Không chỉ góp phần quảng bá thương hiệu, bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống và tạo việc làm cho người dân, việc gắn kết hoạt động của làng nghề truyền thống với phát triển du lịch còn mang lại ý nghĩa kinh tế, xã hội rất lớn. Tuy nhiên, do thiếu định hướng phát triển và qui hoạch cơ bản nên du lịch làng nghề vẫn ở dạng tiềm năng.
Du lịch làng nghề vẫn đang vận hành theo kiểu “ăn sẵn”.
Mặc dù hướng phát triển du lịch làng nghề được ưu tiên trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam nhưng cho đến nay, du lịch và làng nghề vẫn chưa tìm được “tiếng nói chung”. Ngành du lịch đến với làng nghề theo kiểu “ăn sẵn”, người làng nghề thì thờ ơ với vận hội có thể có nhờ du lịch.
Với gần 200 làng nghề truyền thống, Thủ đô Hà Nội được đánh giá là những điểm đến tiềm năng của du lịch làng nghề. Chỉ tính riêng tại huyện Phú Xuyên cũng tồn tại nhiều làng nghề nổi tiếng như làng nghề sản xuất đồ gỗ khảm trai; làng nghề mây tre đan; làng nghề đan cỏ tế (xã Phú Túc); làng nghề sản xuất hàng khảm trai Chuyên Mỹ (xã Chuyên Mỹ)... kết hợp với hệ thống làng nghề truyền thống của huyện Thường Tín (nghề sơn mài truyền thống Hạ Thái; làng nghề thêu Quất Động), nếu biết cách làm sẽ tạo ra hướng đi mới cho loại hình du lịch làng nghề.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, sự phát triển của hoạt động du lịch làng nghề nơi đây vẫn chưa tạo nên được dấu ấn rõ rệt.
Hiện chỉ một số ít làng nghề được du khách biết đến, điển hình như tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông)… Nhưng cũng chung tình trạng với nhiều làng nghề khác, làng nghề gốm sứ Bát Tràng vẫn chưa thể khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường từ phế thải của các lò đốt, tình trạng buôn bán chộp giật, chặt chém du khách. Những điều ấy đang góp phần tạo ra những hình ảnh không đẹp về những điểm du lịch.
Khắc phục những tồn tại, bất cập từ các làng nghề, đó là yêu cầu bức thiết hơn bao giờ hết để phát triển loại hình du lịch làng nghề. Khảo sát các đơn vị lữ hành vừa qua cho thấy, tour du lịch làng nghề hiện chưa được nhiều doanh nghiệp thiết kế, quảng bá đến du khách.
Thường thì làng nghề được lồng ghép vào chương trình tour, và cũng chỉ có 1-2% điểm du lịch làng nghề là được du khách biết đến, đa số là những làng nghề nổi tiếng đã lâu. Theo ông Lưu Duy Dần- Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, tại các làng nghề hiện nay chưa có những điều kiện để trình diễn, dịch vụ phục vụ khách tham quan nghèo nàn.
Bên cạnh đó, sự tham gia của cộng đồng và phát triển du lịch chưa cao, bởi họ chưa nhận thức được giá trị của du lịch đem lại. Do đó, “việc thay đổi nhận thức, tiến tới quy hoạch đồng bộ các làng nghề truyền thống để biến những nơi này thành những điểm du lịch, trải nghiệm thú vị với du khách, chứ không phải thuần túy là điểm tham quan thông thường” - ông Dần cho biết.