Trong chỉ thị vừa ban hành, Bộ trưởng Bộ Công Thương nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mọi hình thức.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ban hành Chỉ thị 02/CT-BCT về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu.
Theo đó, để chủ động ngăn chặn các sự cố an toàn thực phẩm tương tự xảy ra trên địa bàn, giảm thiểu các thiệt hại do ngộ độc thực phẩm gây ra, đảm bảo an toàn tính mạng người tiêu dùng và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh rượu trên cả nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Công điện số 371/CĐ-TTg ngày 10/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm rượu.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mọi hình thức. Chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa...
Trước đó, vụ ngộ độc thực phẩm bắt nguồn ở đám tang tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do các nạn nhân uống rượu có hàm lượng methanol quá cao, đã làm 8 người chết, 126 người trong và ngoài đám tang bị ảnh hưởng.
Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng đã thu giữ, tiêu hủy và vận động nhân dân tiêu hủy gần 4.800 lít rượu không rõ nguồn gốc tại 8 xã biên giới trên địa bàn, trong đó người dân tự tiêu hủy trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương gần 1.000 lít. Ngoài ra, chính quyền huyện Phong Thổ cũng khẳng định là trên địa bàn không có dịch bệnh; đồng thời tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương tiến hành vận động, tuyên truyền người dân sớm ổn định cuộc sống, giao nộp rượu không có nguồn gốc xuất xứ.
Tiếp đó, trước tình hình liên tiếp xảy ra các trường hợp ngộ độc rượu bị hôn mê tại Hà Nội phải nhập viện, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập đoàn thanh kiểm tra thực trạng lưu hành rượu trên địa bàn do Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung làm trưởng đoàn và đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở dịch vụ ăn uống có bán rượu.
Cuối giờ chiều ngày 2/3 Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội đã tổ chức họp khẩn về các giải pháp tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm do rượu trên địa bàn thành phố.
Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở những xã, phường có bệnh nhân ngộ độc rượu, tập trung truy xuất nguồn gốc rượu, lấy mẫu xét nghiệm phân tích, đánh giá kịp thời cảnh báo nguy cơ cho cộng đồng.
Đa số các ca bệnh ngộ độc rượu trắng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi ngoài thị trường, các nhà sản xuất ham lợi nhuận đã pha cồn công nghiệp vào rượu để bán. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, methanol vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao nhưng chúng sẽ được tích lũy dần gây các tổn thương cho người bệnh.