Sáng 28/9, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Vai trò chỉ đạo nghệ thuật trong các nhà hát của Hà Nội”. Đây là một hoạt động rất cần thiết của giới sân khấu Thủ đô bởi tính định hướng, phong cách của một nhà hát thì người chịu trách nhiệm là chỉ đạo nghệ thuật là vô cùng quan trọng.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến, trao đổi thẳng thắn của các nghệ sỹ lão thành tại các nhà hát của Hà Nội.
PGS.TS Trần Trí Đắc cho rằng: Nghệ thuật sân khấu vốn có 4 thành tố cơ bản là tác giả, đạo diễn, diễn viên và khán giả. Nhưng từ năm 1945 đến nay, ở sân khấu Việt Nam có thêm thành tố thứ 5 – Chỉ đạo nghệ thuật. Chỉ đạo nghệ thuật tuy là thành tố thứ 5 nhưng lại có vai trò đảm bảo khuynh hướng, phong cách, vinh quang và mọi giá trị sáng tạo của đơn vị nghệ thuật theo đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng.
Do đó, chỉ đạo nghệ thuật, nói cho cùng chính là chủ thể quản lý – người cầm quyền thuộc Nhà nước trong đơn vị nghệ thuật sân khấu Việt Nam và có vị trí tối cao đặt ra đường lối phát triển, định hướng sáng tạo, chi phối bao cấp, điều hành mọi tổ chức, nhân sự, hoạt động của các nghệ sĩ trong đơn vị sân khấu… Rõ ràng, một tác phẩm sân khấu được ra đời hay bị dừng cũng đều do chỉ đạo nghệ thuật và có nhà hát được vinh quang hay bị khủng hoảng cũng bởi tài năng chỉ đạo nghệ thuật của nhà hát mình tạo ra.
Các nghệ sỹ đã chỉ ra sự lúng túng đó trước hết là các nhà hát ở Hà Nội không biết “xoay xở” thế nào để vừa có “tác phẩm đỉnh cao”, “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong hoàn cảnh “xã hội hóa”, “sân khấu tự chủ”, để rồi dẫn đến tình trạng và “vắng bóng khán giả trầm trọng”, nhất là ở các sân khấu truyền thống.
Các ý kiến tại hội thảo cũng xoay quanh các vấn đề, vai trò chỉ đạo nghệ thuật còn tồn tại hay không và tồn tại theo mô hình nào để vừa phù hợp với cơ chế thị trường. Tiêu chí, tiêu chuẩn nào để đứng vào vị trí chỉ đạo nghệ thuật...
Từ đó, đưa ra các giải pháp nâng cao vai trò chỉ đạo nghệ thuật trong các nhà hát như: Đổi mới về quy trình sáng tạo tác phẩm; Xây dựng kế hoạch dàn dựng tác phẩm hàng năm; Các phương thức nâng cao chất lượng nội dung và nghệ thuật của các thành phần sáng tạo; Các phương thức hoạt động để quảng bá tác phẩm đến công chúng...