Chấp nhận sống cùng với dịch bệnh, nhiều nghệ sĩ rơi vào cảnh khó khăn, túng quẫn. Thế nhưng, không vì thế mà hoạt động biểu diễn bị ngưng trệ, họ vẫn miệt mài tập luyện, chờ ngày được biểu diễn.
Trong những ngày “bình thường mới”, người nghệ sĩ rục rịch quay trở lại với sân khấu, với những vở kịch, vở diễn phục vụ du khách.
Việt Nam trong thời kì hội nhập và mở cửa, sự du nhập văn hoá cùng với nhiều loại hình nghệ thuật đa dạng khác, bên cạnh những mặt tích cực, du nhập văn hóa phần nào khiến nghệ thuật sân khấu truyền thống gặp khó khăn trong việc tìm hướng đi cho loại hình của mình.
Sân khấu nghệ thuật truyền thống gần như mất đi thị trường cho riêng mình, khán giả không còn nhiều. Suốt gần 2 năm nay, những người nghệ sĩ truyền thống bên cạnh việc loay hoay tìm khán giả còn phải gánh chịu thêm hậu quả nặng nề do ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid -19.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Từ ngày đất nước bước vào hòa bình thống nhất, nghệ thuật sân khấu đã chập chững tiến vào thị trường cạnh tranh nhưng biểu lộ nhiều yếu kém, ít hiểu biết về thị trường nên ngày càng lép vế trước các phương tiện nghe nhìn công nghệ cao.
Cùng với sự phát triển của xã hội, sân khấu nỗ lực mò mẫm làm theo thị trường nhưng do không nắm được quy luật nên dẫn đến những bế tắc không đáng có. Trước những bế tắc không tìm thấy “lối thoát”, sân khấu truyền thống nỗ lực cải thiện để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khán giả.
Sân khấu truyền thống vừa mới lẫm chẫm vực dậy không được bao lâu thì dịch bệnh kéo đến. Từ đợt dịch lần thứ 1, lần thứ 2, lần thứ 3 và lần thứ 4 vô hình chung tạo áp lực, gánh nặng trên vai những người nghệ sĩ theo đuổi loại hình nghệ thuật truyền thống.
Suốt gần 2 năm nay, những người nghệ sĩ công tác trong ngành nghệ thuật biểu diễn truyền thống gần như không có nguồn thu vì công việc bị ngưng trệ do ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19. Một số người tìm cách trở về quê lao động chân tay, số khác ở lại cầm cự, làm đủ các nghề để kiếm sống.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết Online, NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, suốt gần 2 năm nay, nhà xiếc buộc phải đóng cửa để ủng hộ quy định phòng dịch của Nhà nước. Do phải đóng cửa trong suốt thời gian dài nên đời sống của anh em nghệ sĩ công tác tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn.
Gặp khó, một số anh em nghệ sĩ bỏ về quê làm đủ các nghề để có thể sống tiếp. Một số khác ở lại ký túc của Liên đoàn do bị mắt kẹt không thể về quê. Họ lay lắt từng ngày, mong chờ gói hỗ trợ từ Nhà nước, ông Thắng cho biết thêm.
Nói về những khó khăn phải đối mặt trong suốt khoảng thời gian dài, nhiều nghệ sĩ than thở với Đại Đoàn Kết, vì không biết làm công việc gì trong khoảng thời gian cơ quan ngừng hoạt động, những người nghệ sĩ này không ít lần rơi vào bế tắc, stress kéo dài bởi “cơm áo, gạo tiền” đè nặng lên đôi vai của chính mình.
“Lên kịch bản…chung sống với dịch bệnh”
Trong thời gian các hoạt động văn hóa, giải trí phải tạm ngưng do ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid- 19... đời sống của những nghệ sĩ truyền thống gặp phải không ít khó khăn. Thế nhưng, với niềm đam mê được biểu diễn, được cống hiến cho nghệ thuật, cho khán giả, họ vẫn hát, vẫn biểu diễn bằng nhiều hình thức khác nhau.
Chia sẻ với Đại Đoàn Kết Online, NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội thông tin, trong suốt đợt dịch vừa rồi, Nhà hát Kịch Hà Nội đã kịp thời có những đợt ủng hộ, giúp đỡ anh em nghệ sĩ vượt khó khăn. Với tâm nguyện “lá lành đùm lá rách”, các nghệ sĩ đã tìm cách đùm bọc nhau, sản sẻ một phần khó khăn cùng nhau.
NSND Trung Hiếu thông tin thêm, tình trạng này diễn ra từ năm ngoái, năm nay thì phải nghỉ hẳn, gần như không có hoạt động gì từ đầu năm đến tháng 9, đến đầu tháng 10 thì đỡ giãn cách một chút, Nhà hát vận động anh em nghệ sĩ tập ngay, hoàn thiện những vở diễn còn dang dở.
Theo NSND Trung Hiếu, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Nhà hát tổ chức nhiều chương trình như: “lá lành đùm lá rách” để những nghệ sĩ có thể hỗ trợ nhau, bên cạnh đấy kêu gọi Mạnh Thường quân chung tay giúp đỡ thông qua cuộc thi “Hà Nội hát át Covid” cho mọi người quay video rồi đăng tải lên dành giải thưởng. Hoạt động này được tổ chức với mục đích động viên tinh thần vừa là để anh em nghệ sĩ giữ được tình yêu với nghề, đam mê với nghề.
“Trên cơ sở đó, chúng tôi chuyển sang hình thức online, bán vé online cho khán giả vì cũng chưa biết sang năm tình hình sẽ diễn biến như thế nào. Chúng tôi sẽ cố gắng làm sao để khán giả vẫn xem được nhưng là qua truyền hình, trực tuyến. Trong những ngày “bình thường mới”, đời sống của những nghệ sĩ sôi động hơn thời gian trước, các nghệ sĩ đang tích cực tập luyện cho các vở diễn. Hiện, nhà hát đang tích cực chuẩn bị các vở diễn như kế hoạch vạch ra từ đầu năm”, NSND Trung Hiếu bày tỏ.
"Để cải thiện đời sống cho nghệ sĩ cũng như khởi động lại bộ máy, Nhà hát Kịch Hà Nội dựa trên tinh thần vận động lại bộ máy từ đầu, nếu điều kiện khả thi, nghệ sĩ vẫn sẽ diễn trực tiếp cho khán giả. Nếu tình hình tiếp tục diễn biến xấu, Nhà hát Kịch sẽ chủ động chuyển hướng sang online, trực tuyến, lên kịch bản…chung sống với dịch bệnh", NSND Trung Hiếu khẳng định.
Chung tình trạng với Nhà hát Kịch Hà Nội, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng rơi vào những ngày “bế tắc” do ảnh hưởng của dịch Covid-19. NSND Tống Toàn Thắng cho hay, trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch, hoạt động của Liên Đoàn Xiếc phải tạm ngừng, mọi chương trình cần được triển khai đều bất đắc dĩ phải dừng lại.
Nói về những khó khăn của người nghệ sĩ khi đối mặt với làn sóng lớn của dịch bệnh, NSND Tống Toàn Thắng cho biết, diễn viên dù ở nhà thế nhưng vẫn duy trì tập luyện để đảm bảo thể lực, tuy nhiên khi ở nhà việc rèn luyện sức khỏe gặp nhiều hạn chế do những người nghệ sĩ không được nâng cao kỹ năng, kỹ xảo vì thiếu đạo cụ. Chính vì vậy gặp rất nhiều khó khăn. Trong những ngày “bình thường mới” khi quay trở lại tập luyện, nghệ sĩ cũng phải chia ca, giờ để luyện tập, tránh tụ tập nơi đông ngườ.
Hiện tại, khi dịch bệnh đã phần nào lắng xuống, những nghệ sĩ truyền thống làm việc tại Liên đoàn xiếc khắc phục khó khăn, họ trở lại với guồng quay của công việc, hoàn thiện các vở diễn, ra mắt khán giả.