Ngay đầu mùa mưa năm nay, chính quyền TPHCM đã đốc thúc tiến độ các dự án chống ngập trọng điểm. Dù vậy, việc chậm bàn giao các dự án khiến nghịch lý “dự án chống ngập gây ngập” tiếp tục tái diễn.
Tại Dự án chống ngập lớn nhất TPHCM, với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, từ đầu tháng 3, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, chỉ đạo Chủ tịch UBND TPHCM (Tổ phó Tổ công tác tháo gỡ dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng) khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được phân công về giải quyết vướng mắc liên quan đến dự án. Sau chỉ đạo này, ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan xem xét, giải quyết các đề nghị của chủ đầu tư dự án.
Điều đáng nói, kể từ khi Tổ công tác Chính phủ họp và có chỉ đạo liên quan đến dự án, dù đã hơn 3 tháng nhưng dự án vẫn chưa thể khởi động lại. Trước đó, chủ đầu tư cũng đã có nhiều văn bản kiến nghị gửi đến Thành ủy, UBND TPHCM để có chỉ đạo sớm triển khai các công việc thuộc thẩm quyền của thành phố. Mới đây nhất, tại buổi tiếp xúc với cử tri huyện Nhà Bè, quận 7 và quận 4 trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, tiến độ dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng vẫn chưa có gì tiến triển hơn so với thông tin tại buổi tiếp xúc trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá 15 hồi tháng 10/2023. Lãnh đạo thành phố cũng thừa nhận việc chậm tiến độ dự án là vấn đề nhức nhối của TPHCM. Đến nay, dự án đã hoàn thành 90% khối lượng nhưng nhà thầu không còn kinh phí để triển khai. Để tháo gỡ, UBND TPHCM đã báo cáo Thủ tướng cho phép TPHCM có cơ chế cho nhà thầu vay từ ngân sách thành phố để hoàn thiện dự án.
Ngoài dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, ngay đầu mùa mưa, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải thành phố giai đoạn 2024 - 2025, trong đó có kế hoạch xóa các tuyến đường ngập do mưa trên địa bàn. Đặc biệt, qua theo dõi tình hình mưa và ngập nước các năm 2022 và 2023, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM dự báo, mùa mưa năm nay sẽ có khoảng 26 điểm ngập do tác động của mưa lớn và triều cường trên tổng số 735 tuyến đường trục chính của TPHCM. Trong số này, có 19 điểm ngập do mưa, gồm 5 điểm ngập sau mưa kéo dài trên 30 phút và 14 điểm ngập tức thời trong mưa và ngập sau mưa không quá 30 phút. Để giải quyết các “điểm đen” về ngập úng kể trên, TPHCM khởi công 3 dự án trên địa bàn quận Gò Vấp, đồng thời chuẩn bị đầu tư cho 7 dự án cải tạo hệ thống thoát nước tại các khu vực TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh, quận 6, quận Tân Bình, quận Tân Phú và nhiều điểm ngập khác.
Hiện nay, TPHCM cũng đang chuẩn bị đầu tư 4 dự án gồm: Dự án cải tạo kênh Hy Vọng; Dự án nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh; Dự án nạo vét trục thoát nước rạch Bà Lớn; Dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi (quận 8) được dự kiến khởi công, xây dựng và hoàn thành trong giai đoạn 2026 - 2030. Điều đáng nói, tại các dự án kể trên cũng từng lên kế hoạch dự án nhưng qua nhiều lần thay đổi chủ đầu tư vẫn rơi vào bế tặc, buộc phải triển khai lại từ đầu. Trường hợp điển hình là Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật). Đây là con rạch ô nhiễm nhất TPHCM, chảy qua địa bàn quận Bình Thạnh và Gò Vấp. Quá trình thi công dự án đã thay đổi nhiều lần chủ đầu tư, thi công “treo” gần 20 năm, đến nay giao lại cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM là chủ đầu tư và đến nay mới tiến hành lại quy trình lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. Tương tự, từ nhiều năm trước, dự án cải tạo kênh Hy Vọng đã được chính quyền TPHCM giao cho Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố làm chủ đầu tư. Thế nhưng, cũng như dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, dù có sự vào cuộc của nhiều cơ quan đôn đốc, quyết liệt chỉ đạo vẫn kéo dài hàng chục năm, vẫn loay hoay tìm chủ đầu tư và đơn vị nhà thầu triển khai dự án. Đối với dự án cải tạo Rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) dù chiều dài chỉ khoảng 1,5km và kể từ năm 1993, chính quyền TPHCM đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện việc di dời nhà ven và trên kênh rạch nhưng tiến trình di dời và tìm chủ đầu tư dự án để triển khai đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Dù UBND TPHCM đã có nhiều động thái chỉ đạo quyết liệt đối với các dự án chống ngập, nhưng các dự án khó có thể kịp hoàn thành khi mùa mưa vừa bắt đầu. Tại 26 điểm ngập theo dự báo của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM, hàng nghìn hộ dân tiếp tục phải chịu cảnh “bì bõm” đi lại và sinh hoạt vào cao điểm mùa mưa năm nay.