Lượng khí thải gây ra do đốt than đá ở khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần trong năm 2030, điều này dẫn đến việc có thêm nhiều thành phố chịu tình trạng ô nhiễm và kéo theo nhiều trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí gây ra; một nghiên cứu công bố trong hôm 13/1 cho hay.
Thủ đô New Delhi của Ấn Độ trong tình trạng khói bụi dày đặc. (AP).
Các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Harvard và tổ chức Hòa bình Xanh đã công bố báo cáo mới nhất của họ trong hôm thứ Sáu, trong đó nói rằng nhu cầu về điện năng ở khu vực Đông Nam Á được dự kiến sẽ tăng tới 83% trong khoảng thời gian từ 2011 tới 2035, tức gấp đôi mức trung bình của toàn cầu.
“Ô nhiễm không khí ở Trung Quốc và Ấn Độ đã khiến giới khoa học đặc biệt chú ý” - bà Shannon Koplitz, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Harvard, nói trong một tuyên bố, thêm rằng “ảnh hưởng của việc mở rộng năng lượng nhiệt điện ở những phần còn lại của Đông Nam Á và Đông Á cũng đã bị đánh giá thấp”.
Nghiên cứu mới đã chỉ ra phát triển kinh tế, tăng trưởng dân số và người dân tập trung đông ở các vùng đô thị là những nguyên nhân gây nên hiện tượng tăng nhu cầu năng lượng đột biến, thêm rằng ở khu vực Đông Nam Á - khác với Mỹ, châu Âu, Trung Quốc hay Ấn Độ - nhu cầu năng lượng thường được đáp ứng bởi các nhà máy đốt than đá để sinh nhiệt điện hơn là bằng các nguồn năng lượng tái sinh. Nghiên cứu cho rằng, hậu quả về sức khỏe là rất “nghiên trọng”.
“Việc dựa dẫm vào than đá ở một số quốc gia Đông Nam Á đang trỗi dậy sẽ gây ảnh hưởng lớn và lâu dài tới chất lượng không khí và sức khỏe người dân” - bà Koplitz nói.
Báo cáo trên ước tính rằng có xấp xỉ 20.000 người ở khu vực này bị chết hàng năm do khí thải phát ra từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá, và dự báo con số này có thể tăng lên tới 70.000 vào năm 2030 nếu như tất cả các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện hiện nay được xúc tiến.
Số lượng nhà máy nhiệt điện ở Indonesia được dự báo sẽ tăng gấp đôi, từ 147 lên tới 323. Myanmar cũng dự kiến sẽ tăng số lượng nhà máy điện gấp 5 lần, từ 3 lên 16. Ngay cả các nước phát triển trong khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản cũng sẽ tăng số lượng các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá; theo báo cáo.
Do vậy, khí thải do đốt than đá ở Đông Nam Á sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2030. Tuy nhiên, một số nhà phân tích tranh luận rằng lượng khí thải mà các nước này đang thải ra chỉ như hạt bụi trong sa mạc nếu so với toàn thế giới.
Theo một ước tính, có khoảng 100.000 người chết mỗi năm do khí thải từ các nhà máy điện đốt than đá ở Ấn Độ.
“Việc cho rằng Indonesia là một trường hợp xấu nếu như so sánh với Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ là không công bằng. Trung Quốc tiêu thụ than đá cao gấp 40 lần so với Indonesia” - Một người phát ngôn của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho hay - “IEA đã nói rất rõ ràng rằng các nước nên tận dụng nguồn năng lượng ít carbon, nhưng nhận thức rõ rằng thiếu năng lượng cũng là vấn đề nghiêm trong ở nhiều quốc gia trên thế giới”.
Ông Lauri Myllyvirta, chuyên gia về ô nhiễm không khí thuộc tổ chức Hòa bình Xanh và cũng là một trong số các tác giả của báo cáo trên, nói rằng dù phát thải nhiều nhưng hiện nay Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang có những thay đổi nhất định trong ngành năng lượng.
“Trung Quốc hiện đang là quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc tăng cường khả năng sử dụng năng lượng tái sinh” - ông Myllyvirta cho hay, thêm rằng kể từ năm 2013, bất kỳ sự tăng nhu cầu điện năng ở Trung Quốc đều được đáp ứng đầy đủ bằng năng lượng sạch. Ông cũng cho hay Ấn Độ cũng đang trên con đường hướng tới “các mục tiêu năng lượng tái sinh”.
“Tôi hy vọng rằng tình trạng ô nhiễm không khí sẽ không lên tới mức độ khủng khiếp mà chúng ta đang chứng kiến ở Ấn Độ và Trung Quốc, trước khi chính phủ các nước có hành động chuyển đổi sang năng lượng sạch” - ông Myllyvirta nói.
Theo báo cáo, việc khu vực này vẫn đang sử dụng nhiều than đá trong công nghiệp điện năng là do giá thành rẻ và khá thừa thãi, một số quốc gia trong khu vực cũng vẫn tiếp tục con đường sử dụng năng lượng hóa thách bất chấp khả năng tiêu cực của nó đối với chất lượng không khí.
Giới phân tích thuộc IEA nói rằng các bộ luật khuyến khích từ chính phủ và hoạch định dài hạn cho ngành năng lượng sẽ giúp các quốc gia Đông Nam Á dần chuyển sang sử dụng công nghệ tái sinh để đạt được các mục tiêu phát triển đầy tham vọng.