Nghị lực của một người mù

Anh Tuấn 05/09/2017 10:05

Đó là câu chuyện của ông Lê Đình Thịnh, trú xã Lương Sơn thuộc huyện Thường Xuân (Thanh Hoá). Số phận nghiệt ngã đã khiến ông không bao giờ nhìn thấy ánh sáng nhưng ngày ngày người đàn ông mù này vẫn ngược rừng làm nương, rẫy.

Nghề đan lát giúp ông Thịnh nuôi 4 người con trưởng thành.

Sinh ra và lớn lên ở nơi núi rừng heo hút, tuổi thơ của người đàn ông có số phận nghiệt ngã này gắn bó với những kỷ niệm nơi bờ nương, rẫy nứa như bao đứa trẻ khác. Và rồi, vào một ngày định mệnh, cậu bé Thịnh bị đau mắt hột.

“Tôi nhớ, năm đó mình lên bốn tuổi thì bị đau mắt hột khá nặng và để lại hậu quả nặng nề như ngày hôm nay”- ông Thịnh nhớ lại.

Theo ông Thịnh kể thì thời đó, do bố mẹ ông nghèo, không có tiền mua thuốc, bệnh viện huyện thì ở xa nên việc chữa trị gặp rất nhiều khó khăn.

Không còn cách nào khác, cha mẹ lên rừng kiếm lá về đắp với mong muốn con sớm khỏi bệnh. Song bệnh của Thịnh không khỏi mà ngày càng thêm nặng hơn, rồi dần dần không nhìn thấy gì nữa. Dường như đất trời đổ sập khi cậu bé Thịnh biết mình sẽ vĩnh viễn không thể nhìn thấy ánh sáng.

Mất một thời gian, Thịnh dần lấy lại thăng bằng và không chịu khuất phục trước số phận. Cậu bắt đầu cố gắng tự tập cho mình những cảm giác, tập lắng nghe để có thể mường tượng được khung cảnh, những con đường, bờ suối, nương cây.

Rồi Thịnh mò mẫm từng bậc cầu thang trong ngôi nhà sàn, tìm đến nơi để bát đũa, giường nằm... và qua ngày tháng tạo cho chàng thanh niên cảm giác quen thuộc tới các ngõ ngách trong, ngoài ngôi nhà.

“Tôi bắt đầu tập làm mọi việc để dần thích nghi với cuộc sống. Tôi học nghề đan rổ tre. Từ bỡ ngỡ, dần cũng thành quen, đan được rổ rồi, tôi chuyển sang đan các vật dụng khác như đó, đơm, thúng mủng... Không thể làm giàu, song nhờ đôi bàn tay đã giúp tôi kiếm được đồng tiền, bát gạo tự lo cho cuộc sống”- ông Thịnh kể.

Do đôi mắt bị mù nên bản thân mặc cảm chẳng dám giao lưu, tìm kiếm cho mình một người bạn đời để cùng nhau chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống. Nhưng rồi niềm hạnh phúc lại bất ngờ đến với người đàn ông có nghị lực vượt lên số phận.

Vào một ngày của những năm 60 thế kỷ trước, có một vị khách ở làng nọ tìm đến gặp chàng trai mù Lê Đình Thịnh để mua dụng cụ nhà nông. Vị khách thấy Thịnh hiền lành, chịu khó nên đã ngỏ ý mai mối cho con gái mình.

Hai ngày sau đó, người khách này dẫn con gái xuống gặp mặt anh chàng mù để đôi trẻ có điều kiện làm quen. Và ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên đó, giữa chàng trai mù và cô gái trẻ kia đã nảy sinh tình cảm lứa đôi. Để rồi, đến năm 1969, chàng trai mù và cô gái tên Hoàng Thị Xinh chính thức nên duyên vợ chồng trong niềm vui khôn xiết của gia đình, dòng tộc, xóm giềng.

Ông Thịnh mỉm cười: “Tôi tưởng đời mình coi như bỏ đi, đâu ngờ vẫn lấy được vợ! Ngày làm đám cưới, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Bố mẹ bảo hai đứa đẹp đôi lắm càng giúp tôi tăng thêm nghị lực sống và hăng say lao động hơn. Về ở với nhau rồi, vợ chồng tôi chia sẻ từng việc nhỏ nhất, đến chuyện đồng áng, ruộng nương. Cô ấy sinh cho tôi tới 4 người con.

“Bà ấy là người phụ nữ tuyệt vời nhất, khéo léo mà đảm đang lắm. Nhưng rồi tạo hoá dường như không công bằng với thân phận của tôi. Tình nghĩa vợ chồng khá ngắn ngủi, bà ấy chỉ ở với tôi được tròn 15 mùa hoa đào nở. Sau một cơn bạo bệnh, vợ tôi qua đời, để lại 4 đứa con thơ dại cho mình tôi chèo chống”.

Lăn lộn làm đủ nghề từ bốc đất thuê, chăn nuôi gia súc, gia cầm để có tiền nuôi đám trẻ, lo cho các con ăn học. Đến nay thì cả 4 người con của ông Thịnh, bà Xinh đã lập gia đình và ổn định cuộc sống.

Một người dân sống gần nhà ông Thịnh kể: Cách đây cũng khá lâu rồi, gần 10 hộ dân quanh đây chưa có đường ra lộ như bây giờ. Thấy bà con đi lại khó khăn, các cháu phải lội ruộng đến trường nên ông Thịnh tự tay ra bốc đất đắp đường. Lúc đầu nhiều người nghĩ ông gàn nhưng sau một thời gian khi con đường dài hơn 100m được hoàn thành, ai nấy đều vui mừng, khâm phục nhiệt huyết của ông Thịnh.

Rời Lương Sơn khi bóng chiều sập xuống nhưng bên tai tôi vẫn văng vẳng lời ông Thịnh nói trước lúc chia tay: “Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc vì mình mù nhưng vượt lên được số phận, tự biết làm lụng như những người lành lặn bình thường, hạnh phúc vì có một người vợ hiền, mặc dù ở với nhau không trọn kiếp này nhưng bà ấy đã tặng cho tôi 4 đứa con ngoan ngoãn. Giờ mỗi khi buồn tôi lại mang cây đàn bầu ra gẩy để nhớ thương về người vợ của mình, chắc nơi suối vàng bà ấy mãn nguyện lắm!”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghị lực của một người mù

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO