Nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi 1-10, theo phong tục, đạo lý cổ truyền của dân tộc, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các địa phương, cơ sở, dòng họ và các gia đình có người cao tuổi trong cả nước, đều tổ chức lễ mừng thọ cho người cao tuổi. Đây là một truyền thống được lưu truyền và phát triển từ lâu trong lịch sử của dân tộc, nét đặc trưng giá trị văn hoá truyền thống, nhân văn đối với người cao tuổi.
Ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM mừng thọ cụ Phan Thị Thế ngụ Quận 12.
Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề”. “Các ngài noi gương phụ lão đời Trần, trước họa giặc Nguyên xâm lấn, đã nhiệt liệt hô hào con em tham gia sự nghiệp cứu nước”. Vào năm 1941, Trong thư “Kính cáo đồng bào”, Người gọi phụ lão là hiền nhân, chí sĩ, bậc phụ huynh, bậc hiền huynh...
Năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão”. Người nêu rõ: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng, đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề...”. “Đồng bào cả nước đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão”. Người nhấn mạnh: “xưa nay, những người yêu nước không vì tuổi già mà chịu ngồi không”.
Có thể nói vấn đề cốt lõi trong tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về người cao tuổi đó là sự kính trọng, tôn vinh và đặt niềm tin sâu sắc của Người đối với người cao tuổi. Người nói: “Người cao tuổi là của quý vô giá của dân tộc, của Nhà nước”. “Một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang…
Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão đã có trọng trách là bậc tôn trưởng, đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng; phụ lão làm, nhân dân làm theo. Hô điều nên hô, làm việc nên làm”. Trong quá trình hoạt động cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở mọi người, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải cung kính với các cụ già.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trước đây, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ lão cả nước đã ra sức thi đua, lập nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu và lao động sản xuất. Các tổ chức “Phụ lão cứu quốc”, “Mẹ chị binh sĩ”, “Lão dân quân” được thành lập trong những năm đánh Pháp đều hoạt động có hiệu quả”.
Hưởng ứng hai bức thư đó, phụ lão Việt Nam đã tích cực góp phần giải phóng, xây dựng và bảo vệ đất nước, nêu cao truyền thống “tuổi cao chí càng cao”.. Với những đóng góp lớn lao của lớp người cao tuổi mà Trung ương Đảng ta đã tặng 18 chữ vàng cho người cao tuổi Việt Nam: “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau ngày giải phóng, thống nhất nước nhà (1975), vai trò của người cao tuổi Việt Nam tiếp tục được phát huy. Hội Người cao tuổi Việt Nam chính thức thành lập ngày 10/5/1995. Hơn 21 năm qua, người cao tuổi nước ta có tổ chức xã hội của riêng mình. Bên cạnh đó, có các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến việc chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi…
Ngày 23/9/2009, Quốc hội nước ta ban hành Luật Người cao tuổi, quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; Hội người cao tuổi Việt Nam. Trách nhiệm của Người cao tuổi là phải nêu gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống mẫu mực; giáo dục thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; gương mẫu chấp hành và vận động gia đình, cộng đồng chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Hiện nay, ở địa bàn dân cư các địa phương, người cao tuổi được cấp ủy, chính quyền đánh giá là lực lượng nòng cốt trong các phong trào, các cuộc vận động chính trị, văn hóa, xã hội; lời nói, việc làm gương mẫu của người cao tuổi có tác động lớn trong khuyên bảo, động viên con cháu tham gia các phong trào và hoạt động xã hội ở cơ sở. Càng tự hào phấn khởi, người cao tuổi Việt Nam thấy càng phải ra sức hoạt động tốt hơn để mỗi hội viên, mỗi người cao tuổi đóng góp nhiều hơn trong phong trào thi đua “Tuổi cao - gương sáng”.