Xã hội

Nghịch cảnh “ba thế hệ”

A.Minh 12/03/2024 07:22

Nguyễn Hoàng Tuân luôn cảm thấy khó xử trước những bất hòa tuy không lớn nhưng thường trực giữa một bên là ông bố 71 tuổi và các thành viên còn lại trong gia đình.

anhthay.jpg
Nhiều người cao tuổi có tâm lý sẽ vào viện dưỡng lão để vui sống tuổi già. Ảnh: Viện Dưỡng lão Thiên Đức.

Anh Tuân, 45 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa, sống cùng vợ, 2 con và bố ở khu đô thị Pháp Vân, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Mọi việc trong gia đình cũng không có vấn đề gì lớn, trừ sự khác biệt thế hệ tạo ra tình thế “bằng mặt mà không bằng lòng” giữa bố và con trai, con dâu.

Khác biệt thế hệ

Chị Hà, vợ anh Tuân, thường ca cẩm với chồng “ông nội không làm gì, không đỡ đần được gì, cả ngày chỉ xem tivi, ăn rồi ngủ. Đã vậy, có việc gì hỏi đến, ông thường đáp lại bằng những ngôn từ khó nghe” - chị Hà nói.

Sự khác biệt trong lối sống giữa các thế hệ trong một căn chung cư chưa đến 80m2 còn thể hiện ở nhiều chi tiết khác: Vợ chồng anh Tuân chỉ nghe nhạc ngoại, không xem tivi, còn ông Tùng hết xem truyền hình lại chuyển qua YouTube mở nhạc vàng bật âm thanh thật to.

Những khác biệt thế hệ trong gia đình mở rộng (từ 3 thế hệ trở lên) ở thành phố lớn là điều không mới, nhưng ngày càng phổ biến, khi dân số Việt Nam đang già hóa, trong khi tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh.

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Năm 2019, nước ta có hơn 11 triệu người cao tuổi (60 tuổi trở lên), chiếm 11,9% dân số và đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ tăng lên mức hơn 25%.

Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Tính đến tháng 9/2022, Hà Nội có 1.044.590 người cao tuổi, chiếm 13% dân số. Tại TPHCM, theo cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, năm 2022, số người cao tuổi là trên 1 triệu người (11% dân số).

Già hóa dân số

Thông thường, một đô thị được coi là bước vào thời gian già hóa dân số khi tỷ trọng người cao tuổi đạt từ 10% trở lên. Như vậy, cả Hà Nội và TPHCM đều đang bước vào thời kỳ già hóa dân số.

Tổng cục Thống kê dẫn một số nghiên cứu cho hay, trong 10 năm qua, tỷ lệ người già sống một mình hoặc chỉ sống với vợ hoặc chồng cũng tăng lên. Tỷ lệ sống một mình từ 9,68% năm 2009 lên 13,74% năm 2019. Tỷ lệ cặp vợ chồng già không ở cùng con cái tăng từ 8,69% năm 2009 lên 14,09% vào năm 2019.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những thay đổi: người già có xu hướng sống độc lập hơn với con cái, quy mô gia đình nhỏ hơn; con cái sống độc lập với cha mẹ già.

Theo nghiên cứu của Viện Dân số sức khỏe và Phát triển thực hiện năm 2020, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự thay đổi cấu trúc gia đình là khoảng cách thế hệ trong suy nghĩ, lối sống hay quan điểm ứng xử, dẫn đến những va chạm, mâu thuẫn, gây tổn thương cho người già và người trẻ trong gia đình.

Một nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho hay, cứ hơn 2 người cao tuổi sẽ có một người không hạnh phúc khi sống chung với con cháu. Với những người này, ở riêng là giải pháp thể hiện sự tôn trọng không gian riêng tư của cả hai bên.

Ông Tùng, bố anh Tuân, có lần tâm sự với anh Tuấn, con trai thứ hai rằng ông thấy bức bối, muốn chuyển qua nhà anh Tuấn ở. “Tôi chỉ biết an ủi ông, lựa lời khuyên giải, bởi tôi biết sống chung khác thế hệ thì khác biệt là khó tránh. Chuyển qua nhà tôi thì câu chuyện vẫn lặp lại” - anh Tuấn nói.

Ông Tùng trước làm công nhân nhà máy Rạng Đông. Vợ mất đã lâu, ông ở nhà quanh quẩn một mình. Nhiều lúc, ông Tùng nghĩ đến việc vào viện dưỡng lão, nhưng không đủ tiền. Lương hưu mỗi tháng ông nhận chưa đến 4 triệu đồng, trong khi chi phí ở viện dưỡng lão tại Hà Nội ít nhất cũng phải từ 8 - 15 triệu đồng. Đó là giai đoạn đầu, càng về sau càng cao. Tuổi nhiều thêm, sức khỏe kém, đi lại phát sinh thêm nhiều chi phí chăm sóc, thuốc men.

Anh Nguyễn Tuấn Anh (Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng muốn đưa mẹ già hơn 80 tuổi vào viện dưỡng lão, nhưng khoản chi phí hơn chục triệu đồng mỗi tháng khiến anh từ bỏ ý định này. “Bây giờ ở nhà, lương hưu của bà hơn 4 triệu đồng còn tạm trang trải. Vào viện dưỡng lão, mỗi tháng tốn cả chục triệu đồng, gia đình không kham nổi”- anh Tuấn Anh nói.

Theo một thống kê thực hiện tháng 12/2020, nước ta hiện có khoảng 80 trung tâm dưỡng lão ngoài công lập và chỉ 32/63 tỉnh thành có cơ sở chuyên biệt dành cho người cao tuổi. Trong đó, tại Hà Nội có gần 20 nhà dưỡng lão tư nhân, TPHCM ít hơn với chưa đến 10 cơ sở. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở này chỉ đáp ứng tối thiểu dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi.

Không có điều kiện vào viện dưỡng lão, nhiều người già ở thành phố dù không mong muốn vẫn phải tiếp tục chung sống với con cái.

Trao đổi với báo chí, TS Phạm Thị Thúy – Học viện Hành chính quốc gia, Phân viện TPHCM cho rằng, bối cảnh xã hội, đời sống thay đổi, người già sẽ phải thích ứng với sự thay đổi đó. Ở tuổi 50, 60 còn rất khỏe, trẻ, có thu nhập chủ động, thụ động từ lương hưu hay đi làm thêm. Chính sự chủ động về kinh tế cộng với đang còn hội nhập trong xã hội, nên họ muốn có không gian tự do. Trong khi đó, con cháu họ có thể đang ở nước ngoài hay tỉnh khác, thường xuyên đi công tác nên chuyện ở chung để chăm sóc cha mẹ già như ngày xưa là không thể.

Với ông Tùng, mong muốn lớn nhất lúc này là được vào viện dưỡng lão cho có bầu bạn. “Tôi mong Nhà nước có cơ chế làm sao để chi phí ở viện dưỡng lão thấp hơn, nhiều người già như tôi có đủ điều kiện vào sinh hoạt, vừa khỏe mình, vừa không làm phiền con cháu” - ông Tùng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghịch cảnh “ba thế hệ”