Từ vụ ngộ độc tại Trường Ischool Nha Trang (Khánh Hòa) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vệ sinh, an toàn thực phẩm trong trường học, cơ sở giáo dục đào tạo. Dù vụ việc vừa bị khởi tố nhưng vẫn chưa thể vơi bớt nỗi lo của nhiều phụ huynh gửi con học bán trú. Có thể thấy, những vụ ngộ độc là hệ lụy của việc buôn lỏng quản lý, giám sát bữa ăn học đường. Mặt khác, các quy định về chịu trách nhiệm trong bữa ăn của học sinh vẫn chưa rõ ràng. Do đó cần những giải pháp mạnh tay để đảm bảo an toàn bữa ăn học đường.
Ngộ độc tập thể gia tăng
Đa số những vụ ngộ độc thực phẩm học đường xảy ra do sự chủ quan từ phía nhà trường khiến các cơ sở chế biến, cung cấp bữa ăn cho các em đã lợi dụng những kẽ hở trong hợp đồng để tuồn thực phẩm mất an toàn vào bếp ăn trường học. Và hệ lụy từ sự chủ quan, buông lỏng đó là vụ ngộ độc lớn nhất từ trước tới nay vừa xảy ra tại Trường Ischool Nha Trang (ngày 17/11) làm hơn 600 học sinh và giáo viên phải nhập viện điều trị, trong đó có 1 học sinh tử vong.
Thống kê từ Bộ Y tế, tính đến hết tháng 10/2022, cả nước xảy ra 43 vụ ngộ độc thực phẩm làm 581 người bị ngộ độc, trong đó 11 người tử vong. Hơn 2 năm qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể giảm, nhưng đầu năm 2022 tới nay, số vụ ngộ độc tập thể có chiều hướng gia tăng. Theo ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể là do sử dụng các nguyên liệu, thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, khâu vận chuyển, bảo quản thực phẩm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cung cấp suất ăn công nghiệp không đảm bảo an toàn. Qua kiểm tra, khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm là do sử dụng suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến.
Khi vụ việc tại Trường Ischool Nha Trang còn chưa kịp lắng thì chiều 25/11, 16 học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (phường 7, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) có biểu hiện nôn ói, đau bụng, tiêu chảy… Ông Phan Minh Tân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi cho biết, khoảng 14h cùng ngày, nhà trường cho các em học sinh uống sữa. Loại sữa này do một doanh nghiệp ở TPHCM cung ứng cho bếp ăn. Sau khi uống sữa, 14 học sinh có các triệu chứng nôn ói, đau bụng nên được nhà trường đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cấp cứu. Hiện cơ quan chức năng đã lấy mẫu thức ăn và sữa để điều tra nguyên nhân.
Cũng trong ngày 25/11, một vụ ngộ độc liên quan đến học sinh xảy ra ở tỉnh Tây Ninh. Theo Trung tâm Y tế TP Tây Ninh, đơn vị này đã tiếp nhận 10 học sinh tiểu học và mầm non có biểu hiện đau bụng, nôn ói... Đa số các em là học sinh của Trường Tiểu học Kim Đồng, Võ Thị Sáu, có em học ở trường mầm non. Trong đó, có một trường hợp nặng phải chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh. Thông tin ban đầu tư phía gia đình học sinh, sáng 25/11 các em đã ăn sushi (cơm cuộn) được bày bán trước cổng trường học. Tất cả đều có biểu hiện ngộ độc thực phẩm sau khoảng 30 phút và được nhà trường đưa đi cấp cứu…
Liên tiếp những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong và trước cổng trường học khiến tâm lý đa số phụ huynh lo lắng.
Cần giải pháp mạnh tay
Ngày 21/11, Bộ GDĐT có công văn tăng cường chỉ đạo, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. Văn bản được phát đi ngay sau vụ học sinh ngộ độc ở Khánh Hòa. Công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp, tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đáng chú ý, công văn đề nghị: Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: Chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi. Nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.
“Đồng thời các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành giáo dục - y tế, huy động sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục”, Bộ GDĐT yêu cầu.
Theo số liệu của Bộ GDĐT, cấp tiểu học hiện có khoảng 5.000/15.000 trường tổ chức bữa ăn học đường cho học sinh, trong đó hơn 3.300 trường học có bếp ăn, còn lại dùng suất ăn công nghiệp. Tuy vậy, gần 40% số trường có bếp ăn tập thể, căng tin chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, việc quản lý và giám sát bữa ăn học đường còn nhiều hạn chế.
Ngay sau khi xảy ra sự cố từ suất ăn bán trú ở Trường Ischool Nha Trang, phụ huynh ở Hà Nội bắt đầu kiểm soát chặt hơn thực phẩm của con ở trường. Chị Nguyễn Thanh Hà có con ăn bán trú tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Đống Đa lo ngại vì không biết thực đơn con ăn ở trường ra sao, chất lượng thế nào vì mọi việc đều do nhà trường quyết định.
Nhắc tới vai trò của phụ huynh tham gia giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, chị Hà cho biết, Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương khác đều có quy định đại diện phụ huynh học sinh tham gia giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm đối với bữa ăn bán trú tại trường học, nhưng lâu nay, do thời gian, giờ giấc giao nhận thực phẩm thường rất sớm nên đa phần phụ huynh rất khó tham gia, đành phó mặc việc giám sát cho nhà trường. “Tôi cho rằng, ban phụ huynh của các trường cần tham gia quá trình giám sát bữa ăn cho con em mình để chất lượng bữa ăn được tốt hơn”, chị Hà mong muốn.
Cũng có ý kiến cho rằng, lâu nay quy trình giao nhận thực phẩm đối với các trường bán trú được thực hiện gồm: Kế toán, thủ kho, bếp trưởng, đại diện ban giám hiệu, đại diện giáo viên, đại diện phụ huynh tham gia giám sát. Trong số đó, chỉ có đại diện phụ huynh là bên đứng về quyền lợi trực tiếp của học sinh, đây là rủi ro rất lớn.
Trở lại với vụ ngộ độc thực phẩm học đường nghiêm trọng nhất từ trước tới nay tại Khánh Hòa, dư luận cho rằng cần phải mạnh tay xử lý những vụ việc liên quan tới an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời cần quy định rõ ràng về người chịu trách nhiệm trong bữa ăn của học sinh. Với vụ việc tại Trường Ischool Nha Trang vừa bị khởi tố, luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, quyết định khởi tố vụ án là cần thiết, theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Từ cơ sở trên, Cơ quan điều tra tiếp tục xác định nguyên nhân dẫn đến hành vi gây ngộ độc và dẫn tới có trường hợp tử vong. Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ xác định có hay không hành vi có dấu hiệu trái pháp luật của các tổ chức cá nhân liên quan dẫn đến hậu quả nói trên, để có căn cứ khởi tố bị can.
Một số luật sư cũng nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát để phát hiện ra những thiếu sót, vi phạm trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cơ sở giáo dục. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào, giám sát khâu chế biến để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của các em học sinh.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia Công nghệ sinh học và Thực phẩm: Nhà trường phải có đủ năng lực kiểm tra an toàn thực phẩm cho học sinh
Trước đây, các trường bán trú có đội ngũ nấu ăn trong trường và nhà trường tự kiểm tra, nhưng bây giờ do thị trường đấu thầu, ở nhà trường chỉ có một bộ phận quản lý thực hiện việc đặt hàng theo số lượng, giá cả suất ăn chứ không có bộ phận nấu ăn nên khó kiểm soát được. Vấn đề ở đây là nhà trường phải có đủ năng lực để có bộ phận phân tích và kiểm tra thức ăn trước khi các cháu ăn. Nếu không có thì phải liên hệ với cơ quan chức năng để bộ phận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đến kiểm tra thường xuyên, hoặc đến kiểm tra nơi đặt hàng xem trình độ quản lý, khả năng gây độc ra sao để ngăn chặn trước; đảm bảo địa chỉ mua hàng và khâu bảo quản thực phẩm được tốt để không sinh ra nhiễm độc.
Ở đây có trách nhiệm của hội đồng phụ huynh trong nhà trường phải tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên. Phụ huynh phải tham gia giám sát giá trị dinh dưỡng bữa ăn hàng ngày và quan trọng hơn là an toàn thực phẩm. Phụ huynh hoàn toàn có thể nhìn ra được những điều kiện để thực hiện bữa ăn cho con em mình. Thứ hai, cơ quan chức năng phải có trách nhiệm pháp lý, chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra đồng thời có hướng dẫn, tiến hành kiểm tra các cơ sở cung cấp bữa ăn, nếu không đạt thì kiến nghị đóng cửa, không ký hợp đồng nữa thì họ sẽ thực hiện nghiêm chỉnh.