Chính trị

Người tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu: Cấm tuyệt đối hay ở mức cho phép?

H.Vũ 20/11/2023 09:27

Nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông? là vấn đề nhận được sự quan tâm của người dân.

anh-bai-tren.jpg
Thảo luận tại Tổ 13 (gồm các Đoàn ĐBQH Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang), ngày 10/11, về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nguồn: quochoi.vn

Tại dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ có quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu, hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Về vấn đề này, ngay trong cơ quan thẩm tra dự án luật là Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cũng có 2 luồng ý kiến khác nhau. “Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Một số ý kiến khác nhất trí với quy định này, vì thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả” - ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho hay.

Vấn đề trên cũng nhận được nhiều ý kiến từ chính các ĐBQH và dư luận xã hội. Ông Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho biết, quá trình thẩm tra dự án luật cũng có các ý kiến bày tỏ băn khoăn về quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Về quan điểm cá nhân, ông An bày tỏ quan điểm ủng hộ quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Tuy nhiên theo ông, cần phân biệt rõ là quy định này không cấm người dân uống rượu bia, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các nhà hàng, quán sá mà chỉ cấm người dân đã uống rượu bia thì không được lái xe.

“Thực tế trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã quy định rõ nội dung này và thời gian qua việc thực hiện quy định uống rượu bia không lái xe đã chứng minh tính hiệu quả. Do đó cần phải nhất quán và tiếp tục làm quyết liệt việc tài xế đã uống rượu bia là không được lái xe. Đây là chủ trương tốt, đang triển khai. Điều quan trọng cần làm chặt chẽ nhưng không gây ảnh hưởng, phiền hà đến người dân” - ông An cho hay.

Trong khi đó, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TPHCM) đề nghị quy định rõ có nồng độ cồn, hay có nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép? Theo bà Lan, cần thiết kế lại quy định theo hướng có thể lựa chọn mức nồng độ cồn thấp để quy định không được vượt quá. Nếu không đôi khi không uống gì, thổi cũng lên nồng độ cồn.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cũng đồng tình với quan điểm như bà Phong Lan. Ông Thanh nói: “Quốc tế họ quy định thế nào thì chúng ta làm như vậy. Nên có mức nồng độ cồn cho phép. Nếu quá mức thì xử phạt, chứ không nên cấm tuyệt đối. Như hiện nay Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng đưa ra mức độ vượt quá để xử phạt”.

Ông Thanh phân tích thêm, ngay uống một số thuốc cảm cũng tạo nồng độ cồn, thậm chí nước hoa quả lên men cũng có nồng độ cồn nhưng nồng độ rất nhẹ. Do đó chỉ nên đưa ra mức độ vượt quá mức cho phép, gây tác động đến thần kinh thì mới xử phạt. Hiện chúng ta đang xử phạt theo Nghị định 100 là quá nghiêm rồi. Cứ làm đúng như vậy là được.

Còn theo ông Bùi Văn Xuyền - nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhìn nhận, trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã quy định nội dung này. Sau một thời gian thực hiện đã đem lại hiệu quả, ý thức của người tham gia giao thông cũng được nâng lên đáng kể, đã tham gia giao thông là không sử dụng rượu, bia. Tuy nhiên cũng có tác động “ngược” đó là phần nào cũng ảnh hưởng đến vấn đề văn hóa, sinh hoạt của người dân, phát triển kinh tế, nhất là các địa phương phát triển du lịch.

“Về khoa học không nên cấm tuyệt đối. Nếu uống ở mức độ nhất định thì vẫn có thể điều khiển được hành vi của mình khi tham gia giao thông. Chứ cấm tuyệt đối thì không nên. Có người uống từ tối hôm qua, ngủ dậy sáng hôm sau đi làm. Nếu thổi thì vẫn có nồng độ cồn và bị xử phạt. Như vậy là chưa hợp lý lắm. Nên chăng cần đưa ra mức nồng độ cồn cho phép. Nếu nồng độ cồn vượt quá mức cho phép thì mới xử phạt, và xử phạt nghiêm minh” - ông Xuyền bày tỏ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, Bộ Y tế đã nghiên cứu và công bố một số loại đồ uống, thực phẩm cũng có nồng độ cồn. Rồi khả năng đào thải rượu, bia của mỗi người khác nhau. Có người uống 1 lon bia từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau vẫn còn dư âm nồng độ cồn trong hơi thở.

Do đó, theo ông Quyền, nên lấy mức độ cồn mà Bộ Y tế đã công bố khi sử dụng một số đồ uống, thức ăn có nồng độ cồn trong hơi thở. Lấy ngưỡng đó để đưa ra mức quy định, tránh việc một số người bị xử lý oan, chứ không thể cấm tuyệt đối, tức là nồng độ cồn bằng “0”.

“Theo quy định của dự thảo luật hiện nay thì người đi xe đạp cũng bị điều chỉnh bởi luật quy định là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trong phương tiện bao gồm xe cơ giới; và xe thô sơ, trong đó có xe đạp. Vì vậy chỉ quy định áp dụng đối với người điều khiển xe cơ giới, còn xe thô sơ, xe đạp làm sao chúng ta có thể kiểm soát hết được mà quy định vào trong luật?” - ông Quyền nêu vấn đề.

Theo chương trình, chiều 24/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu: Cấm tuyệt đối hay ở mức cho phép?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO