Ở Đức - đất nước mà người dân rất yêu quý xe hơi - biến đổi khí hậu đang dần trở thành một vấn đề quan tâm hàng đầu và cũng gây chia rẽ trong cộng đồng cử tri trước kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu. Kết quả thăm dò do Hãng Deustchland Trend công bố mới đây cho thấy 48% người dân Đức coi biến đổi khí hậu là vấn đề lớn nhất.
Nhân công làm việc trong xưởng chế tạo xe của Volkswagen. Nguồn: AP.
Vấn đề gây chia rẽ
Hiện nay ở Đức có 2 luồng ý kiến trái chiều, một bên là những cử tri trẻ tuổi sinh sống ở đô thị, và họ yêu cầu chính quyền cần giúp Đức trở thành một đất nước phi carbon. Trong khi bên còn lại là những cử tri lớn tuổi sống ở vùng nông thôn, những người vẫn muốn dựa vào nền kinh tế chế tạo xe hơi và than đá là nguồn năng lượng chính.
“Những người trẻ tuổi đang hứng thú hơn với số hóa” - Ferdinand Dudenhofer, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xe hơi ở Duisburg-Essen, cho hay - “Giờ họ muốn được tặng một mẫu iPhone mới nhất hơn là một chiếc xe hơi”.
Nước Đức vốn đã cam kết sẽ giảm lượng khí carbon tới 40% vào năm tới - so với mức phát thải năm 1990 - và giảm 55% vào năm 2030, và tới 95% vào năm 2050. Hiện chưa rõ liệu đất nước này có thể đạt được những mục tiêu đầy tham vọng đó hay không.
Sản xuất năng lượng hiện là nguyên nhân chủ yếu gây ra lượng phát thải ở Đức, và quốc gia này đã cam kết sẽ dẹp bỏ các nhà máy điện chạy bằng than đá và thay thế toàn bộ chúng bằng các nguồn năng lượng tái sinh vào năm 2038. Tuy nhiên, giao thông cũng chính là một nguyên nhân lớn nhất gây phát thải. Nhưng khiến người Đức từ bỏ xe hơi lại là một vấn đề cực kỳ khó khăn, cả trong văn hóa và chính trị.
Không nghi ngờ gì khi nói rằng xe hơi có một vị trí đặc biệt ở nước Đức. Là nơi có các hãng xe nổi tiếng như Volkswagen, BMW và Daimler-Benz, đất nước này sản xuất khoảng 5,5 triệu chiếc xe trong năm 2017 - theo Cơ quan Đầu tư và Thương mại Đức.
Ngành chế tạo xe ở Đức tạo ra công ăn việc làm cho hơn 820.000 lao động và đóng góp tới 20% giá trị sản lượng công nghiệp toàn quốc gia. Ở Đức, những con đường cao tốc không bị hạn chế tốc độ - gọi là autobahn - được xem là thiên đường cho những tài xế yêu thích xe hơi và tốc độ.
Ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu
Tuy nhiên, ngành công nghiệp này đang chịu ảnh hưởng lớn, một phần vì các phong trào kêu gọi hành động ứng phó biến đổi khí hậu và một phần vì vụ “Dieselgate” – vụ bê bối khí thải năm 2015 trong đó Volkswagen cùng nhiều hãng khác bị phát hiện không tuân thủ các quy định về ô nhiễm từ dầu diesel. Năm ngoái, lượng xe hơi bán ra của nước này giảm mạnh, được cho là nguyên nhân khiến GDP của họ bị giảm.
“Nhiều người dân Đức giờ nhận ra rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất. Trong lúc cả thế giới tìm cách giảm khí thải ra môi trường, các hãng chế tạo xe buộc phải thay đổi các mẫu xe cũ” - ông Dudenhofer nói - “Các hãng như Mercedes và BMW không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải chế tạo các mẫu xe chạy hoàn toàn bằng điện năng”.
Trong Kế hoạch hành động ứng phó biến đối khí hậu 2015 của Đức, Chính phủ nước này cam kết giảm tới 95 tấn khí thải phát ra từ hoạt động giao thông vào năm 2030. Nhưng kế hoạch này không đặt ra hạn chót để các loại xe hiện hành ở Đức không được phát thải.
Một cuộc thăm dò tổ chức hồi đầu tháng này bởi Kênh truyền hình ARD của Đức cho thấy, 81% số người tham gia thăm dò nói rằng Chính phủ cần có hành động khẩn cấp để giảm khí thải, nhưng chỉ có dưới 34% ủng hộ các đề xuất mà giới chính trị gia đưa ra - trong đó có kế hoạch đánh thuế carbon.
Và không phải tất cả người dân Đức đều coi biến đổi khí hậu là một vấn đề. Đảng cực hữu AfD của nước này trong chiến dịch tranh cử Nghị viện châu Âu của mình còn nói rằng, họ muốn trở thành đảng “cứu dầu diesel”, chứ không phải khí hậu. Một số thành viên đảng này còn chỉ trích các nhà hoạt động vì môi trường.