Xã hội

Nghĩa tình tháng 7 trên vùng ‘đất lửa’: Bài 2. Ngôi nhà chung của những liệt sĩ

Nghĩa Văn - Nguyễn Quốc 25/07/2024 08:34

Những ngày tháng 7, hàng nghìn người dân và du khách trong cả nước lại tìm về tỉnh Quảng Trị để dâng hương, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc.

Tình đồng đội nơi vùng đất lửa

Trong những năm tháng chiến tranh, Quảng Trị là địa bàn trọng điểm, là nơi in hằn dấu chân của hầu hết các binh đoàn chủ lực, lực lượng vũ trang,… trong cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập cho Tổ quốc. Sự khốc liệt của cuộc chiến tranh trên mảnh đất này đến nay được thể hiện qua con số 72 nghĩa trang là nơi yên nghỉ của khoảng 60.000 anh hùng liệt sĩ.

Nằm ngay bên QL9, đây là con đường chiến lược nối từ biên giới Việt - Lào về thành phố Đông Hà, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) là một “địa chỉ đỏ” được nhiều người ghé thăm mỗi khi đến tỉnh Quảng Trị trong những ngày tháng 7. Đây hiện là nơi đang yên nghỉ của hàng nghìn liệt sĩ hy sinh trên tuyến đường 9 và đất bạn Lào.

Theo đại diện Bộ phận quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, phần đông các liệt sĩ đang yên nghỉ tại đây đều ở độ tuổi còn rất trẻ. Họ là những chàng trai, cô gái vừa tròn mười tám, đôi mươi lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc.

Những ngày này, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 liên tục đón hàng nghìn lượt khách từ khắp mọi miền đất nước đến dâng hương. Khi đông, số khách đến thăm viếng có khi cả trăm đoàn. Trong khói hương trầm mặc, mỗi người khi đến đây đều mang trong mình tâm tưởng thành kính, tỏ lòng tri ân đến các anh hùng liệt sĩ đang nằm lại ở nơi này.

Người dân đến viếng và dâng hương tại ngôi mộ tập thể ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. Ảnh: N.Q.
Người dân đến viếng và dâng hương tại ngôi mộ tập thể ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. Ảnh: N.Q.

Cựu chiến binh Trần Chí Viễn (73 tuổi, trú tại tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, ông là một trong những người lính tham gia chiến dịch bảo vệ Thành Cổ trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước may mắn còn sống sót.

“Ngày đó, chiến trường vô cùng ác liệt. Mỗi người lính khi tham gia cuộc chiến bảo vệ Thành Cổ là trao cả tuổi thanh xuân ở đó để bảo vệ non sông, đất nước. Trong những năm tháng chiến tranh, tôi cùng đồng đội đã kề vai sát cánh bên nhau, đồng cam chịu khổ, tham gia chiến đấu. Tôi may mắn được trở về, còn đồng đội tôi mãi mãi nằm lại đây. Chúng tôi vô cùng biết ơn các đồng đội đã hy sinh để chúng tôi được sống sót trở về, được chứng kiến nền hòa bình, độc lập của đất nước ngày hôm nay”, ông Viễn chia sẻ trong niềm xúc động.

Theo ông Viễn, năm nào ông cùng đồng đội và thân nhân các liệt sĩ đều vào đây để dâng hương thấy nghĩa trang được đầu tư khang trang, chăm sóc chu đáo, sạch đẹp.

“Ngày trước, trong thời kỳ chiến tranh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã che chở, bảo vệ bộ đội chiến đấu. Ngày nay, chính quyền và nhân dân Quảng Trị lại đang thay mặt những đồng đội còn sống, thân nhân liệt sĩ và nhân dân cả nước chăm sóc mộ phần các liệt sĩ chúng tôi cảm thấy rất an lòng”, ông Viễn nói.

“Ngôi nhà chung” ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9

Tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 rất nhiều phần mộ chưa biết tên hoặc biết tên nhưng chưa có địa chỉ. Vậy nên, trong những ngày tháng 7 này, ngoài các đoàn đến thăm viếng và dâng hương còn có hàng trăm trường hợp thân nhân đến liên hệ tra cứu hồ sơ, tìm kiếm liệt sĩ là cha, ông của họ.

Thông tin liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. Ảnh: N.Q.
Thông tin liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. Ảnh: N.Q.

Tại đây có những ngôi mộ rất đặc biệt còn được gọi là “Ngôi nhà chung” của các liệt sĩ. Điển hình trong đó, một ngôi mộ đang là nơi an nghỉ của 123 liệt sĩ thuộc Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 hy sinh vào ngày 2/2/1968 tại huyện Cam Lộ. Các liệt sĩ được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 vào ngày 16/5/2005.

Theo Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, trong chiến tranh, có những trận đánh quân ta hy sinh, sau đó địch đã đào hố chôn tập thể. Sau này khi phát hiện và quy tập, vì không thể tách ra được nên mới có những ngôi mộ tập thể như vậy. Tuy các Anh không sinh cùng ngày tháng nhưng các Anh đã kề vai sát cánh trong chiến đấu và hôm nay, đang cùng nhau yên nghỉ dưới “Ngôi nhà chung” này.

Trong dòng người đến viếng tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, ông Đỗ Công Hoa (66 tuổi, trú tại thôn 7, xã Ba Trại, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) cho biết, ông là con của liệt sĩ Đỗ Công Đường (sinh năm 1940, quê quán trước khi nhập ngũ thôn 7, xã Ba Trại, huyện Ba Vì, Hà Tây nay là TP Hà Nội). Trước đó, liệt sĩ Đường là cán bộ đưa quân vào chiến trường, gia đình không rõ địa điểm và thời gian hy sinh cụ thể, chỉ đến khi hòa bình lập lại gia đình mới nhận được giấy báo tử của liệt sĩ Đường.

“Thông tin là quá ít nên suốt hàng chục năm nay, chúng tôi - những người con, cháu của liệt sĩ Đường đều lặn lội nhiều nơi để tìm kiếm thông tin của cha, ông nhưng vẫn chưa được. Chúng tôi cùng cầu mong cho cha, ông của chúng tôi và những liệt sĩ khác sớm được tìm thấy phần mộ để đưa về quê nhà an nghỉ”, ông Hoa tâm sự.

Bà Đinh Thị Minh Lý, chuyên viên bộ phận quản lý và chăm sóc tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 cho biết, hiện tại đây đang là nơi yên nghỉ của gần 10.900 liệt sĩ. Vào những ngày tháng 7, mỗi ngày nghĩa trang tiếp đón hàng chục đoàn là thân nhân, du khách và các tổ chức đoàn thể ở mọi miền Tổ quốc đến thăm viếng, tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Mặc dù chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, nhưng nước mắt của nhiều thế hệ hôm nay vẫn không ngừng rơi vì, đâu đó trong lòng đất mẹ vẫn còn có rất nhiều người như liệt sĩ Đỗ Công Đường chưa thể “trở về để đoàn tụ” cùng gia đình, người thân và đồng đội. Và, dù đang nằm ở đâu đó trong lòng đất mẹ, các anh vẫn sống mãi trong lòng của các thế hệ người Việt Nam cả hiện tại và mãi mai sau.

(còn tiếp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghĩa tình tháng 7 trên vùng ‘đất lửa’: Bài 2. Ngôi nhà chung của những liệt sĩ