Người làm men, làm muối giữa đời

Minh Giang 28/09/2015 09:03

Năm 2015, vừa tròn 8 năm giáo dân Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh được Giáo hoàng Bênêđictô XVI phong Tước phẩm Hiệp sĩ Đại Thánh giá và Nữ Hiệp sĩ Đại Thánh giá phu nhân cho bà Anna Nguyễn Thị Kim Yến vợ Đại Hiệp sĩ, vì những đóng góp của ông bà đối với Giáo hội và đất nước Việt Nam. 

Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thăm
và chúc mừng giáng sinh gia đình Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh.

Tước phẩm Đại hiệp sĩ thật lớn và “hiếm” vì ông là người Công giáo Việt Nam và cũng là người châu Á đầu tiên được nhận danh hiệu cao quý này. Nhưng ít ai hiểu về nó cũng như việc làm, những đóng góp của ông trong đời thường. Những thành quả trong cả cuộc đời hoạt động bác ái của mình ông đã làm cho Tước phẩm Đại hiệp sĩ cao quý hơn và đặc biệt hơn ông là người Công giáo tiêu biểu thực hiện tốt những giáo huấn của Giáo hoàng, của Hội đồng Giám mục Việt Nam và làm lan tỏa tinh thần bác ái - yêu thương của Công giáo trong cộng đồng xã hội.

Công giáo truyền vào Việt Nam hơn 5 thế kỷ, nhưng lịch sử truyền giáo có liên quan đến quá trình xâm lược của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chế độ cũ ở miền Nam Việt Nam. Mối quan hệ đó đã làm cho Giáo hội Công giáo Việt Nam ít gắn bó với dân tộc, để lại mặc cảm giữa người Công giáo và người ngoài Công giáo, giữa Giáo hội và Nhà nước trong thời gian khá dài. Chỉ khi đất nước thống nhất (1975), Giáo hội Công giáo thống nhất, Hội đồng Giám mục Việt Nam được thành lập (năm 1980) Đại hội lần thứ nhất và ra Thư chung 1980 với đường hướng “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc cho đồng bào” thì Giáo hội Công giáo Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển mới.

Thư chung đã mở đường để người Công giáo Việt Nam được bày tỏ lòng yêu nước và có các hoạt động thiết thực đóng góp vào công cuộc xây dựng quê hương. Giáo dân Lê Đức Thịnh chính là người Công giáo tiêu biểu đã đưa những giáo huấn tốt đẹp trong Thư chung 1980 vào cuộc sống khi ông thành lập nhiều nhóm bác ái xã hội và thực hiện nhiều chuyến từ thiện xã hội, đến những nơi người dân còn khó khăn để trợ giúp.

Nhóm của ông đã vận động được số tiền hơn 8 tỷ đồng để mua hàng chục tấn gạo và các mặt hàng thiết yếu đưa đến tận tay người nghèo. Trong 3 năm (2004 – 2007) ông cùng với các chức sắc giáo phận Xuân Lộc đóng góp và vận động tín đồ đóng hơn 140 tỷ đồng làm từ thiện và công tác xã hội như làm đường giao thông liên thôn, làm cầu tạo thuận lợi cho bà con đi lại; xây nhà tình thương, chữa bệnh cho người nghèo, người neo đơn, tàn tật; lập quỹ khuyến học, giúp trẻ em nghèo được đi học. Vận động hơn 600 triệu đồng ủng hộ đồng bào các dân tộc tại tỉnh Sơn La dời nhà để xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La. Trong các lĩnh vực này, ông vừa là người khởi xướng, vừa là người đề xuất phương án, vừa là người trực tiếp thực hiện.

Ở cương vị Hiệp sĩ Đại Thánh giá, ông Lê Đức Thịnh có nhiều thuận lợi hơn nhưng trách nhiệm nặng nề hơn trong việc đưa những giáo huấn, những giá trị đạo đức tốt đẹp của Công giáo vào cuộc sống. Với con người luôn trăn trở về việc phụng dưỡng 3 người Mẹ: Mẹ sinh thành, Mẹ Tổ quốc và Mẹ Giáo hội như Giám mục Nguyễn Chu Trinh, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc đã nói khi phong Tước phẩm cho ông, ông đã cố gắng rất nhiều để làm tốt bổn phận của mình, bổn phận một người giáo dân tốt đồng thời là người công dân tốt, bổn phận gắn kết mối tương quan giữa giáo hội và xã hội như Huấn từ của Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhắn nhủ toàn thể Giáo hội Công giáo Việt Nam trong dịp các Giám mục Việt Nam đi Ad Limina năm 2009: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”.

Những việc làm của ông Lê Đức Thịnh không chỉ giúp đỡ về mặt vật chất mà còn làm chuyển biến nhận thức của người Công giáo, người nghèo trong việc coi trọng sự học và học cao cho con em; biết chăm lo cho sức khoẻ, phòng chống bệnh tật; biết cách tổ chức cuộc sống. Làm tăng nhận thức của người Công giáo về trách nhiệm không những với cuộc sống của gia đình mình, mà còn với cộng đồng, xã hội và đất nước như chỉ dẫn của Giáo hội. Với những đóng góp đó ông được Giáo hoàng Bênêđictô XVI phong Tước phẩm Hiệp sĩ Đại Thánh giá vào năm 2007.

Song hành với công việc bác ái từ thiện với những chuyến hàng đến Kon Tum, Đăk Lắk cho đồng bào dân tộc nghèo, ông Lê Đức Thịnh còn tổ chức cả những chuyến thăm Thủ đô Hà Nội, thăm các tỉnh phía Bắc cho các Nữ tu là người dân tộc thiểu số (Dòng Ảnh phép lạ), những chuyến hành hương đến La Vang, Tà Pao để cho các nữ tu, tín đồ Công giáo hiểu hơn, cảm nhận hơn sự phát triển của đất nước.

Ông còn là cầu nối, sự hòa giải giữa chính quyền và giáo hội trong giải quyết các vụ việc liên quan đến tôn giáo và thay đổi nhận thức trong quan hệ đạo - đời. Ông Lê Đức Thịnh đã lấy mục tiêu chung là lợi ích của tín đồ Công giáo cũng là của công dân Việt Nam, lấy đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc chung tay xây dựng quê hương, phát triển đất nước là điểm kết nối trong đối thoại, gặp gỡ giữa các cấp chính quyền và chức sắc, tín đồ Công giáo.

Thành quả của những cố gắng đó là trên khắp mọi miền đất nước, đời sống tôn giáo ngày một tốt đẹp, nhu cầu của tín đồ về cơ sở thờ tự, về sinh hoạt tôn giáo được chính quyền các cấp quan tâm hơn; giáo hội thành lập thêm nhiều giáo xứ, giáo họ, các cơ sở đào tạo; đồng bào Công giáo chủ động hơn hoạt động tôn giáo đúng pháp luật. Đồng thời Giáo hội ngày càng nâng cao trách nhiệm với cộng đồng không chỉ ở các hoạt động từ thiện xã hội mà còn trong các hành động vì chủ quyền đất nước.

Xâu chuỗi lại những hoạt động, những đóng góp của đồng bào Công giáo trong thời gian qua, chúng ta đều thấy hình ảnh của ông Lê Đức Thịnh - người Công giáo tiêu biểu đã làm men, làm muối giữa đời. Những việc làm đó đã góp phần đưa chính sách tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, cũng như tiếp tục thực hiện ý nguyện của Giáo hoàng Francis trong cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng năm 2014: “Người Công giáo Việt Nam phải là công dân tốt, người Công giáo Việt Nam phải là người yêu nước, người Công giáo Việt Nam phải đồng hành cùng dân tộc xây dựng đất nước ấm no, hạnh phúc”.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh vừa thực hiện tốt trách nhiệm của một công dân, một tín đồ, vừa làm lan tỏa trách nhiệm đó trong cộng đồng Công giáo, trách nhiệm của giáo dân đối với đất nước; cùng với các thành phần trong xã hội đồng cảm, chia sẻ với người nghèo, người bất hạnh và làm lan tỏa giá trị đạo đức Công giáo trong lòng dân tộc với những giáo huấn hướng về Chân - Thiện - Mỹ của Phúc âm.

Quá trình đó tuy lâu dài nhưng với sự bền bỉ và trách nhiệm của một người yêu nước và của một tín đồ Công giáo ông đã góp phần tạo nên một diện mạo mới của người Công giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.

Thư chung năm 1980 là nền tảng, là sự lựa chọn thích hợp, những chỉ dẫn của Giáo hoàng là sự bồi bổ, khích lệ người Công giáo tiếp tục thực hiện đường hướng của Thư chung và Đại hiệp sĩ Lê Đức Thịnh chính là những người Công giáo tiêu biểu đưa đường hướng đó vào cuộc sống : “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là một đòi hỏi của Phúc âm” (Thư chung 1980).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người làm men, làm muối giữa đời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO