Quốc tế

Ngoại giao công nghệ trong thời đại số

Duy Tiến 26/03/2024 06:31

Trong bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới có nhiều biến động, Đại sứ công nghệ Đan Mạch Anne Marie Engtoft Meldgaard cho rằng ngoại giao công nghệ đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.

anhbaitren(2).jpg
Ngoại giao công nghệ được coi là bước đổi mới quan trọng của ngoại giao thế giới. Nguồn: Getty Images.

Theo Euronews, Đan Mạch là quốc gia đầu tiên trên thế giới cử đại sứ đến Thung lũng Silicon (Mỹ) để tập trung vào việc trao đổi với Big Tech (các ông lớn công nghệ) vào năm 2017. Khi nói về tầm quan trọng của ngoại giao công nghệ, Đại sứ công nghệ Meldgaard cho biết, các công ty đa quốc gia có ảnh hưởng đến tình hình địa chính trị. Đó là lý do Đan Mạch cần có sự hợp tác mang tính xây dựng với họ nhằm bảo đảm ngành công nghệ châu Âu luôn đi đúng hướng.

Bà Meldgaard lưu ý: “Không nên sử dụng công nghệ để kìm hãm bất kỳ ai mà hãy sử dụng công nghệ giúp họ phát triển. Tôi nghĩ trong tình hình địa chính trị hiện nay, ngoại giao công nghệ quan trọng hơn bao giờ hết”. Bà Meldgaard cũng cho rằng, ngoại giao công nghệ là một giải pháp hiệu quả để rút ngắn khoảng cách kỹ thuật số giữa Bắc bán cầu và Nam bán cầu.

Đối với một chính phủ, việc chỉ dựa vào quan hệ ngoại giao truyền thống để mang kiến thức về đất nước, thúc đẩy lợi ích và bảo vệ các giá trị của mình ở nước ngoài dường như là chưa đủ. Trong khi đó, các công ty công nghệ có ảnh hưởng ngày càng lớn.

Đan Mạch cho rằng sức mạnh của các công ty công nghệ lớn “tương xứng hoặc thậm chí vượt qua sức mạnh của các đối tác truyền thống” của nước này. Thêm vào đó, các công nghệ mới và sự trỗi dậy mạnh mẽ của các công ty công nghệ cũng đang định hình chính sách đối ngoại và tình hình địa chính trị theo những cách mới.

Do đó, vào năm 2017, Đan Mạch đã đưa ra sáng kiến ngoại giao công nghệ. Với sáng kiến này, Đan Mạch đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới nâng công nghệ và số hóa lên thành ưu tiên xuyên suốt trong chính sách đối ngoại và an ninh. Sáng kiến ngoại giao công nghệ đã được đề cập trong Chiến lược chính sách đối ngoại và an ninh giai đoạn 2017 - 2018 của Chính phủ Đan Mạch.

Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã xây dựng chiến lược ngoại giao công nghệ đầu tiên vào năm 2021, trong đó tập trung vào 3 chủ đề: Nỗ lực ngoại giao nhằm bảo đảm các công ty công nghệ lớn đáp ứng trách nhiệm xã hội, duy trì nền dân chủ và công nghệ hỗ trợ an ninh cho mọi công dân Đan Mạch. Mới đây, Đan Mạch đã xác định lại các ưu tiên ngoại giao công nghệ cho đến năm 2026. Nhiệm vụ trọng tâm là phát triển ngành công nghệ châu Âu có khả năng cạnh tranh với các công ty ở Mỹ và Trung Quốc.

Ông Jovan Kurbalija - Giám đốc Tổ chức phi lợi nhuận Diplo Foundation có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), người từng nhiều năm làm việc ở các cơ quan của Liên hợp quốc, cho biết, ý tưởng về ngoại giao công nghệ đã được thảo luận từ đầu năm 1994.

Đến năm 2003, Liên hợp quốc đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh thế giới đầu tiên về xã hội thông tin tại Geneva nhằm thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số toàn cầu giữa các nước giàu và các nước nghèo. Trong thập niên 2010, người ta nhận thức rằng các công ty công nghệ lớn ngày càng đưa ra nhiều quyết định quan trọng và cần phải thúc đẩy hợp tác hơn với họ.

Điều đó đã tạo tiền đề cho Đan Mạch chính thức cử Đại sứ công nghệ đến Thung lũng Silicon để làm việc trực tiếp với các công ty lớn của Mỹ vào năm 2017. Nối gót Đan Mạch, nhiều quốc gia khác đã cử đại diện ngoại giao đến Thung lũng Silicon.

Theo một nghiên cứu năm 2023 do Diplo Foundation thực hiện, có đại diện 63 quốc gia tại Thung lũng Silicon, bao gồm 24 nước trong số 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Những nơi khác bên ngoài Mỹ mà các nhà ngoại giao công nghệ hiện diện là các thành phố: Bắc Kinh (Trung Quốc), Brussels (Bỉ), Geneva, Barcelona (Tây Ban Nha) và Bengaluru (Ấn Độ).

Ngoài việc bổ nhiệm đại sứ, còn có 3 cách khác để thúc đẩy ngoại giao công nghệ. Cách phổ biến nhất là các quốc gia phải có một bộ phận chuyên trách tại lãnh sự quán ở San Francisco chuyên giải quyết các vấn đề công nghệ. Có những nước như Nhật Bản thì lại quyết định tập trung hoàn toàn vào đại diện thương mại thông qua một tổ chức thương mại có trụ sở tại Thung lũng Silicon.

Năm nay, dự kiến các nhà ngoại giao công nghệ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Ông Kurbalija - Giám đốc DiploFoundation cho rằng trong suốt cả năm, các nhà ngoại giao công nghệ sẽ phải vật lộn tìm cách hạn chế sự chia rẽ do trí tuệ nhân tạo gây ra, giảm thiểu tác động của các phát minh công nghệ đối với năm bầu cử toàn cầu lớn nhất trong lịch sử...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngoại giao công nghệ trong thời đại số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO