Nguyệt thực toàn phần bắt đầu xuất hiện vào lúc 17h16 giờ Việt Nam và kết thúc vào lúc 20h55. Thời điểm quan sát nguyệt thực dễ nhất là sau 18h00 tối, khi Mặt Trăng đã lên cao so với đường chân trời.
Vào chiều tối nay (8/11), nguyệt thực toàn phần sẽ xuất hiện trên khắp Việt Nam. Đây là hiện tượng thiên nhiên xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng thẳng hàng hoặc xấp xỉ thẳng hàng. Lúc này, một phần hoặc toàn bộ Mặt Trăng sẽ không nhận được ánh sáng từ Mặt Trời do bị che khuất bởi Trái Đất.
Nguyệt thực tháng 11 là kỳ nguyệt thực thứ hai của năm nay. Đây cũng là kỳ nguyệt thực duy nhất trong năm 2022 mà người dân Việt Nam có thể quan sát.
Khác với kỳ nguyệt thực tháng 5 trước đó chỉ có thể chứng kiến ở Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Phi và khu vực Thái Bình Dương, kỳ nguyệt thực tháng 11 có thể quan sát trên toàn bộ các tỉnh, thành phố Việt Nam, miễn là điều kiện thời tiết cho phép.
Tại Việt Nam sẽ không thể quan sát hiện tượng nguyệt thực nửa tối. Thay vào đó, người dân sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ quá trình diễn ra nguyệt thực toàn phần.
Nguyệt thực toàn phần bắt đầu xuất hiện vào lúc 17h16 giờ Việt Nam và kết thúc vào lúc 20h55. Thời điểm quan sát nguyệt thực dễ nhất là sau 18h tối, khi Mặt Trăng đã lên cao so với đường chân trời.
Người xem không cần dùng đến kính thiên văn mà chỉ cần tìm đến nơi có tầm nhìn thoáng, không gian rộng và ít gặp vật cản để quan sát nguyệt thực.
Nguyệt thực xảy ra khi Trái Đất di chuyển vào giữa Mặt Trăng và Mặt Trời. Khi đó, Trái Đất sẽ đổ bóng lên Mặt Trăng. Bóng của hành tinh xanh có thể che toàn bộ (nguyệt thực toàn phần) hoặc một phần (nguyệt thực một phần) ánh sáng Mặt Trời và khiến Mặt Trăng tối đi.
Trong nguyệt thực, Mặt Trăng có thể mang sắc đỏ vì ánh sáng từ Mặt Trời, dù bị cản trực tiếp bởi umbra (phần tối nhất của bóng Trái Đất), vẫn uốn cong quanh hành tinh xanh và di chuyển xuyên qua khí quyển để chạm tới Mặt Trăng. Khí quyển Trái Đất lọc những bước sóng ngắn hơn màu xanh và cho phép các bước sóng đỏ, cam đi qua. Khi các bước sóng đỏ và cam này đi qua khí quyển Trái Đất, chúng tiếp tục chạm tới Mặt Trăng. Hiện tượng Mặt Trăng màu đỏ được gọi là Trăng Máu.