Với sự phát triển của công nghệ việc số hoá hoạt động văn hoá nghệ thuật (VHNT) đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn cũng những phát huy giá trị. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát thì các sản phẩm công nghệ này cũng đang tạo ra những trải nghiệm mới cho công chúng.
Tìm cơ hội trong mùa dịch
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến hầu hết các hoạt động VHNT phải tạm hoãn, thậm chí dừng hoạt động. Tuy nhiên, chính trong thời điểm khó khăn này lại đang mở ra một cơ hội mới cho hoạt động VHNT khi áp dụng công nghệ vào khai thác sử dụng.
Theo đó, người dân không cần phải đến trực tiếp đến các địa điểm trưng bày, nhà hát, bảo tàng… mà vẫn có thể thưởng thức các sản phẩm văn hoá ngay tại nhà.
Đơn cử, vào tối ngày 28/7, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) đã tổ chức chương trình trực tuyến mang tên “Tổ quốc trong tim” tại 5 điểm cầu Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Bình Thuận, Paris (Pháp). Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ tiêu biểu ở ba miền Bắc - Trung - Nam đã được Livestream trực tiếp trên kênh YouTube, Fanpage Facebook của Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và các giao diện trực tuyến khác.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên các đơn vị nghệ thuật áp dụng phương thức biểu diễn trực tuyến này nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong bối cảnh dịch Covid - 19 đang diễn biến phức tạp ở nước ta.
Trước đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam đã triển khai chương trình nhà hát truyền hình với vở tuồng “Trung thần” của Nhà hát Tuồng Việt Nam và chương trình “Những ngôi sao bất tử” của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc.
Không chỉ các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, trong thời gian qua các bảo tàng, triển lãm đang cũng có những bước đột phát khi mang đến những trải nghiệm nghệ thuật trên nền tảng công nghệ tới công chúng. Mới đây, 2 triển lãm trực tuyến “Phong cảnh núi, leo núi, biến đổi khí hậu” và “Phong cảnh Việt Nam - Đa dạng sinh thái, biến đổi khí hậu, khám phá mới” do Đại sứ quán Ý và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp tổ chức đã giới thiệu đến công chúng những tác phẩm nhiếp ảnh đặc sắc về phong cảnh của Việt Nam và thế giới.
Nhân dịp 27/7, Di tích nhà tù Hoà Lọ cũng đã tổ chức khai mạc triển lãm trực tuyến “Thắp lửa yêu thương” giới thiệu những câu chuyện về các chiến sĩ yêu nước bị giam cầm nơi ngục thất Hoả Lò. Ngoài ra đơn vị này cũng đã cho ra mắt kênh phát thanh độc quyền trên nền tảng Spotify, nhằm đưa những câu chuyện lịch sử tiếp cận gần hơn đến công chúng.
Cũng trong “hành trình” số hoá các hoạt động VHNT, Bộ VHTTDL cũng vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Đây là đề án nhằm khắc phục những khó khăn trong việc quản lý và khai thác tài liệu về lễ hội cũng như khai thác, sử dụng tài liệu phục vụ nhu cầu của các tổ chức và cá nhân.
Ngoài ra, Bộ VHTTDL cũng ban hành Quyết định về kế hoạch triển khai “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Tránh để tụt hậu
Có thể nói, sau một thời gian “dẫm chân tại chỗ” việc số hoá các hoạt động VHNT đang được triển khai khá rầm rộ và rộng khắp trong tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng đang đối mặt với những thách thức, nhất là nguy cơ tụt hậu khi các nền tảng công nghệ đang phát triển hàng ngày, hàng giờ.
Bên cạnh đó, với nhiều loại hình nghệ thuật việc số hoá, “truyền hình hoá” vẫn chưa nhận được sự đón nhận từ khán giả. Đơn cử như lĩnh vực sân khấu, theo NSND Nguyễn Thuý Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam bày tỏ, gần đây sân khấu cũng tự đổi mới mình bằng cách thông qua các phương tiện truyền thông như Internet, YouTube, phương tiện nghe nhìn phát thanh truyền hình, trên các nền tảng phát trực tuyến chuyển tải tác phẩm đến người xem, tìm kiếm khán giả. Tuy nhiên, hiệu quả của nó không cao, giảm chất lượng vở diễn.
Vì bản chất của nghệ thuật sân khấu là biểu diễn trên sân khấu hộp. Sự tương tác giữa khán giả - “bức tường thứ tư” với diễn viên vô cùng quan trọng. Nếu không có sự giao tiếp tri giác và “sống động” giữa diễn viên và khán giả, thì sân khấu không thể tồn tại.
Hay như với lĩnh vực thư viện, dẫn chứng trường hợp của Thư viện Hà Nội, sở hữu gần 700.000 bản sách, tài liệu nhưng đến nay đơn vị này mới số hóa được 3.000 tài liệu, đạt tỷ lệ 0,43%. Nguyên nhân, theo bà Trần Thanh Hiếu, Trưởng phòng Tin học, Thư viện Hà Nội do hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và phần mềm quản lý của Thư viện Hà Nội chưa được đầu tư đồng bộ, chưa phù hợp với xu thế chuyển đổi số của ngành thư viện đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.
Số hóa được tài liệu đã khó nhưng bạn đọc phải đến thư viện để tìm hiểu nguồn tài liệu số hóa. Đây thật sự là một bất cập không chỉ ở Thư viện Hà Nội mà còn đối với nhiều thư viện công cộng khác vì liên quan đến bảo mật, bản quyền tác giả.
Không thể phủ nhận được hiệu quả của số hóa đối với lưu trữ, bảo tồn dữ liệu văn hóa nghệ thuật, nhưng trong một địa hạt đề cao tương tác trực tiếp, số hóa cũng có những hạn chế nhất định. Thực tế, việc số hoá các hoạt động VHNT ở Việt Nam đang bước vào “đường đua” của công nghệ. Ở đó, với các hoạt động VHNT không hề mâu thuẫn với các nền tàng công nghệ mà chỉ là phương thức triển khai thế nào cho hiệu quả, “bứt tốc”.
Bởi dù một chương trình hay một hoạt động nghệ thuật được đầu tư công phu, tốn kém nhưng không thu hút được người xem, công chúng “ngó lơ” thì cũng coi như là thua cuộc.
Mặc dù vậy, việc số hóa hoạt động VHNT ở nước ta vẫn là một chặng đường dài khi công nghệ còn chưa phát triển, nhưng với những nền tảng ban đầu, với sự sáng tạo của những người thực hành nghệ thuật, đặc biệt là người trẻ, chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng vào những bước tiến xa hơn trong tương lai.