Gấp rút phương án chống ngập

THÀNH LUÂN 17/10/2023 06:35

Không chỉ ngập cục bộ do mưa lớn, TP HCM là đô thị thường xuyên chịu tác động trực tiếp của triều cường, dẫn đến ngập diện rộng ở nhiều nơi, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, mưu sinh của người dân. Hiện TP HCM đang trong đợt triều cường lớn nhất kể từ đầu năm đến nay.

Triều cường dâng cao “tấn công” đoạn Quốc lộ 1 qua thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP HCM. Ảnh: PC08.

Triều cường kết hợp mưa lớn, nhiều nơi ngập lội

Những ngày này tại TP HCM, triều cường dâng cao, ngây gập nặng toàn bộ các quận 7, huyện Nhà Bè, một phần quận 8 và phía nam huyện Bình Chánh. Không những vậy, các quận trung tâm vốn đã khắc phục được đáng kể các “điểm đen” về ngập như Bình Tân, Bình Thạnh, Tân Phú, quận 6, quận 11… cũng bị ngập do triều cường. Ngay cả TP Thủ Đức cũng phát sinh các điểm ngập dù kể từ khi sáp nhập 3 quận (2, 9, Thủ Đức) đã triển khai được một số giải pháp chống ngập, trong đó xóa được một số điểm ngập cũ, diễn biến kéo dài. Tuy nhiên, đợt triều cường này còn kết hợp mưa lớn sẽ gây ngập nặng cho nhiều tuyến đường giao thông và khu dân cư thuộc vùng trũng trên địa bàn.

Để ứng phó với đợt triều cường này, UBND TP HCM đã chỉ đạo và huy động gần như tất cả các sở, ban, ngành, địa phương vào cuộc. Một số địa phương như quận 12, huyện Hóc Môn và Củ Chi chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, thiết bị để kịp thời khắc phục sớm nhất nếu xảy ra sự cố thuộc các gói thầu của Dự án Bờ hữu ven sông Sài Gòn trên phạm vi các địa bàn này quản lý.

Ngày 16/10, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết trong 24 giờ qua, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai lên chậm theo kỳ triều cường. Dự báo, mực nước tại hầu hết các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai lên chậm trong 1-2 ngày tới, sau đó xuống nhanh.

Trong đợt đỉnh triều cường này, dự báo mực nước đo được tại trạm Phú An và Nhà Bè ở mức 1,53-1,58m (báo động 2 đến báo động 3). Tương tự, tại trạm Biên Hòa ở mức 1,93-1,98m (xấp xỉ hoặc thấp hơn báo động 2 khoảng 0,07m). Trạm Thủ Dầu Một ở mức 1,67-1,73m (trên báo động 3 khoảng 0,07-0,13 m).

Như vậy, mức độ rủi ro thiên tai do triều cường khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai ở cấp độ 2 (kéo dài tới ngày 18/10).

Cũng theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, ngày 17/10, khu vực Nam Bộ có mưa nhiều nơi, rải rác mưa vừa và dông, có nơi mưa to đến rất to. Từ ngày 18/10 mưa giảm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Đề phòng khả năng mưa lớn kết hợp với triều cường gây ngập ở các vùng trũng thấp, khu vực ven sông, ven kênh rạch.

“Siêu dự án” cũng lỗi hẹn

Trong quá khứ, vào các đợt triều cường lớn trong năm tại TP HCM đều đã xảy ra các đợt sạt lở và vỡ bờ bao, gây thiệt hại đến hoa màu và kinh tế nông nghiệp của nhiều quận, huyện. Mới đây nhất, sự cố sạt lở bờ kênh Thanh Đa (phường 25, quận Bình Thạnh) vào cuối tháng 6, đầu tháng 7/2023 đã khiến TP HCM phải di dời hàng chục hộ dân khỏi khu vực ven kênh rạch. Việc sạt lở kết hợp với mực nước dâng cao do triều cường đã khiến cho người dân quanh khu vực này gặp vô vàn khó khăn trong sinh hoạt và sinh kế. Ngay sau đó, Cơ quan Thường trực phòng chống thiên tai (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM) và Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP HCM đã được chỉ đạo rà soát đưa các vị trí này vào danh mục các vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn.

Trước đó, ngay đợt triều cường đầu năm nay cũng đã khiến xảy ra sự cố vỡ đê bao đoạn bờ bao rạch Cầu Chùa (phường 28, quận Bình Thạnh) khiến gây ngập lụt 30 hộ dân sống xung quanh. Cũng trong đợt triều cường này, một đoạn bờ đê khu vực cầu Kênh Ngang số 2 (quận 8) cũng bị nứt, cộng với triều cường dâng cao khiến cho nước tràn vào đường giao thông, gây ảnh hưởng ngập nghiêm trọng đến các khu dân cư tại đây.

Có thể nói, dù mới chỉ điểm qua một số sự cố ngập do triều cường điển hình từ đầu năm đến nay tại TP HCM, đã cho thấy nhiều tồn tại trong công tác chống ngập. Trong khi đó các dự án chống ngập vẫn thi công với tốc độ “rùa bò”, chưa kể một số dự án còn bị liệt vào danh mục dự án “treo” của thành phố.

Hiện nay, TP HCM kỳ vọng nhiều nhất vào “siêu dự án” được đầu tư 10.000 tỷ đồng, với mục tiêu khi hoàn thành có thể kiểm soát ngập do triều với diện tích 750 km2, giải quyết căn cơ tình trạng ngập nước cho khoảng 6,5 triệu dân khu vực sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM. Thế nhưng, ngay cả được đầu tư với kinh phí lớn thì kể từ lúc khởi công vào năm 2016 đến nay thì “siêu dự án” vẫn nhiều lần phải tạm ngừng lại và cũng đã lỗi hẹn bàn giao, chưa thể hoàn thành công trình.

Ngày 10/10, nêu ý kiến với Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị 9 (TP HCM) trong buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc khoá XV, nhiều cử tri cho rằng nếu không giải quyết được tình trạng kẹt xe và ngập nước thì sẽ kìm hãm sự phát triển của TP HCM. Vậy thành phố đã có giải pháp nào để giải quyết vấn đề này? - cử tri nêu vấn đề đồng thời bày tỏ lo lắng về dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng. “Cách đây 2, 3 năm, tôi nghe nói chúng ta có tiền để tiếp tục làm rồi nhưng đến nay thì thế nào, khi nào thì mới xong? Tôi đề nghị cần làm sớm dự án này để chống ngập cho TP” - cử tri Nguyễn Xuân Mừng (quận 7) nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gấp rút phương án chống ngập