Năm 2020, sự bùng phát và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác tác động to lớn chưa từng thấy trên phạm vi toàn cầu, làm đảo lộn nhiều chu trình kinh tế - xã hội, đẩy kinh tế thế giới vào khủng hoảng, đình trệ sản xuất và thương mại, thách thức tiến trình toàn cầu hóa.
Trong môi trường quốc tế và khu vực đầy thách thức và khó khăn như vậy, Bộ Ngoại giao đã sớm chủ động hướng dẫn, phối hợp với các địa phương nắm bắt diễn biến tình hình, bám sát các nhiệm vụ đối ngoại quan trọng của đất nước và địa phương, khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án triển khai công tác đối ngoại phù hợp với tình hình mới và các tình huống phát sinh đảm bảo triển khai đồng đều công tác đối ngoại địa phương trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, thông tin tuyên truyền, biên giới lãnh thổ, lãnh sự và bảo hộ công dân, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác phi chính phủ nước ngoài.
Trong đó, nổi lên là công tác phối hợp, hỗ trợ các địa phương chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng các cấp, ứng phó kịp thời và hiệu quả với đại dịch Covid-19 song song với duy trì đà hội nhập quốc tế tích cực, nâng cao chất lượng hợp tác quốc tế nhằm đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả triển khai trong năm 2020
Với tinh thần biến “nguy” thành “cơ”, khi dịch Covid-19 lan rộng ra các nước trong khi nguồn thiết bị y tế khan hiếm, Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ các địa phương triển khai mạnh mẽ hoạt động hỗ trợ nhân đạo thiết bị và vật dụng y tế cho các địa phương đối tác nước ngoài.
Theo thống kê sơ bộ, đã có gần 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của ta đã hỗ trợ cho gần 50 địa phương của 21 nước trên thế giới, được các đối tác nước ngoài trân trọng và đánh giá rất cao. Việc làm này vừa thể hiện được tinh thần tương thân tương ái truyền thống của dân tộc Việt Nam, vừa góp phần quan trọng quảng bá thành tựu phòng chống dịch bệnh của nước ta bên cạnh tiếp tục quảng bá hình ảnh đất nước, con người, môi trường đầu tư kinh doanh và xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, đặc biệt hơn là duy trì và củng cố quan hệ với các đối tác nước ngoài.
Việc thúc đẩy xuất khẩu quả vải thiều Lục Ngạn của ta sang thị trường Nhật Bản là một ví dụ điển hình trong việc không để dịch bệnh Covid-19 cản trở đà hội nhập quốc tế đang lan tỏa tích cực tại các địa phương trong thời gian qua. Sau 5 năm đàm phán, dự kiến ta sẽ xuất khẩu sản phẩm đặc biệt này sang Nhật Bản từ mùa thu hoạch năm 2020.
Hàng trăm hộ nông dân tại Bắc Giang đã nỗ lực chăm sóc vườn vải của mình theo các quy chuẩn nghiêm ngặt hơn 1 năm qua. Khi dịch Covid-19 bùng phát, tưởng như vải thiều Lục Ngạn sẽ “lỡ hẹn” với đất nước Mặt trời mọc.
Nhưng với quyết tâm cao, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã thuyết phục phía Nhật Bản vận dụng tối đa mọi khả năng pháp lý và kỹ thuật của hai nước, vượt mọi khó khăn, đưa các chuyên gia Nhật Bản tới Bắc Giang trong tháng 6/2020, thực hiện cách ly 2 tuần theo đúng quy định, sau đó triển khai đúng tiến độ các khâu kiểm định đóng gói, khử khuẩn cuối cùng, để 200 tấn vải thiều tươi của Việt Nam chính thức đến với người tiêu dùng Nhật Bản.
Cùng lúc đó, nhiều tọa đàm, hội thảo quảng bá vải thiều Lục Ngạn được lên kế hoạch từ trước đã nhanh chóng được chuyển sang tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Thành công này không chỉ giúp giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc sản này tăng 40%, nâng cao thu nhập cho người nông dân mà còn góp phần khẳng định và nâng cao thương hiệu chất lượng nông sản Việt Nam trên thế giới.
Ngoài ra, trong bối cảnh các kế hoạch trao đổi đoàn quốc tế bị ngưng trệ, Bộ Ngoại giao đã đề xuất và hỗ trợ các địa phương mở rộng duy trì kết nối, gặp gỡ, tọa đàm trực tuyến để thúc đẩy các chương trình hợp tác đang theo đuổi, tập trung củng cố và khai thác mạnh mẽ các đối tác nước ngoài có mặt tại Việt Nam, đặc biệt tạo điều kiện để các địa phương tiếp cận, kết nối tối đa với các đoàn cấp cao tới thăm Việt Nam trong năm qua.
Bộ đã vận động nhiều đại diện các cơ quan ngoại giao, các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức và đối tác nước ngoài tại Việt Nam tới dự các Hội nghị xúc tiến đầu tư mà một số địa phương đã tổ chức. Riêng Bộ Ngoại giao đã chủ trì và phối hợp tổ chức trên 30 hội nghị, tọa đàm quốc tế trong chuỗi hoạt động năm ASEAN, giới thiệu các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chuỗi hoạt động “Gặp gỡ Đại sứ”, “Giới thiệu địa phương”... mời đông đảo lãnh đạo các địa phương và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài tham dự và tương tác, kết nối.
Song song với các sự kiện đó, các địa phương đã phối hợp với Bộ Ngoại giao tạo điều kiện cho hơn 66 đoàn phóng viên nước ngoài với khoảng 400 lượt phóng viên vào tác nghiệp tại các địa phương, thường xuyên hỗ trợ địa phương trong công tác thông tin đối ngoại và kinh tế đối ngoại dưới nhiều hình thức.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại cũng là một công tác được Bộ Ngoại giao tập trung đẩy mạnh trong năm “Covid” 2020 nhằm củng cố nguồn nhân lực làm công tác đối ngoại tại địa phương để đáp ứng nhu cầu của công tác đối ngoại trong thời kỳ chiến lược mới của đất nước. Năm 2020, đã có 78 lớp đào tạo, bồi dưỡng trong nước cho khoảng 11.220 lượt lãnh đạo, cán bộ địa phương, tăng 32% so với năm 2019.
Một số định hướng trong năm 2021
Năm 2021 là năm sẽ diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, là năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Trên cơ sở yêu cầu và nhiệm vụ của hội nhập quốc tế ngày càng cao, kỳ vọng đối với đóng góp của công tác ngoại vụ địa phương trong sự phát triển của địa phương ngày càng lớn, Bộ Ngoại giao và tất cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương triển khai toàn diện công tác đối ngoại địa phương trên tinh thần quán triệt thực hiện đường lối đối ngoại về hội nhập quốc tế của Đảng và tích cực hỗ trợ các địa phương thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thông qua các công tác cụ thể sau.
Thứ nhất, hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh hội nhập quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giới thiệu cơ hội hợp tác đầu tư, hỗ trợ xúc tiến kinh tế đối ngoại, kết nối mở rộng thị trường, thẩm định đối tác và hỗ trợ xử lý tranh chấp thương mại, đồng thời góp phần làm sâu sắc hơn các khuôn khổ hợp tác song phương chiến lược và đa phương quan trọng mà ta đã thiết lập hoặc tham gia, bao gồm các hiệp định FTA thế hệ mới.
Thứ hai, hỗ trợ địa phương triển khai các chiến lược Ngoại giao văn hóa trong thập niên mới, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại; phối hợp làm tốt công tác lãnh sự, phòng, chống di dân bất hợp pháp, bảo hộ công dân, ngư dân, tàu cá và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Quan tâm, hỗ trợ bồi dưỡng các cán bộ, công chức làm công tác đối ngoại tại địa phương theo các Đề án về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ đối ngoại giai đoạn 2021-2025 mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chúng ta có thể tin tưởng rằng công tác đối ngoại địa phương thời gian tới sẽ có những bước phát triển toàn diện hơn nữa, đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và của đất nước ta nói chung.