất nhưng đồng thời cũng phải “diễn ngọt”, hoàn thành vai diễn nhưng cũng đừng vạch áo cho người xem lưng, vô tình đánh mất hình ảnh của mình.
Những sự việc quá đà trên đã khiến Xuân Lan, người cũng từng đứng vai trò host của Vietnam’s Next Top Model phải nhắn nhủ: “Giữ lấy danh dự của nghề người mẫu”. Dư luận không phải cứ thấy xôn xao là tụ đến. Vẫn còn những người tỉnh táo và không dễ bị lôi kéo bằng những trò rẻ tiền nên họ kêu gọi tẩy chay Vietnam’s Next Top Model và The Face vì cho rằng, hai cuộc thi này không khác gì “chợ vỡ”. Khó có thể “trông chờ” vào sự kiểm duyệt của nhà đài, bởi gameshow càng hot, càng lắm ì xèo thì dường như quảng cáo đổ vào càng mạnh. Mối quan hệ lợi nhuận khiến cuối cùng người bị tác động nhiều nhất lại là khán giả.
Nhiều người tắt tivi, thậm chí lên án gay gắt những chương trình nhảm nhí, chẳng mang lại yếu tố giải trí mà còn bị bực mình, thậm chí ảnh hưởng tới cả lối hành xử của những fan trẻ. Có người cực đoan đến mức đã bị ác cảm với nghệ sĩ khi tham gia chương trình này rồi thì dù cô ta, anh ta có đang đóng phim hay hát hay biểu diễn ở đâu cũng không chịu xem nữa.
Song, sự quay lưng của khán giả chính là cái giá đắt mà người nghệ sĩ phải trả.
Vì thế, truyền hình thực tế là sự tự nhiên nhất có thể, ngẫu hứng và đầy chất tương tác. Ai khôn ngoan sẽ trụ lại với cuộc chơi, ai diễn kém cũng bị văng ra, ai diễn sâu quá cũng lại càng bị văng ra xa hơn nữa.
Hơn ai hết, người trong cuộc nên tự cân nhắc thiệt hơn để trụ lại khi cuộc chơi kết thúc.