Mua sắm online và sử dụng hầu hết các dịch vụ tại nhà đang trở thành xu hướng của nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Đáng chú ý, theo nhận định của giới chuyên gia, kể cả sau khi hết dịch Covid -19, sẽ có nhiều người thay đổi thói quen, thay vì thích ra ngoài nhà hàng để ăn uống, hoặc đi mua sắm, các hoạt động này sẽ được thực hiện tại nhà nhiều hơn so với trước khi xuất hiện dịch.
Đáp ứng nhu cầu của phần lớn người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, nhiều thương nhân đã chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh trực tuyến, giao hàng tận nơi. Trên các trang mạng xã hội, hàng loạt các tiệm ăn uống online được mở ra với vô vàn, thập cẩm các sản phẩm đồ ăn của mọi miền đất nước.
Đơn cử, trên trang mạng xã hội có tên “Chợ truyền thống” , khách hàng có thể lựa chọn đủ thứ đồ ăn theo ý thích của mình, từ các món ăn chính như bánh mỳ, bún, phở, mỳ vằn thắn, cháo, xôi, lẩu... cho đến các món ăn vặt như chè, bánh rán, nem chua rán, pizza, khoai tây chiên, khoai lang chiên... rồi các loại thực phẩm như thịt lợn, sườn lợn, thịt bò, tôm, cua... trên chợ truyền thống có sản phẩm gì thì tại các chợ online cũng có sản phẩm đó.
Chị Nguyễn Thanh Huệ- chủ tiệm bánh xèo Nhật Minh (129 Đội Cấn) cho biết, thực hiện chủ trương giãn cách xã hội của Chính phủ, chị đã đóng cửa hàng từ đầu tháng 4. Tuy nhiên, khi không bán theo kiểu truyền thống nữa, chị mở bán hàng online để đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng.
“Ngày thường, lượng khách đến ăn tại quán Nhật Minh rất đông, nên khi nghỉ bán, rất nhiều khách vẫn gọi điện hỏi nên tôi quyết định chuyển sang bán hàng online, giao hàng tận nơi cho khách” – chị Huệ cho biết.
Nhiều chủ cửa hàng ăn uống cũng chuyển từ cách bán hàng truyền thống sang bán online cho biết, số lượng đặt hàng, giao hàng tận nhà nhiều hơn, thậm chí doanh thu còn khá hơn cả cách bán hàng truyền thống.
Có thể thấy rõ, dịch bệnh Covid-19 đang dần hình thành một thói quen tiêu dùng mới của người dân, đó là ăn uống tại nhà. Nghiên cứu mới nhất do Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen thực hiện về thái độ của người tiêu dùng đối với sự bùng phát của virus Corona chỉ ra rằng tại 11 thị trường châu Á, đa số người tiêu dùng đều thay đổi hành vi tiêu dùng khi ưu tiên việc ăn tại nhà hơn là đi ra ngoài.
Xu hướng này dẫn đầu bởi Trung Quốc đại lục với 86% số người tiêu dùng nói rằng họ sẽ ăn tại nhà thường xuyên hơn trước khi đại dịch bùng nổ. Việt Nam cũng nằm trong xu hướng tương tự với 62% người tiêu dùng nói rằng họ cũng sẽ chọn ăn uống tại nhà, chỉ xếp sau Hồng Kông (Trung Quốc) với 77% người tiêu dùng.
Còn với riêng nghiên cứu về thị trường Việt Nam, Nielsen tại Việt Nam cho biết, những tác động của Covid-19 đến hành vi của người tiêu dùng khiến cho hơn 50% người dân đã giảm tần suất ghé các cửa hàng truyền thống, 52% người dân cho biết, họ gia tăng dự trữ hàng hóa tại nhà. Và khoảng 82% người tiêu dùng đã giảm tần suất các hoạt động ăn uống bên ngoài.
Theo nhận định của Tổng Giám đốc Nielsen Đông Nam Á - Vaughan Ryan, doanh số bán các mặt hàng tiêu dùng nhanh tăng trung bình 20 - 25% mỗi tuần kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng hồi cuối tháng 1 năm 2020. Người tiêu dùng đã chuyển từ “tiêu dùng mua mang đi” sang “tiêu dùng an toàn tại nhà” nhiều hơn”…