Từ hình thức tự cung tự cấp trong dịp Tết Nguyên đán, hiếu hỉ, đến nay, việc làm bánh tét mặt trăng, bánh chưng tại xã Hải Thượng (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đã trở thành sinh kế của hàng chục hộ dân ở vùng này.
Ghi nhận thực tế tại thôn Đại An Khê (xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) những ngày cận kề Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hàng chục hộ gia đình tại đây đang thuê thêm người hối hả gói các loại bánh chưng, bánh tét mặt trăng để gửi cho khách hàng ở các tỉnh, thành trong cả nước đặt mua trước đó.
Bà Nguyễn Thị Ngưu (67 tuổi, trú tại thôn Đại An Khê) nói: “Năm nào cũng vậy, ngày 20/12 âm lịch chúng tôi không nhận thêm đơn. Việc gói bánh làm cho đến 28, 29 Tết khi nào làm hết đơn mới thôi”.
Cơ bản các loại bánh trên đều được làm theo các bước: ngâm gạo nếp, vớt ra vo sạch, để ráo nước, trộn gạo với chút muối cùng nước từ lá rau ngót rồi đem đi gói bằng lá chuối và lá dong. Phần nhân bánh được làm từ đậu xanh và thịt heo. “Gói xong lấy lạt buộc chặt rồi đem vào nồi luộc khoảng 8 tiếng đồng hồ là có bánh. Lúc luộc chú ý nước khi nào cũng phải ngập bánh nếu không sẽ không chín đều” - bà Ngưu chia sẻ.
Ông Nguyễn Trứ (61 tuổi, trú thôn Đại An Khê) cho hay, trước đây người dân trong thôn cũng chỉ làm bánh chưng, bánh tét mặt trăng vào dịp Tết Nguyên đán, hiếu hỉ. Đến đầu năm 2000, một người trong thôn bắt đầu làm các loại bánh này để bán cho người dân địa phương ăn sáng và nhận làm bánh chưng, bánh tét mặt trăng cho các gia đình có việc hiếu, hỉ. Các gia đình trong thôn thấy bánh ngon và giá cả phải chăng nên trong các dịp lễ đều đặt mua bánh của người này. Không chỉ vậy, việc đặt làm bánh còn lan tỏa sang các vùng lân cận khiến số lượng khách hàng không ngừng tăng lên, nhiều nhà thấy vậy cũng làm bánh bán và trở thành nghề phổ biến như hiện nay.
Nhiều người trong thôn Đại An Khê cho biết thêm, những năm trở lại đây, các nền tảng mạng xã hội giúp ích cho họ rất nhiều trong việc quảng bá hình ảnh bánh chưng, bánh tét mặt trăng đến người tiêu dùng. Trong số đó, nhiều người ở các tỉnh, thành khác còn đặt mua số lượng lớn về để bán lại.
Chị Đỗ Thị Khởi (37 tuổi, trú tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho biết, qua mạng xã hội, chị thấy hình bán nguyệt của bánh tét mặt trăng rất thú vị nên đã đặt mua về ăn thử. Thấy ngon, chị đặt số lượng lớn về bán cho người dân trong khu vực. “Tôi đặt bánh chưng, bánh tét mặt trăng từ thôn Đại An Khê về bán gần 1 năm nay. Bánh có thể sử dụng 7 - 10 ngày tùy theo cách bảo quản và thời tiết. Bánh có giá phải chăng và thuận tiện cho công nhân mang theo ăn sáng, ăn trưa tại công ty. Vì vậy, mỗi đợt lấy bánh về bán chỉ 1 - 2 ngày là cháy hàng” - chị Khởi chia sẻ.
Ông Trần Văn Kính - Chủ tịch UBND xã Hải Thượng cho biết, làm bánh chưng, bánh tét mặt trăng đã trở thành một nghề mưu sinh của hàng chục hộ dân trong vùng. Trong số đó, có khoảng 30 hộ đang sản xuất bánh quanh năm với quy mô lớn.
Những năm qua, các loại bánh do người dân thôn Đại An Khê làm ra đã khẳng định được thương hiệu trên khắp cả nước. Cùng với đó, việc bánh tét mặt trăng ở thôn Đại An Khê đã được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) hạng 3 sao khiến quá trình sản xuất tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn rất nhiều. Hiện nay, bánh tét mặt trăng Đại An Khê đã có tem truy suất nguồn gốc nên càng khẳng định được sự tin cậy, thương hiệu của sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải cho biết, hiện nay, việc sản xuất bánh chưng, bánh tét tại thôn Đại An Khê diễn ra quanh năm và được vận chuyển đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước tạo nên công việc ổn định cho hàng chục hộ dân, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cũng theo ông Hải, việc xây dựng được thương hiệu và hệ thống tiêu thụ các sản phẩm bánh do người dân thôn Đại An Khê sản xuất đến nay đã có những thành công nhất định. Tuy nhiên, để tiếp tục khẳng định uy tín, vị thế của bánh thôn Đại An Khê, chính quyền địa phương, người dân cần chú trọng và thực hiện nghiêm túc các vấn đề về an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu, uy tín với người tiêu dùng.