Trong thời gian qua, ngư dân miền Trung phải đối diện với nhiều khó khăn. Ngoài việc vùng biển gần bờ 4 tỉnh bị ô nhiễm, cá chết, tàu thuyền gác bến nằm bờ thì những tỉnh xa hơn như Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng chịu ảnh hưởng theo. Hải sản đánh bắt đem về không bán được hoặc có thì là với giá rất rẻ. Thế nhưng vượt qua những gian khó, ngư dân Miền Trung vẫn kiên cường bám biển.
Các tàu khoang cá đầy ắp đang cập cảng Sa Kỳ.
Cá về từ biển Hoàng Sa
Những ngày qua chúng tôi có mặt ở nhiều làng chài, cảng cá của khu vực miền Trung, điều vui lớn nhất là không khí ra khơi đã trở lại cái thời rộn ràng, khí thế của ngư dân. Ở bất cứ cảng cá nào cũng đông đảo tàu, thuyền ra vào bến. Nhất là những chuyến biển xa khơi đánh bắt từ vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa trở về với tôm, cá đầy thuyền.
Ngày 19/7, chúng tôi có mặt tại cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, chứng kiến không khí sôi động nơi đây. Không chỉ tàu cá địa phương mà nhiều tàu cá của ngư dân các huyện ven bờ tỉnh Quảng Ngãi và cả của tỉnh bạn đã nối đuôi nhau cập cảng mang theo đầy khoang tôm, cá và bao nhiêu thứ hải sản khác.
Ngư dân Nguyễn Tấn Vũ tự tin vươn khơi bám biển.
Vừa từ vùng biển Hoàng Sa trở về, ngư dân Nguyễn Tấn Vũ (32 tuổi), trú xã Bình Châu, thuyền trưởng tàu cá QNg 90568 TS phấn khởi: “Trong chuyến biển này tôi đầu tư chi phí xăng dầu, nhu yếu phẩm hơn 100 triệu đồng, nhưng đánh bắt được 9 tấn cá các loại. Hiện nay cá được giá cao nên tàu cá tôi thu về hơn 900 triệu đồng. Sau khi trừ các khoảng chi phí các anh em kiếm được khoảng 15-20 triệu đồng/thuyền viên”.
Ngư dân Nguyễn Thoảng, trú xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi chủ tàu cá QNg 91090 TS cho biết: “Sau một chuyến biển, tàu tôi đánh bắt đầy khoang cá nục vừa cập cảng. Với giá 22 nghìn đồng/1kg cá nục thì gần 10 tấn cá nục trong chuyến biển này tôi thu về trên 200 triệu đồng”.
Đó cũng là tâm trạng hân hoan của nhiều chủ tàu, bạn thuyền mà chúng tôi gặp gỡ những ngày qua tại các cảng cá ở miền Trung. Đánh bắt hải sản đạt hiệu quả cao, đồng nghĩa với hậu cần nghề cá phát triển. Vì thế thời điểm này ở các cảng cá như Sa Kỳ, Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hay Tam Quang, Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam, khí thế rất sôi động. Khi tàu thuyền cập bến, cá được các nhân công phân loại, xe cộ tấp nập đưa đến các cơ sở chế bến hay động lạnh để chuyển đi các nơi tiêu thụ. Trong khi đó những tàu thuyền chuẩn bị ra khơi, chủ tàu lo bơm dầu, vận chuyển đá cây, mua nhu yếu phẩm, ngư lưới cụ để ra khơi. Không khí vô cùng rộn ràng.
Ngư dân xúc cá từ khoang tàu vào khau nhựa.
Quyết tâm bám biển
Ngư dân Nguyễn Tấn Vũ khẳng định: “Khi bán cá xong, tàu cá tôi tiếp tục ra lại vùng biển Hoàng Sa để đánh bắt hải sản. Cho dù những năm gần đây việc đánh bắt hải sản trên biển thường xuyên gặp nhiều rủi ro, nhưng nhờ Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân, các tàu cá đã liên kết giúp đỡ lẫn nhau trong lúc gặp hoạn nạn nên các ngư dân ngày càng yên tâm, tự tin vươn khơi bám biển”.
Thuyền trưởng Nguyễn Thoảng cũng nêu quyết tâm: “Bán cá xong cho các thương lái thì tôi sẽ lo lương thực, thực phẩm tiếp tục thẳng tiến ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt hải sản. Việc nhiều tàu cá Quảng Ngãi hay bị các tàu lạ quấy nhiễu, đâm chìm trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam nhưng được sự giúp đỡ của Nhà nước nên tàu cá tôi và các tàu cá khác rất tự tin, quyết tâm vươn khơi bám biển để mưu sinh và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc”.
Nhân công đang phân loại cá để chuyển đi tiêu thụ.
Quảng Ngãi hiện có khoảng 5.500 tàu cá, hơn 4 vạn lao động hành nghề khai thác hải sản trên biển, trong đó có khoảng 2.300 tàu đánh bắt xa bờ. Do đó với quyết tâm cao bám biển của ngư dân là điều đáng mừng. Bởi họ không chỉ đánh bắt hải sản mưu sinh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội mà chính họ là những cột mốc sống bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Tuy nhiên đối với họ còn đó những khó khăn nhất định, như hầu hết ngư dân chưa được đào tạo cơ bản về các kiến thức sửa chữa máy tàu, họ mưu sinh chủ yếu bằng kinh nghiệm, các quy định của pháp luật liên quan đến biển, hàng hải nhiều ngư dân chưa nắm vững, cùng nhiều vấn đề khác, nên gặp không ít khó khăn khi xử lý một số tình huống xảy ra trên biển. Thế nhưng ngư dân chúng ta vẫn kiên cường bám biển, đó là điều đáng trân trọng.
Nhân công vận chuyển cá lên xe thùng.
Do đó nhiều ngư dân cho rằng, ngoài những chính sách hỗ trơ ngư dân như vay vốn ưu đãi, hỗ trợ ngư dân lúc gặp nạn hay cứu hộ các trường hợp không may gặp nạn trên biển, hay trong các tình huống do thiên tai đem lại, hoặc tìm đầu ra cho hải sản của ngư dân mà tỉnh Quảng Ngãi thực hiện thời gian qua. Thì cần có nhiều chương trình đào tạo nghề cho ngư dân như một số chường trình Sở LĐ-TB&XH của các tỉnh đã làm trong thời gian qua như đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, cách thức bảo quản hải sản an toàn, biết cách điều khiển tàu chạy tránh bão, sửa chữa tàu khi không may tàu bị chết máy, kể cả việc tìm đầu ra cho hải sản ổn định để ngư dân không bị tư thương ép giá, tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân, v.v… thì họ càng yên tâm bám biển.
Vâng! Những chương trình đó cần tiếp tục nâng co, mở rộng để đồng hành cùng ngư dân. Bởi vì nói như ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu: “Thời gian qua, nhiều tàu cá ở tỉnh Quảng Ngãi và miền Trung hay bị gặp nạn và bị tàu lạ quấy nhiễu, đâm chìm nhưng các ngư dân vẫn tự tin, kiên cường vươn khơi bám biển. Bởi sự ra khơi của họ không chỉ là mưu sinh mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của những người yêu nước, do đó rất cần tiếp tục sự đồng hành của Nhà nước của cộng đồng với ngư dân!”.