Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định số 153/2018/NĐ-CP, quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021, và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng.
Mức điều chỉnh lương hưu lao động nữ cụ thể từng giai đoạn.
Mức điều chỉnh cụ thể
Theo đó, từ 24/12/2018, nghị định quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng, bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu theo quy định của Luật BHXH năm 2014 so với Luật BHXH năm 2006.
Lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021 mà có từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng, tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu, mức lương hưu được điều chỉnh bằng mức lương hưu tính theo quy định tại Khoản 2, Điều 56 hoặc Khoản 2, Điều 74, Luật BHXH năm 2014 cộng với mức điều chỉnh.
Mức điều chỉnh được tính bằng mức lương hưu tính theo quy định tại Khoản 2, Điều 56 hoặc Khoản 2, Điều 74 Luật BHXH năm 2014 tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu nhân với tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng BHXH và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu.
Mức lương hưu sau điều chỉnh là căn cứ để tính điều chỉnh ở những lần điều chỉnh lương hưu theo quy định tại Điều 57, Luật BHXH.
Đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021 mà có từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 1/1/2018 đến ngày 30/6/2018 thì thực hiện điều chỉnh lương hưu theo quy định nói trên nêu trên trước, sau đó được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 88/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 của Chính phủ về điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng.
Tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đóng BHXH và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu, trong đó mức điều chỉnh sẽ tăng dần theo thời gian đóng bảo hiểm, dao động từ 7,27% đối với thời gian đóng bảo hiểm xã hội 20 năm và xấp xỉ 10% đối với thời gian đóng 25 năm.
Khoảng 91.000 lao động nữ được hỗ trợ
Nghị định quy định đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 1/1/2018 đến trước ngày nhận lương hưu mới theo quy định tại Nghị định này, sẽ được truy lĩnh phần lương hưu chênh lệch tăng thêm giữa mức lương hưu trước và sau khi thực hiện điều chỉnh theo quy định.
Nghị định cũng quy định rõ, BHXH Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an thực hiện điều chỉnh lương hưu theo quy định. Đối với BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết hưởng lương hưu cho đối tượng từ ngày 1/1/2018 đến trước ngày Nghị định có hiệu lực thi hành. BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an giải quyết điều chỉnh lương hưu cho đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý bắt đầu từ ngày 24/12/2018. Hàng năm, BHXH Việt Nam thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ LĐTBXH về kết quả thực hiện chính sách quy định tại Nghị định này.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIV (tháng 5/2018), Quốc hội đã thống nhất giao Chính phủ ban hành văn bản thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021 và bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam.
Để chuẩn bị cho quyết định trên, trước đó, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã gửi Tờ trình số 231/TTr-CP về việc đề nghị Quốc hội giao Chính phủ thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018.
Theo BHXH Việt Nam, số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 - 2021 và có từ 20 năm đến 29 năm 6 tháng đóng BHXH là khoảng trên 91.000 người, gồm: 20.500 người nghỉ hưu vào năm 2018; 22.000 người vào năm 2019; 23.500 người vào năm 2020 và 25.100 người vào năm 2021.